Hạ tầng

Nhân rộng mô hình bến xe kiểu mẫu

27/06/2014, 09:25

Trên cơ sở một số mô hình bến xe đã hoạt động hiệu quả kết hợp với kinh nghiệm phát triển bến xe của các nước, Bộ Giao thông vận tải sẽ nghiên cứu xây dựng và ban hành mô hình bến xe mẫu...

TIN LIÊN QUAN


 

Cổng ra vào Bến xe Trung tâm Đà Nẵng
Cổng ra vào Bến xe Trung tâm Đà Nẵng


Thực trạng mạng lưới bến


Tính đến 15/6/2014, cả nước có 457 bến xe ô tô khách. Trong đó có 322 bến xe loại 4 trở lên phục vụ vận tải hành khách liên tỉnh theo quy định của Bộ GTVT. Như vậy, bình quân hiện nay mỗi tỉnh, thành phố có 7 bến xe, trong đó có trên 70% số bến xe  từ loại 4 trở lên. So với thời điểm trước khi sắp xếp phân loại theo quy định của Bộ GTVT, số lượng bến xe đã giảm  87  bến do không đủ điều kiện công bố bến xe theo quy định.


Theo đánh giá của Bộ GTVT, trang thiết bị tại 322 bến xe loại 4 trở lên, đặc biệt là các bến xe trung tâm thành phố, thị xã đều đã được đảm bảo đúng quy chuẩn. Tuy nhiên, các trang thiết bị này mới chỉ dừng ở mức độ phục vụ được nhu cầu tối thiểu của hành khách theo quy chuẩn. 


Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, theo quy định tại Thông tư 49/2013/TT-BGTVT, bến xe phải thực hiện các dịch vụ cho hành khách, lái xe, nhân viên phục vụ và phương tiện ra vào bến. Trong đó, quy trình xe ra vào bến được niêm yết và thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư. Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động của các bến xe vẫn còn nhiều bất cập. Tại các bến xe lớn, trung tâm như:  Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, tình trạng quá tải số lượng phương tiện và hành khách ra vào bến vẫn xảy ra dẫn đến hiện tượng hoạt động giao thông xung quanh bến bị ảnh hưởng nghiêm trọng.


Việc tổ chức, bố trí phương tiện hoạt động tại một số bến xe chưa hợp lý nên chưa tận dụng được hết cơ sở vật chất và mặt bằng. Bên cạnh đó, công tác tổ chức giao thông trong bến cho các phương tiện xe máy, taxi, xe buýt vào đón trả khách ở nhiều bến xe trung tâm còn lộn xộn. Tình trạng tranh giành, co kéo hành khách vẫn diễn ra làm cho nhiều hành khách ngại vào bến đi xe.


Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGTQG Khuất Việt Hùng cho biết, nhiều bến xe khách từ loại một đến loại 4 chưa bố trí thiết bị, thực hiện kết nối internet giữa các bến xe khách với cơ quan quản lý, tuyến đồng thời thực hiện quản lý và báo cáo qua phần mềm theo quy định. Việc bố trí doanh nghiệp và phương tiện hoạt động tại nhiều bến ở nhiều địa phương còn chưa hợp lý. Ví dụ như tại Hà Nội, trong khi một số bến xe đang quá tải thì Bến xe Nước Ngầm, Bến xe Yên Nghĩa vẫn đang chưa khai thác hết năng lực của mình.


Công tác kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất các phương tiện hoạt động tại các bến xe chưa được quan tâm triển khai, hoặc có triển khai nhưng chưa đạt hiệu quả dẫn tới nhiều phương tiện hoạt động tại bến nhưng không đủ điều kiện như, không có phù hiệu chạy tuyến cố định, thiếu các thiết bị an toàn, dụng cụ thoát hiểm nhưng vẫn được đăng tài xuất bến. Nhiều địa phương  vùng sâu, vùng xa, vùng  giáp biên giới còn có nhiều tuyến vận tải hành khách bằng ôtô cố định đang hoạt động nhưng không có bến xe theo quy định.


Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN Nguyễn Văn Thanh cho rằng, các bến xe chưa thực sự sát cánh cùng các doanh nghiệp vận tải nhằm thu hút hành khách tới bến đi xe, chưa có trách nhiệm trong việc nâng cao hiệu quả bán vé tại bến của doanh nghiệp vận tải. Công tác kiểm soát chở hàng hóa trên xe khách tại bến xe chưa được thực hiện nên tình trạng xe khách chở hàng hóa vẫn đang tồn tại.

Tạo cơ chế xã hội hóa bến xe


Theo thống kê, tại 63 tỉnh, thành phố mới chỉ có 213/457 bến xe (46,6%) đã được xã hội hóa (XHH) hoạt động theo Luật Doanh nghiệp 2005. Các bến xe XHH có ưu điểm là điều kiện cơ sở vật chất tốt. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động ứng dụng khoa học công nghệ trong việc điều hành và tổ chức quản lý hoạt động của bến xe. 


Thực tế cho thấy, công tác XHH bến xe mới thành công ở một số bến xe trung tâm, đô thị lớn. Nhiều doanh nghiệp vận tải cũng đã chủ động phát triển, đầu tư xây dựng bến xe.


