Lập tờ khai gửi hàng, xác minh giấy tờ người nhận
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, tại Điều 68 quy định về hàng hóa ký gửi của Luật Đường bộ (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025) đã luật hóa nhiều quy định mới liên quan đến vận chuyển hàng ký gửi trên xe vận tải hành khách.
Điều này nhằm quản lý chặt chẽ việc tiếp nhận, vận chuyển và giao nhận các loại hàng hóa trên xe chở khách, góp phần đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự chuyến đi.
Cụ thể, Luật quy định hàng hóa ký gửi là hàng hóa gửi theo xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách mà người gửi không đi cùng trên xe, được thực hiện theo thỏa thuận giữa người kinh doanh vận tải và người gửi hàng.
Đơn vị vận tải chỉ được nhận vận tải hàng hóa có kích thước, trọng lượng phù hợp với phương tiện và không thuộc hàng hóa cấm lưu thông, hàng hóa nguy hiểm, động vật hoang dã, hàng có mùi hôi thối, động vật, hàng hóa khác có ảnh hưởng đến sức khỏe của hành khách, môi trường.
Người có hàng hóa ký gửi phải lập tờ khai gửi hàng hóa, trong đó kê khai tên, số lượng, khối lượng hàng hóa; tên, địa chỉ, số định danh cá nhân của người gửi và người nhận hàng hóa.
Đơn vị kinh doanh vận tải có trách nhiệm kiểm tra hàng hóa ký gửi theo tờ khai gửi hàng hóa và xác nhận vào tờ khai gửi hàng hóa. Tờ khai gửi hàng hóa được lập thành 2 bản, mỗi bên giữ một bản.
Đáng chú ý, Luật Đường bộ còn quy định người nhận hàng hóa ký gửi phải xuất trình giấy tờ tùy thân khi nhận hàng.
Việc bồi thường thiệt hại hàng hóa ký gửi thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan, trừ các trường hợp được miễn bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật này.
Như vậy, so với quy định hiện hành tại Nghị định 47/2022 (sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 10/2020) của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, quy định về hàng hóa ký gửi tại Luật Đường bộ chặt chẽ hơn nhiều.
Bởi hiện nay, Nghị định 47/2022 mới chỉ quy định: Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe (nếu có) khi nhận hàng hóa ký gửi (người gửi hàng hóa không đi theo xe) phải yêu cầu người gửi hàng hóa cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin về: Tên hàng hóa, cân nặng (nếu có), họ và tên, địa chỉ, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân, số điện thoại liên hệ của người gửi và người nhận.
Thậm chí, theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, dù đã có quy định trên song việc thực hiện của đơn vị vận tải và người gửi hàng hóa thực tế vẫn chưa tuân thủ, còn hời hợt.
Nhiều lái, phụ xe khách nhận hàng dọc đường một cách chóng vánh, trên bọc hàng không thể hiện đầy đủ các thông tin trên, chỉ có số điện thoại người nhận, địa chỉ để lái, phụ xe gọi khi gần đến nơi nhận.
Lái, phụ xe cũng chỉ đưa lại tờ danh thiếp của xe cho người gửi để người nhận chủ động gọi, nắm lịch trình của xe, chờ nhận hàng.
Khi nhận hàng, lái, phụ xe cũng chỉ hỏi thông tin số điện thoại người nhận, địa chỉ nơi người gửi gửi và giao nhanh chóng mà chẳng cần xác minh về giấy tờ tùy thân.
Theo các chuyên gia, với quy định chặt chẽ tại Luật Đường bộ, khi triển khai các Nghị định, Thông tư hướng dẫn cần quy định chi tiết hơn, song song với đó, có chế tài mạnh mẽ hơn để xử lý nếu không thực hiện nghiêm.
Mặt khác, lực lượng chức năng cũng cần quyết liệt, thường xuyên kiểm tra, xử lý các vi phạm trong gửi hàng hóa ký gửi.
Có như thế mới tạo tính răn đe và nâng cao ý thức trách nhiệm của lái xe, phụ xe trong tiếp nhận, giao nhận hàng hóa ký gửi.
4 trường hợp được miễn bồi thường hàng hóa
Tại Điều 68 Luật Đường bộ cũng quy định rõ 4 trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải được miễn bồi thường thiệt hại hàng hóa ký gửi.
Các trường hợp này gồm: Do đặc tính tự nhiên hoặc khuyết tật vốn có của hàng hóa ký gửi hoặc hao hụt ở mức cho phép; Do việc bắt giữ hoặc cưỡng chế của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với hàng hóa ký gửi; Do nguyên nhân bất khả kháng; Do lỗi của người thuê vận tải, người áp tải hàng hóacủa người thuê vận tải hoặc người nhận hàng hóa.
Đại diện một đơn vị vận tải cho biết, tại Luật Đường bộ đang quy định chung chung, do đó, tại Nghị định, Thông tư hướng dẫn cần quy định chi tiết hơn từng trường hợp để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp và khách hàng khi triển khai.
"Đơn cử như nguyên nhân bất khả kháng là gì, cần liệt kê rõ; hao hụt ở mức cho phép cũng cần nêu rõ mức cho phép là khoảng nào…", vị này nêu ý kiến.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận