70% lương là phụ cấp độc hại
28 tuổi, anh Âu Trường An (ngụ xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) có hơn 2 năm công tác ở Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ (đóng tại quận Ô Môn). Anh An chia sẻ, trong thời gian làm việc tại đây, lãnh đạo, đồng nghiệp tạo điều kiện rất tốt để anh hoàn thành công việc. Nhưng trong lòng anh chưa bao giờ hết trăn trở.
Đội ngũ nhân viên y tế tại một bệnh viện ở Cần Thơ khẩn trương cấp cứu cho một ca bệnh.
“Tôi là nhân viên hợp đồng, cứ 6 tháng lại ký hợp đồng trở lại. Tới nay đã ký được 4 lần rồi. Chế độ của nhân viên hợp đồng và biên chế cũng tương đương, lương thưởng, chế độ đầy đủ. Nhưng tôi luôn có cảm giác bấp bênh, tương lai bất định vì là nhân viên hợp đồng, tôi có thể phải nghỉ việc bất cứ lúc nào”, anh An chia sẻ.
Học xong phổ thông, được người chị gái hướng nghiệp theo ngành y, anh An nộp hồ sơ vào Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ và theo học hệ trung cấp Y sĩ đa khoa tại đây.
Sau 2 năm, anh ra trường và tiếp tục theo học ở Bệnh viện Y học cổ truyền dân tộc thêm một khóa vật lý trị liệu. Xong anh An thực hiện nghĩa vụ quân sự trong 2 năm nữa.
Ra quân, anh được người quen giới thiệu vào làm tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi cho đến nay. Anh An cho biết, lương của nhân viên y tế hợp đồng như anh tại bệnh viện này vào khoảng 5 triệu đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, trong đó có 70% là phụ cấp độc hại.
“Vì là bệnh viện chuyên điều trị lao, các bệnh phổi nên nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng tôi cao hơn, phụ cấp độc hại cũng cao thuộc hàng nhất nhì trong các bệnh viện”, anh An cho hay.
Nhân viên y tế hợp đồng luôn có niềm mơ ước được vào biên chế.
Nhưng điều này không phải là lý do khiến anh An trăn trở, hiện tại, anh đang đứng giữa những lựa chọn mà không thể đưa ra quyết định.
“Nếu muốn có cơ hội vào biên chế của ngành, tôi phải đi học cao lên nữa. Nhưng nếu đi học, tôi phải ổn định thì mới đầu tư học hành được, và ngược lại, muốn ổn định thì phải đi học. Tôi không biết phải chọn con đường nào. Tôi không dám nghĩ nhiều, kể cả việc thành gia lập thất, tương lai của tôi rất mông lung”, anh chia sẻ.
Trong suốt hơn 2 năm công tác tại đây, anh An không thể nào quên thời điểm mình mới vào bệnh viện cũng lúc dịch Covid-19 bùng phát, anh đã có nhiều tháng liền ở lại bệnh viện, ngày đêm làm việc.
Những tháng ngày đó càng làm anh yêu nghề và tâm huyết hơn với công việc. Ở độ tuổi này, anh càng thấy rõ vai trò, trách nhiệm của một người hoạt động trong ngành y tế, trực tiếp chăm lo sức khỏe cho người dân.
'Vào biên chế là tốt, nhưng không phải là tất cả'
Câu chuyện như của anh An không mới, thậm chí là hiện trạng rất nhiều trong các trung tâm, cơ sở y tế công.
Chị Lê Như Yến, 35 tuổi, ngụ quận Cái Răng, TP Cần Thơ cho biết, đến nay chị mới chính thức vào biên chế ngành y của một bệnh viện trực thuộc Sở Y tế TP Cần Thơ sau 5 năm làm việc tại đây với rất nhiều nỗ lực cố gắng.
“Với tấm bằng cao đẳng, tôi đã nhờ rất nhiều mối quan hệ mới xin được việc làm chứ đừng nghĩ tới biên chế. Đôi lúc tôi thấy rất chạnh lòng vì những nhân viên y tế trình độ trung cấp, cao đẳng không có nhiều sự lựa chọn, cơ hội công việc cũng hẹp hơn.
Nhưng đó là thực tế, muốn có nhiều cơ hội việc làm, chúng tôi phải học lên cao hơn. Nhưng hoàn cảnh mỗi người mỗi khác đâu phải ai cũng theo đuổi được.
Để vào được biên chế của ngành y tế, nhân viên hợp đồng phải nỗ lực rất nhiều.
Ban đầu, tôi cũng không dám trông chờ gì cả, vừa làm việc vừa động viên bản thân mình cố gắng. Bản thân tôi hiểu rằng, không phải chỉ dựa vào sức mình và may mắn mới vào được biên chế mà còn rất nhiều yếu tố khác nữa”, chị đúc kết.
Một giảng viên công tác tại Trường Đại học Y Dược Cần Thơ chia sẻ với PV Báo Giao thông rằng, có những nghịch lý đang tồn tại trong ngành y công.
“Đợt dịch bệnh vừa rồi, dư luận xôn xao trước thông tin nhiều nhân viên y tế nộp đơn xin nghỉ vì nhiều lý do như lương thấp, công việc nặng nhọc, rủi ro cao. Các trường hợp xin nghỉ đa số là nhân viên hợp đồng ở các tuyến bệnh viện. Điều này sẽ gây ra hệ lụy là ngành y sẽ thiếu nhân lực.
Nhưng sự thật thì nhân viên y tế biên chế không thiếu, và mỗi tuyến bệnh viện, trung tâm, cơ sở y tế công muốn tuyển thêm biên chế phải được phép từ Sở Nội vụ, Sở Y tế, UBND tỉnh, thành và điều này không đơn giản.
Trong khi đó, nhân viên y tế phải xếp hàng dài để chờ cơ hội một số trường hợp biên chế nghỉ hưu, chuyển nơi công tác, song số này rất ít”, giảng viên này nói.
Hơn 600 sinh viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ ra quân tỏa đi các địa phương hỗ trợ chống dịch hồi tháng 9/2021.
Theo giảng viên này, chế độ nhân viên y tế hợp đồng đều tuân thủ các quy định trong ngành và Luật Lao động, đảm bảo quyền và lợi ích của người lao động. Do đó, nhân viên cũng đừng nên đặt nặng biên chế, vô tình sẽ tạo áp lực cho bản thân cũng như ảnh hưởng đến chất lượng công việc.
“Tôi có lời khuyên cho các bạn sinh viên ngành y mới ra trường, những người đang là nhân viên y tế hợp đồng. Mỗi vị trí trong ngành đều có vai trò và quan trọng như nhau.
Bác sĩ không thể làm việc tốt, bệnh nhân sẽ không mạnh khỏe nếu không có sự hỗ trợ, chăm sóc của những y tá, điều dưỡng. Vào biên chế được là tốt, nhưng không phải là tất cả”, giảng viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận