Xã hội

Nhân viên khách sạn ở Hà Nội thành F1 khi đổi tiền hộ người mắc Covid-19

04/11/2020, 21:05

Có 2 nhân viên khu cách ly ở khách sạn Mường Thanh trở thành F1 vì đã tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 khi nghe hộ điện thoại và đổi tiền hộ.

img
Ảnh minh họa

Chiều nay (4/11), Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội do ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố chủ trì họp trực tuyến với các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn bàn về các giải pháp phòng, chống dịch.

Theo báo cáo của Sở Y tế, từ ngày 17/8 đến nay, không ghi nhận thêm ca mắc mới ngoài cộng đồng. Lũy tích đợt 3 (từ ngày 25/7 đến nay), Hà Nội có 45 ca mắc và chưa có ca tử vong. Trong đó, 11 ca ngoài cộng đồng và 34 ca mắc được cách ly ngay khi nhập cảnh.

Đáng chú ý, trong tuần, ghi nhận 1 ca bệnh từ nước ngoài được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Cụ thể, bệnh nhân (BN 1203) A.D.Z sinh năm 1960, là chuyên gia người Israel nhập cảnh ngày 31/10/2020 trên chuyến bay QR976 (ghế 30C) từ sân bay Doha - Qatar.

Bệnh nhân được cách ly tại Khách sạn Mường Thanh Grand Centre (quận Hoàn Kiếm) ngay sau khi nhập cảnh. Kết quả xét nghiệm lần 1 ngày 3/11, bệnh nhân dương tính với SARS-COV-2. Bệnh nhân đã được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 để điều trị.

Đại diện quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, có 2 trường hợp ở Khách sạn Mường Thanh là nhân viên phục vụ trong khu cách ly tiếp xúc với BN 1203 khi nghe hộ điện thoại và đổi tiền hộ mà không thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống theo quy định. Hai người này đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với SARS-CoV-2.

"Sau khi xảy ra sự việc này, quận đã yêu cầu các khách sạn thực hiện nghiêm việc cách ly người nhập cảnh. Khi tiếp xúc với các trường hợp cách ly, nhân viên các khách sạn cần phải mặc đồ bảo hộ", ông Đinh Hồng Phong, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hoàn Kiếm cho biết.

Để bảo đảm an toàn, quận Hoàn Kiếm đã yêu cầu những người phục vụ trong khu cách ly khi tiếp xúc với người nước ngoài nhập cảnh (dù không bị nhiễm Covid-19) vẫn phải bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là phải mặc đồ bảo hộ khi cần tiếp xúc. Quận đã yêu cầu các khách sạn khác (là khu cách ly) trên địa bàn rút ra bài học kinh nghiệm để làm tốt hơn công tác phòng, chống dịch.

Về vấn đề triển khai công tác phòng, chống dịch, ông Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, trong báo cáo, các quận, huyện đều đề cập đến việc kiểm tra công tác phòng, chống dịch rất bài bản, quyết liệt. Thế nhưng, khi đi kiểm tra trên thực tế, các quận, huyện vào cuộc chưa quyết liệt.

Ngay tại bến xe, trong khuôn viên bến xe triển khai công tác phòng dịch làm rất nghiêm như: Yêu cầu người đeo khẩu trang, bố trí dung dịch khử khuẩn ở nhiều nơi. Song, ngoài khuôn viên bến xe, rất nhiều người không đeo khẩu trang nhưng chính quyền địa phương lại không có biện pháp gì xử lý.

Ngoài ra, khi kiểm tra chung cư cũng có đến hơn 50% người dân không đeo khẩu trang.

“Nếu chỉ cần để lọt 1 trường hợp mắc bệnh thì mọi cố gắng phòng, chống dịch thời gian qua của chúng ta sẽ đổ bể”, ông Nguyễn Khắc Hiền nhấn mạnh.

Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý nhận định còn nhiều trường hợp người dân tham quan tại phố đi bộ vào cuối tuần không đeo khẩu trang. Theo Phó Chủ tịch, trọng tâm phòng, chống dịch của thành phố là tại phố đi bộ, do đó, đồng chí đề nghị quận Hoàn Kiếm có các biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm không đeo khẩu trang. Phó Chủ tịch cũng gợi ý việc bán khẩu trang ngay các lối vào phố đi bộ, bởi: "Nếu người dân không đeo khẩu trang, sẽ gây khó khăn cho công tác kiểm soát dịch bệnh".

Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý đề nghị các đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền về biện pháp phòng, chống dịch nhất là việc đeo khẩu trang nơi công cộng; công khai những đơn vị làm tốt và chưa tốt trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.