Tuy nhiên, hiện nay Nhà nước chưa ban hành cơ chế chính sách chung để khuyến khích và thu hút các nhà đầu tư xây dựng bến xe ô tô khách. Mỗi địa phương, tùy theo từng trường hợp đã ban hành các ưu đãi riêng để phát triển các bến xe. Tại Lào Cai, để tạo điều kiện cho Công ty TNHH Hà Sơn xây dựng Bến xe Trung tâm thành phố, UBND tỉnh đã bố trí kinh phí giải phóng mặt bằng, cho vay vốn ưu đãi, hỗ trợ xây dựng, ứng dụng phần mềm quản lý bến xe trên cơ sở học tập kinh nghiệm của bến xe Đà Nẵng. UBND tỉnh Lào Cai cũng đã bố trí ngân sách đầu tư nâng cấp các bến xe huyện. 


Các địa phương khác như: Đắk Lắk, Lâm Đồng, Hà Giang, Lạng Sơn… cũng đã tạo điều kiện cho các nhà đầu tư bằng các chính sách ưu đãi cụ thể như bố trí mặt bằng, ưu đãi vay vốn … Vì thế, bước đầu nhiều nhà đầu tư đã nhanh chóng triển khai dự án xây dựng bến xe tại các địa phương này.


Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, để kêu gọi được các nguồn vốn tham gia đầu tư, xây dựng bến xe ôtô khách và nâng cao hiệu quả quản lý đối với hoạt động của bến xe ô tô khách, trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tập trung vào sửa đổi hệ thống văn bản QPPL liên quan đến bến xe ô tô, tạo thuận lợi cho việc khai thác các bến xe, nâng cao hiệu quả đầu tư của các nhà đầu tư theo mô hình XHH bến xe ô tô khách.


Trên cơ sở một số mô hình bến xe đã hoạt động hiệu quả, được đánh giá tốt trong thời gian qua, kết hợp với kinh nghiệm phát triển bến xe của các nước, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu xây dựng và ban hành mô hình bến xe mẫu phát triển, nhân rộng trong cả nước, trong đó quan tâm xây dựng tiêu chuẩn bến xe văn minh hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác điều hành, quản lý bến xe.


“Để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế hoạt động theo Luật DN đầu tư, xây dựng và khai thác bến xe, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu đề xuất Chính phủ  có những quy định cụ thể, rõ ràng trong các văn bản QPPL về dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ như cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp liên quan đến tiền thuê đất, lãi suất vay vốn, vấn đề giải phóng mặt bằng và các điều kiện thuận lợi khác để các nhà đầu tư an tâm tham gia kinh doanh khai thác bến xe”- Thứ trưởng Thọ nhận định.

Dương Hằng Nga


Không để dân khổ vì bến xe

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ (giữa) kiểm tra tại phòng chờ Bến xe Trung tâm Đà Nẵng
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ (giữa) kiểm tra tại phòng chờ Bến xe Trung tâm Đà Nẵng
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, Bộ GTVT sẽ có chính sách thỏa đáng để đầu tư, quản lý các bến xe, phục vụ người dân đi lại văn minh, an toàn. Bộ sẽ phối hợp với các địa phương rà soát,  công bố lại quy hoạch bến xe đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đảm bảo mỗi địa phương có các vị trí quy hoạch bến xe thực hiện ổn định đến năm 2020. Đồng thời, Bộ cũng nghiên cứu để quy định, tăng cường tính kết nối giữa các phương thức vận tải với bến xe. Tổ chức giao thông trong và ngoài bến xe hiệu quả; Xây dựng cơ chế chính sách phù hợp để điều tiết luồng tuyến tại các bến xe, ưu tiên tổ chức vận tải liên tỉnh tại các bến xe có cơ sở vật chất và ứng dụng khoa học công nghệ tốt, đặc biệt là các bến xe trung tâm; Ban hành trong quy chuẩn lượt xe ra vào bến trong ngày tối thiểu và tối đa phù hợp với mỗi loại bến xe; Xây dựng các quy định để đảm bảo các bến xe cũng có trách nhiệm cùng đơn vị vận tải thu hút hành khách vào bến, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách của bến xe như yêu cầu bán vé trực tuyến, vé điện tử, sử dụng máy soi hành lý để đảm bảo an toàn trong bến xe, niêm yết điện tử các thông tin cần thiết tại bến.


Tới đây, Bộ GTVT sẽ đẩy mạnh việc bồi dưỡng, chuẩn hóa nhân lực cho bến xe. Hiện chưa có quy định về điều kiện của người điều hành bến xe cũng như các nội dung liên quan đến tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ, nhân viên tại bến xe. Tại nhiều bến xe, người điều hành chưa nắm vững các quy định về quản lý vận tải. Các kiến thức về công tác đảm bảo an toàn cho phương tiện, thực hiện kiểm soát quy trình xe ra vào bến theo quy định của cán bộ điều hành bến xe còn thiếu, ít được cập nhật. Công tác ứng dụng khoa học công nghệ vẫn khá hạn chế. Điều này sẽ phải được khắc phục sớm, bằng các quy định tiêu chuẩn hóa bến xe.

Phương Anh

 

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.