"Sáng 25/9/2021, một nhân viên của trạm tên Phan Văn Doul (ngụ ở xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) lên Trạm BOT (thuộc quận Cái Răng, TP Cần Thơ) lấy dụng cụ về bảo trì trên QL1, đoạn gần cầu Rạch Nhum.
Trạm BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp, nơi anh Phan Văn Duol làm việc.
Ban giám đốc Trạm BOT có cấp giấy giới thiệu và giấy đi đường, nhân viên đi qua chốt số 10 (giáp ranh Cần Thơ và Hậu Giang) bình thường. Qua chốt khoảng 300m là đến trạm.
Sau khi làm xong nhiệm vụ, đến 6h chiều, nhân viên Duol có đến Trạm Y tế xã Tân Long (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) khai báo y tế nhưng không hiểu sao bị yêu cầu đi cách ly tập trung ở Trường Cao đẳng Cộng đồng 3 thuộc tỉnh Hậu Giang?", bà Nguyễn Thị Hồng Đào, Phó Trạm Thu phí BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp (thuộc Công ty TNHH BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp), cho biết.
Theo Công ty TNHH BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp, ngoài thu phí, đơn vị còn thực hiện chức năng bảo trì tuyến quốc lộ, dặm vá đường (đoạn giáp ranh số 10 thuộc địa bàn phường Ba Láng, quận Cái Răng, TP Cần Thơ đến TP Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang. Thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, khâu bảo trì tạm ngưng khoảng 2 tháng.
Sau khi thực hiện theo Chỉ thị 15, đội bảo trì tiếp tục hoạt động lại. Việc nhân viên sửa chữa, dặm vá đường trên QL- tức "luồng xanh" mà bị cách ly khi qua tỉnh khác thì rất khó còn đủ người để làm việc.
Ông Phan Văn Doul kể lại sự việc qua điện thoại: "Khoảng 7h30 sáng ngày 25/9/2021 tôi đi lên Trạm BOT ở khu vực 3, phường Ba Láng, quận Cái Răng để lấy dụng cụ rồi về đoạn QL ở xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp dặm vá lộ. Sau khi làm xong, cuối ngày tôi mang thiết bị trở về trạm BOT giao trả rồi quay trở về trạm y tế xã khai báo trước khi về nhà.
Phía trạm y tế lúc này yêu cầu đi... cách ly tập trung 14 ngày vì đi ra khỏi địa bàn trở về. Tôi có giấy đi đường, có giấy giới thiệu của Công ty và qua các chốt thuận lợi".
Trao đổi với Báo Giao thông, một đại diện Sở Y tế tỉnh Hậu Giang cho biết, theo hướng dẫn về phòng chống dịch hiện nay của tỉnh, người đi từ vùng dịch về phải đưa đi cách ly là đúng quy định. Trường hợp này là tự di chuyển bằng phương tiện cá nhân rời địa bàn tỉnh rồi quay trở về.
Theo đó, nếu tự đi bằng phương tiện cá nhân qua tỉnh khác, thì phải báo cho địa phương và xin cấp giấy đi đường làm việc theo tuyến nơi làm việc (điểm đi và điểm đến) để có cơ sở cho địa phương nơi cư trú hướng dẫn làm việc "3 tại chỗ" và phải được sự chấp thuận từ ban chỉ đạo và tuân thủ nghiêm các quy định của tỉnh về phòng chống dịch Covid - 19 trên địa bàn.
"Để đảm bảo công tác bảo trì, đơn vị vẫn có thể linh hoạt hơn, bố trí giao - nhận thiết bị tại chốt số 10 để nhân công của mình trong địa bàn Hậu Giang ra lấy. Như vậy vừa đảm bảo hoạt động vừa tuân thủ được quy định phòng chống dịch của tỉnh", vị đại diện khẳng định.
Ông Nguyễn Đình Lợi, Giám đốc Công ty TNHH BOT Cần Thơ - Hậu Giang mong: "Chúng tôi xin ghi nhận ý kiến của phía tỉnh Hậu Giang. Nhưng chúng tôi mong địa phương xét cho anh Doul được cách ly tại nhà hoặc cách ly tại công ty. Chúng tôi sẽ đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế và hướng dẫn của tỉnh".
Tính từ đầu đợt dịch (ngày 8/7/2021) đến sáng 27/9, tỉnh Hậu Giang đã ghi nhận tổng số 538 bệnh nhân Covid-19. Trong đó 170 về từ ngoài tỉnh, 264 F1 đã được cách ly tập trung; 95 F0 phát hiện trong cộng đồng, 9 trường hợp phát hiện trong khu vực phong tỏa do có ổ dịch cộng đồng.
Tuy nhiên, tỷ lệ điều trị khỏi bệnh tại tỉnh nhà chiếm hơn 86%, với 463 bệnh nhân Covid-19 đã khỏi bệnh và xuất viện. Hiện còn 71 trường hợp đang điều trị tại tỉnh, 1 chuyển tuyến trên.
Hậu Giang hiện đã nới lỏng giãn cách, phần lớn trên địa bàn tỉnh áp dụng theo Chỉ thị 15 và chỉ phong tỏa một số khu vực có dịch.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận