Kinh tế

Nhập khẩu lợn sống phức tạp, nhiều doanh nghiệp Việt bỏ cuộc

09/07/2020, 10:40

Khâu kiểm dịch phức tạp, việc vận chuyển qua nhiều khâu gây rủi ro và chi phí cao khiến nhiều doanh nghiệp Việt bỏ cuộc nhập khẩu lợn sống.

img
Cần bỏ bớt khâu kiểm dịch và hỗ trợ vận chuyển liên vận các nước là những đề xuất của DN nhập khẩu để gỡ khó cho việc đưa lợn sống về Việt Nam. Ảnh: Văn Giang.

Kiểm dịch không cần thiết, gây hao hụt, tốn kém

Việc nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan tưởng chừng là con đường sáng giúp nhanh chóng đưa giá lợn hơi trong nước “hạ nhiệt” khi việc tái đàn chưa đáp ứng được số lượng lợn trong nước so với trước thời điểm dịch tả lợn Châu Phi.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu cho rằng, thủ tục kiểm dịch rườm rà, không cần thiết nên gây tốn kém và khó khăn thêm cho doanh nghiệp. Do đó, việc nhập khẩu lợn sống đang chậm chạp và ngày càng nhiều DN bỏ cuộc…

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại, dịch vụ quốc tế Đồng Lợi cho biết, hiện tại, giá lợn hơi bên Thái Lan đã tăng khoảng 20.000 đồng/kg so với thời điểm đầu Việt Nam chưa có chính sách nhập khẩu, ở mức 100 bạt (khoảng 76.000 đồng/kg), sau khi vận chuyển qua nhiều khâu về Việt Nam thì giá đã lên khoảng 10 giá, có nghĩa là mức giá sau khi cách ly khoảng 86.000 đồng/kg nếu không có rủi ro.

Như vậy, mức giá này không còn là hấp dẫn để thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia vào “sân chơi”, cũng vì thế thời gian qua nhiều DN cũng đã bỏ việc nhập khẩu dù đã xin được giấy phép.

Theo bà Vân, nguyên nhân xuất phát từ việc nhiều DN Việt muốn nhập khẩu lợn về Việt Nam nên gọi điện “đặt chỗ” trước với những DN có tên trong danh sách được phép xuất khẩu lợn của Thái Lan, khiến cho giá tăng dần.

Hơn nữa, thủ tục xin cấp phép của Việt Nam cũng cần chứng minh có khu cách ly đạt chuẩn làm chậm thời gian đăng ký. Tuy nhiên, một vấn đề chính nhất là DN phải qua nhiều lần kiểm dịch gây mất thời gian, từ đó, gây hao hụt cân cho đàn lợn, lãng phí tiền bạc nên cũng không còn lãi khi đưa ra thị trường.

“Lượng lợn về quá chậm, mấy tuần nay không thấy có đàn mới nào về. Chúng tôi cũng dự kiến về nhiều nhưng đến giờ chỉ về được “nhỏ giọt” mức 830 con, còn 800 con đang chuẩn bị thủ tục để về. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, qua thực tế cho thấy, nhà nước cần có kế hoạch điều chỉnh khâu kiểm dịch chứ như thế này thì DN thấy khó khăn mà bỏ hết.

Hoàn toàn không có sự hỗ trợ chung tay của nhà nước mà DN phải chịu trách nhiệm hoàn toàn theo cơ chế thị trường thì còn đâu là cơ chế thúc đẩy, khuyến khích doanh nghiệp”, bà Vân nói.

Bộ NN&PTNT cho biết, tính đến hết ngày 5/7/2020, Việt Nam đã nhập 8.692 con lợn thịt từ Thái Lan. Hiện tại không có vướng mắc gì về việc kiểm dịch nhập khẩu, tuy nhiên cũng không thể nhập khẩu ồ ạt vì rủi ro dịch bệnh có thể xảy ra.

Cũng theo nhận định của Bộ NN&PTNT, giải pháp chính vẫn là kiểm soát dịch bệnh và tăng nhanh tái đàn mới có thể đưa giá thịt lợn về mức kỳ vọng bởi thịt lợn đông lạnh không phải là thói quen tiêu dùng của người dân, cũng không thể mạo hiểm bằng cách ồ ạt nhập khẩu.

Bà Vân cho rằng: Phía Thái Lan đã kiểm tra và lấy mẫu máu kiểm dịch, sau khi cấp giấy kiểm dịch mới được xuất sang Việt Nam thì nên lấy đó là quy chuẩn bởi xe vận chuyển từ trang trại của Thái Lan về Việt Nam cũng là xe chuyên dụng đảm bảo an toàn vận chuyển thú y. Hơn nữa, Thái Lan là đất nước kiểm dịch rất tốt, họ kiểm soát rất nghiêm ngặt thì hà cớ gì sang Việt Nam lại qua thêm thú y vùng rồi thú y địa phương kiểm dịch.

“Vừa đến cửa khẩu Lao Bảo thì thú y vùng 3 kiểm soát, về đến nơi cách ly thì thú y vùng 4 tháo niêm phong và lấy máu kiểm dịch trong 5 ngày, sau khi có kết quả thì đợi Chi cục thú y vùng đến kiểm tra kết quả và sau đó mới có giấy tờ được xuất chuồng”, bà Vân nói và cho biết thêm, nếu rơi vào những ngày cuối tuần thì DN lại phải đợi thêm 2 ngày, gây nhiều phiền phức…

Chi phí vận chuyển đắt đỏ

Ngoài việc kiểm dịch phức tạp, chi phí vận chuyển cao và phải qua nhiều khâu cũng gây nhiều lo ngại cho doanh nghiệp nhập khẩu.

Cụ thể, theo bà Vân, sau khi kiểm dịch tại Thái Lan, đàn lợn sẽ được chuyển lên xe vận chuyển qua nước Thái và khi đến cửa khẩu Lào, DN lại phải thuê xe của nước Lào để vận chuyển qua nước này, sau đó đến cửa khẩu Việt Nam, phải tiếp tục đổi xe vận chuyển của Việt Nam đến khu cách ly. Vì vậy, việc điều hành làm sao để không gây thất thoát đàn lợn rất đau đầu.

“Việc thuê xe từ cửa khẩu Thái – Lào về đến của khẩu Lào – Việt rất đắt đỏ do chi phí vận chuyển của nước Lào cao hơn nhiều lần Việt Nam. Mỗi lần thay xe là đủ thứ loại phí dịch vụ nào là môi giới, lùa lợn, người đón...

Nếu là doanh nghiệp không dày dặn kinh nghiệp thì không đủ sức đưa được lợn sống về nước qua chặng đường này. Nên việc cả tháng trời chỉ được mấy nghìn con lợn về nước là điều dễ hiểu”, bà Vân giải thích.

Cùng nhận định trên, anh K. chủ một doanh nghiệp khác cho biết, yêu cầu xe vận chuyển phải đảm bảo tiêu chuẩn thú y đã khó, việc vận chuyển trên các chặng đường và thay chặng tại các cửa khẩu làm lợn ốm đi nhiều, về Việt Nam còn qua ít nhất 10 ngày mới xong mọi thủ tục để xuất thì giá lợn đội lên cao.

Theo anh K. , với thực tế hiện tại, việc nhập khẩu lợn sống vừa mất nhiều công sức doanh nghiệp, lại không còn ý nghĩa đưa lợn về để giảm giá trong nước khi các khâu vận chuyển, kiểm dịch rối rắm, phức tạp.

Anh K. đề xuất: Với tình hình dịch tả lợn Châu Phi đang có nguy cơ ảnh hưởng tái đàn, thì việc nhập khẩu rất cần thiết thúc đẩy nhanh, mạnh. Và để làm được điều đó cũng cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng, không chỉ là trên cơ sở cấp phép mà cần nghiên cứu rút ngắn những bước không cần thiết.

Chẳng hạn như việc vận chuyển có thể trao đổi nước liên quan để thống nhất phương tiện vận chuyển và việc kiểm dịch, cũng cần thống nhất một đầu mối, và yêu cầu gắn trách nhiệm cho họ thay vì kiểm dịch chồng chéo, trong khi cùng một chức năng…

img

Giá xăng dầu hôm nay 8/7: Chưa thấy tín hiệu phục hồi

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.