Showbiz

Nhãn hàng được gì khi bỏ tiền vào "Thần tượng bolero"?

10/03/2016, 09:44

Chương trình sai khái niệm bolero, nhà tài trợ và các nhãn hàng được gì khi bỏ tiền chạy quảng cáo trong chương trình?

Bài 1_Thí sinh Nguyễn Văn Nam thể hiện ca khúc Câu

Thí sinh Nguyễn Văn Nam thể hiện ca khúc "Câu chuyện đầu năm" trong chương trình "Thần tượng bolero".  Ảnh: Lý Võ Phú Hưng

“Con cá to” của nhà đài

Đang là một trong những chương trình lớn thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả, “Thần tượng bolero” mới đây đã gặp phải những ồn ào về việc làm sai khái niệm về bolero, rằng chương trình quy các dòng nhạc trữ tình, tiền chiến, tân nhạc,... vào bolero.

Là chương trình lớn của một đài truyền hình lớn nhưng lại có những sai sót không đáng có, phải chăng việc “Thần tượng bolero” đang “treo đầu dê, bán thịt... nửa dê” là để kiếm lợi nhuận từ sự trỗi dậy mạnh mẽ của thể loại nhạc này?

Trên website của Trung tâm dịch vụ quảng cáo và truyền hình (tvad.com.vn), bảng giá quảng cáo của chương trình “Thần tượng bolero” ở khung giờ 20-21h thứ 5 hàng tuần có những mức giá quảng cáo cho 10 giây là 125 triệu, 15 giây là 150 triệu, 20 giây là 187 triệu 500 ngàn, và 250 triệu cho 30 giây quảng cáo.

Trong mỗi tập phát sóng của chương trình, logo quảng bá thương hiệu của nhãn hàng tài trợ chính chạy trên gần như xuyên suốt chương trình. Chưa kể những quảng cáo nhỏ ngoài chương trình, nếu tính theo bảng giá đã định thì trong mỗi tập của chương trình, số lợi nhuận thu được từ việc quảng cáo cũng lên tới hàng tỷ đồng.

Bà Lưu Nga, Tổng Giám đốc thương hiệu thời trang Elise, đơn vị tài trợ chính của chương trình “Thần tượng bolero” cho biết hãng Elise đã đồng hành cùng Cát Tiên Sa trong rất nhiều chương trình, nên bà rất tin tưởng vào khả năng, chất lượng của các chương trình do Cát Tiên Sa tổ chức, cũng như việc đảm bảo các yếu tố trong hợp đồng tài trợ.

“Tôi được biết chương trình đang rất được lòng khán giả, rating khá cao và cá nhân tôi cũng rất thích chương trình này. Tôi nghĩ những ồn ào xung quanh chương trình cũng không làm ảnh hưởng gì tới những khán giả yêu thích chương trình".

Từ chối trả lời về mức giá tài trợ, quảng cáo trong chương trình, nhưng bà Lưu Nga cho biết thêm: “Nếu có bất kỳ vấn đề gì xảy ra xung quanh chương trình, Cát Tiên Sa sẽ làm việc với chúng tôi và cũng phải có trách nhiệm thực hiện đúng hợp đồng tài trợ ban đầu”.

Trên trang youtube chính thức của chương trình, Mobiistar là thương hiệu tài trợ chính. Phóng viên đã gọi điện liên hệ, email về việc tài trợ, quảng cáo cho chương trình "Thần tượng bolero" có hiệu quả như mong muốn khi chương trình bị dư luận lên án "rắn giả lươn" thì cho giờ phút này, chúng tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời.

Bảng giá quảng cáo

Bảng giá quảng cáo của một số chương trình trên VTV3. Có thể thấy, mức giá quảng cáo ngoài chương trình "Thần tượng bolero" đang đứng cao so với các chương trình giải trí khác

(Ảnh chụp màn hình website của tvad.com.vn)

Chương trình càng dính "phốt", người quảng cáo càng có lợi?

Không chỉ "Thần tượng bolero", đa số các chương trình THTT, gameshow hiện nay đều sống nhờ quảng cáo. Thế nhưng, trong một chương trình gặp quá nhiều sạn, đi ngược khái niệm âm nhạc như đã nêu thì các nhãn hàng cũng như các nhà tài trợ thu được lợi gì từ chương trình ấy?

Chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Quản lý dự án của Gia Bảo Media cho rằng, chương trình nào hiện nay cũng có sạn. Vấn đề là sạn do sơ suất phía đơn vị tổ chức, hay sạn là do họ cố tình để đánh bóng, tạo scandal. Vì scandal là một trong những "cần câu rating" đang được sử dụng nhiều nhất hiện nay.

Chị Nhung cho hay: "Về thương hiệu, việc được hay mất với một chương trình phụ thuộc vào mục tiêu của họ. Thường khi tài trợ cho một gameshow được phát trên kênh truyền hình quốc gia, họ mong muốn quảng bá thương hiệu, gia tăng độ nhận biết về thương hiệu với công chúng.

Với một chương trình độ rating cao, công chúng mục tiêu tham gia, ủng hộ và theo dõi ngày càng tăng. Nếu chương trình này có sạn đến mức phản cảm, bị tẩy chay, bị đình chỉ phát sóng, mục tiêu đề ra không đạt được, đó mới là cái mất của nhà tài trợ".

Trong khi đó, chuyên gia quảng cáo tên T. (xin phép giấu tên) hiện đang công tác tại một tập đoàn truyền thông lớn, cho rằng: "Đứng trên phương diện của một nhà tài trợ, họ chỉ quan tâm đến hiệu quả của chương trình bao nhiêu người biết đến. Một chương trình càng dính “phốt”, người quảng cáo càng có lợi. Bởi, quảng cáo trong chương trình, gameshow thường là quảng cáo cho những sản phẩm chứ không phải cho thương hiệu.

Trừ khi chương trình tai tiếng, phải dừng lại đột xuất và bị tuýt còi mới dừng tài trợ”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.