Bình luận

Nhanh chưa hẳn đã tốt

16/01/2022, 06:30

Cuối tuần trước, CLB bóng đá Bình Định tổ chức lễ ký kết và ra mắt tới 12 tân binh cho mùa giải mới.

Đa phần trong số này đều là các tuyển thủ quốc gia, tuyển thủ U23, cựu tuyển thủ hoặc những người đã thành danh tại V-League.

img

Dàn tân binh ra mắt CLB Bình Định

Nổi bật hơn cả là một số cái tên như: Hà Đức Chinh, Nghiêm Xuân Tú, Mạc Hồng Quân, Rafaelson, Lynch… Với lực lượng dồi dào, đội trưởng Hồ Tấn Tài mạnh dạn cho biết, mục tiêu của đội bóng đất Võ là nằm trong Top 3 V-League 2022 và thậm chí giành chức vô địch.

Bình Định là tân binh V-League, mới lên chơi tại giải đấu cao nhất bóng đá Việt Nam ở mùa giải 2021 nhưng nhanh chóng cho thấy tham vọng. Đội bóng này được sự hậu thuẫn của một Tập đoàn Bất động sản lớn nên gần như lột xác ngay lập tức.

Đáng nói, trước đó, Bình Định thậm chí còn đứng trước nguy cơ giải thể vì không có kinh phí. Nhận gói tài trợ 300 tỷ đồng cho ba năm, dễ hiểu khi đội bóng miền Trung rủng rỉnh mua sắm.

Sân Quy Nhơn cũng được cải tạo trở thành một trong những sân đấu có chất lượng mặt cỏ tốt nhất Việt Nam. Người dân Bình Định sau rất nhiều năm mới được chứng kiến không khí bóng đá đỉnh cao ngay tại quê nhà.

Nhưng việc lột xác quá nhanh chưa hẳn đã tốt cho đoàn quân áo cam. Chẳng ai dám chắc sau ba năm, Tập đoàn kia sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bình Định.

Nếu kịch bản xấu nhất xảy ra, thày trò HLV Nguyễn Đức Thắng ra sao là câu hỏi khó tìm lời đáp.

Bóng đá Việt Nam từng chứng kiến nhiều tấm gương về làm bóng đá kiểu ăn xổi. Sài Gòn Xuân Thành là ví dụ điển hình nhất.

Bầu Thụy khi không còn hứng thú đã tuyên bố nghỉ chơi, xóa sổ một cái tên khỏi bản đồ chỉ trong nháy mắt. Hay như mới đây Than Quảng Ninh phải dừng hoạt động dù có thời là đại gia, tiêu tiền không phải nghĩ.

So với các nền bóng đá phát triển, Việt Nam tiến lên chuyên nghiệp khá muộn. Cũng bởi vậy, quá trình phát triển tồn tại nhiều bất cập.

Hầu hết các đội bóng đều không chú trọng tới xây dựng nền móng mà gần như trở thành công cụ lợi dụng của doanh nghiệp.

Hệ quả tất yếu là mùa nào bóng đá Việt Nam cũng chứng kiến một vài đội bóng liêu xiêu vì thiếu tiền. Rất dễ hiểu, chỉ cần dứt khỏi “bầu sữa” ngân sách hay tài trợ, nhiều đội bóng sẽ “chết đói”.

Ở khía cạnh chuyên môn, nhiều cái tên đang chơi tại V-League thậm chí còn chưa có các tuyến trẻ đáp ứng tiêu chí bóng đá chuyên nghiệp, không có trung tâm đào tạo trẻ.

Rõ ràng, khi thiếu nền tảng để phát triển, việc đi quá nhanh chưa hẳn đã tốt mà còn mang đến tác dụng ngược.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.