Y tế

Nhân rộng bác sỹ gia đình giảm quá tải bệnh viện

20/12/2017, 08:12

Bác sĩ gia đình được đánh giá như người “gác cổng” trong hệ thống cung ứng dịch vụ y tế.

18

Tăng hiệu quả hoạt động của BSGĐ sẽ giúp giảm quá tải, tiết kiệm chi phí nằm viện cho người bệnh

Mô hình bác sĩ gia đình chưa phát huy hiệu quả

Theo BS. Nguyễn Tá Dũng, Trung tâm BSGĐ Hà Nội, sau 6 năm thành lập, lượng bệnh nhân đến với trung tâm mỗi năm một đông hơn. Ước tính, mỗi tháng trung tâm tiếp nhận khoảng 2.000 bệnh nhân tới khám, chữa bệnh. Cũng theo BS. Dũng, mặc dù được áp dụng thanh toán BHYT nhưng BSGĐ lại bị hạn chế như tiền viện phí, thuốc chỉ trong giới hạn khoảng dưới 180.000 đồng/người hoặc không thanh toán chi phí sử dụng các dịch vụ “công nghệ cao” như siêu âm đầu dò, chụp X-quang… Mục đích lớn nhất của mô hình là quản lý khám, chữa bệnh theo hộ dân cư, trung tâm chưa thực hiện được.

"Tại 8 tỉnh thực hiện đề án BSGĐ đã thành lập 350 cơ sở khám, chữa bệnh y học gia đình. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2017, các cơ sở BSGĐ đã khám sàng lọc được 251.000 ca bệnh, khám hơn 567.000 lượt bệnh nhân, phát hiện bệnh hơn 227.000 người, xử lý 5.700 ca cấp cứu… Phòng khám BSGĐ phải được cấp phép hoạt động theo điều kiện quy định và BSGĐ phải có chứng chỉ hành nghề”.

Ông Lương Ngọc Khuê
Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế )

Còn theo bà Trịnh Thị Lý, Trưởng bộ môn Y học gia đình, ĐH Y Hải Phòng, trên thế giới sàng lọc phát hiện sớm cho số lượng lớn người dân có nguy cơ là nhiệm vụ của phòng khám BSGĐ. Các trường hợp nghi mắc bệnh mới được lên bệnh viện để chẩn đoán và điều trị. Nhưng ở nước ta hiện đang đi ngược khi tất cả bệnh nhân đổ dồn lên bệnh viện tuyến trên. Trong khi nếu bệnh được phát hiện sớm thì hiệu quả điều trị chi phí tài chính, nhân sự và cả trang thiết bị đều giảm rất nhiều.

Tại Hội nghị Nâng cao năng lực và chất lượng cung ứng dịch vụ y tế tuyến xã dựa vào y học gia đình hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân tổ chức hôm qua (19/12), ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng nhìn nhận: Mặc dù có những hiệu quả nhất định nhưng trên thực tế, hoạt động BSGĐ vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Như nguồn nhân lực có chuyên môn về y học gia đình còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa xây dựng được hồ sơ quản lý hồ sơ sức khỏe, bệnh án điện tử của người bệnh, gia đình bệnh nhân và của cộng đồng dân cư. Thanh toán BHYT các dịch vụ mô hình phòng khám BSGĐ còn gặp nhiều khó khăn, phí dịch vụ khám, chữa bệnh tại nhà còn mang tính tự phát, chưa được thanh toán BHYT. Hay trang thiết bị, thuốc điều trị còn hạn hẹp. “Thậm chí, nhiều người dân còn chưa hiểu rõ về mô hình phòng khám BSGĐ”, ông Khuê cho biết.

Giảm quá tải, tiết kiệm chi phí nằm viện, cách nào?

Theo ông Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, nếu phát triển nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu theo hướng toàn diện liên tục, BSGĐ sẽ giúp quản lý tốt sức khỏe người dân. Nhất là những người mắc bệnh mạn tính, giúp giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao hiệu quả của hệ thống. Ông Tuấn cũng nhìn nhận hoạt động BSGĐ sẽ giúp giảm bớt gánh nặng, thời gian và công việc cho bác sĩ chuyên khoa liên quan, tiết kiệm chi phí nằm viện cho bệnh nhân, gia đình và xã hội. Đồng thời, tăng sự hợp tác phối hợp điều trị giữa người bệnh và nhân viên y tế, giảm những vấn đề bức xúc của xã hội.

Ông Lương Ngọc Khuê cũng cho biết, theo định hướng đến năm 2020, ngành Y tế sẽ nhân rộng và phát triển phòng khám BSGĐ với tỷ lệ 80% tỉnh, thành nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, góp phần tăng cường chất lượng khám, chữa bệnh cơ sở và giảm quá tải bệnh viện. Theo đó, bên cạnh các phòng khám BSGĐ thuộc Trung tâm Y học gia đình của trường ĐH, CĐ Y khoa; phòng khám BSGĐ tư nhân; sẽ hướng tới lồng ghép BSGĐ tại các trạm y tế tuyến xã, huyện… “Để triển khai BSGĐ về trạm y tế, Bộ có hướng dẫn về đào tạo y học gia đình 3 tháng với bác sĩ đã có chứng chỉ hành nghề, có kiến thức lâm sàng ít nhất 3 năm trở lên. Hoặc thực hiện luân phiên 2 chiều, đưa bác sĩ tuyến trên về hỗ trợ BSGĐ trạm y tế và ngược lại, đưa bác sĩ trạm y tế về thực hành khám, chữa bệnh tại bệnh viện tuyến trên”, ông Khuê cho hay.

Ông Phạm Lê An, Trưởng bộ môn Y học gia đình, ĐH Y dược TP.HCM cho rằng: “Để đáp ứng nhu cầu về chăm sóc sức khỏe hiện nay cần phát triển hoạt động BSGĐ. Bên cạnh việc cải cách chính sách, để làm được còn đòi hỏi phải có cơ chế đãi ngộ hợp lý, thu hút bác sĩ giỏi từ tuyến trên về cơ sở làm BSGĐ…”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.