Thị trường

Nhãn hiệu nước khoáng đầu tiên sử dụng chai nhựa tái chế

10/12/2020, 17:45

Ngày 09/12, La Vie ra mắt sản phẩm nước khoáng sử dụng chai nhựa tái chế (rPET).

img

Sản phẩm nước khoáng thiên nhiên La Vie sử dụng chai được làm từ nhựa tái chế

Ngày 09/12, La Vie ra mắt sản phẩm nước khoáng sử dụng chai nhựa tái chế (rPET. Sáng kiến được áp dụng ban đầu với sản phẩm nước khoáng thiên nhiên La Vie 700ml - chai 50% nhựa tái chế (rPET) và tiếp tục được mở rộng trong danh mục sản phẩm của công ty dựa trên nguồn cung nguyên liệu rPET của thị trường.

rPET là loại nhựa được tạo ra từ vỏ chai PET đã qua sử dụng, với quy trình tái chế rất chặt chẽ để đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh của ngành thực phẩm & đồ uống. Ngoài ra, để có nguồn nguyên liệu sản xuất rPET, cần có hệ thống thu gom, phân loại và tái chế chai nhựa.

Vì thế, sáng kiến sử dụng bao bì rPET không chỉ góp phần giảm thiểu việc sử dụng nguyên liệu nhựa mới (nhựa nguyên sinh) mà còn đem lại cơ hội tái sinh cho mỗi vỏ chai được thu gom, góp phần tạo động lực cho các dự án thu gom & tái chế tại Việt Nam, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn để biến rác thải thành tài nguyên thay vì thải ra môi trường. Theo đó, từng bước giúp người tiêu dùng có một cách nhìn mới về các giải pháp đối với vấn đề rác thải hiện nay.

img

Quy trình sản xuất nhựa rPET từ vỏ chai đã qua sử dụng

Thông qua sáng kiến này, La Vie đem đến tín hiệu cho thấy nhu cầu tiêu thụ nhựa tái chế rất lớn từ các công ty nước giải khát như La Vie, từ đó khuyến khích doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất rPET để đẩy nhanh hơn nữa mô hình kinh tế tuần hoàn. Hiện nay các công ty giải khát đối mặt nhiều thách thức trong việc sử dụng nhựa tái chế vì tại Việt Nam chưa có các doanh nghiệp sản xuất loại nhựa tái chế dùng cho thực phẩm (Food Grade Recyclable Plastic).

Không những thế, sáng kiến sử dụng nhựa rPET là một phần trong kế hoạch thực hiện mục tiêu có thể tái chế và tái sử dụng 100% bao bì sản phẩm tới năm 2025 của Công ty La Vie & Tập đoàn Nestlé. Mục tiêu này xuất phát từ tầm nhìn: Không có bao bì nào của tập đoàn trở thành rác thải sau khi sử dụng.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Nestlé, ông Mark Schneider, cho biết: “Nhựa phế thải là một trong những vấn đề lớn gây ảnh hưởng tới môi trường bền vững mà thế giới ngày hôm nay đang phải đối mặt. Giải quyết vấn đề này cần có hướng tiếp cận một cách tổng thể. Chúng tôi cam kết sẽ tìm ra những giải pháp tốt hơn để giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế bao bì. Tham vọng của chúng tôi là tái chế và tái sử dụng 100% bao bì sản phẩm”.

Để đạt mục tiêu, nhiều sáng kiến về bao bì bền vững đang được La Vie triển khai như: Loại bỏ những bao bì không cần thiết và khó có thể thu gom & tái chế, như màng co nắp chai,… Hiện bao bì sản phẩm của La Vie có thể tái chế 100%; Phát triển & tìm kiếm các nguyên liệu bền vững (ra mắt chai thủy tinh với quy trình thu gom & tái chế hoàn toàn vỏ chai sau sử dụng; dùng chai được làm từ nhựa rPET,… ); Tập trung vào bao bì có thể tái sử dụng (sản phẩm La Vie dung tích 19L,…)

Đồng thời, La Vie hiện là thành viên sáng lập của Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) và đang hợp lực với các công ty thành viên của tổ chức này để cùng thúc đẩy mô hình phân loại, thu gom & tái chế rác thải thông qua các dự án triển khai tại Việt Nam.

Là doanh nghiệp hoạt động 28 năm trong ngành nước khoáng thiên nhiên và là thành viên của Tập đoàn Nestlé, Công ty La Vie luôn gắn các hoạt động sản xuất kinh doanh với mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Thông qua chương trình “Tạo Giá Trị Chia Sẻ”, Công ty La Vie tạo nên những giá trị chung cho các bên liên quan và xã hội trong thời gian lâu dài.

Trong năm 2019, nhà máy Công ty La Vie tại Long An trở thành đơn vị đầu tiên tại Việt Nam được tổ chức Alliance for Water Stewardship (AWS) cấp chứng nhận quốc tế về quản lý nguồn nước bền vững. Đồng thời, Công ty La Vie được vinh danh là một trong 100 doanh nghiệp phát triển bền vững xuất sắc nhất tại Việt Nam bởi Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.