Y tế

Nhập nhèm quản lý thẩm mỹ viện, khách lãnh đủ

14/10/2019, 18:23

Trên thực tế vẫn xảy ra tình trạng các cơ sở làm đẹp, spa tìm cách lách luật, với các tên gọi “mập mờ”... khiến nhiều khách hàng lầm tưởng.

img
Một ca nhập viện cấp cứu sau khi hút mỡ bụng, mỡ bắp tay để nâng ngực

Không được cấp phép phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng các thẩm mỹ viện, spa vẫn quảng cáo, thực hiện rầm rộ các dịch vụ hút mỡ, nâng ngực, nâng mũi, cắt mí... để lại nhiều hậu họa cho khách hàng.

Thập tử nhất sinh vì làm đẹp ở spa, thẩm mỹ viện

Cách đây chừng chục ngày, chỉ với lý do “thấy họ cho hình ảnh lên trang Facebook nâng ngực, nâng mông đẹp quá mà giá lại rẻ hơn nhiều nơi”, chị H.B.T. (28 tuổi, ở Hà Nội) đã đến cơ sở Thẩm mỹ viện Quốc tế Thúy Anh (số 60 phố Kim Ngưu, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) để nâng ngực bằng phương pháp cấy mỡ tự thân với chi phí 22 triệu đồng. Tuy nhiên, sau 5 tiếng đồng hồ hút mỡ từ bụng, bắp tay, cấy lên ngực, chị T. xuất hiện dấu hiệu sốc, ngất xỉu. Sau 2 lần ngất đi, tỉnh lại, phải đến lần ngất xỉu thứ 3 kèm co giật chị T. mới được nhân viên tại đây đưa đến bệnh viện cấp cứu. Trước đó một tuần, BV Thanh Nhàn cũng tiếp nhận nữ bệnh nhân Đ.T.T.Ch. (45 tuổi, ở tỉnh Yên Bái) được đưa đến cũng từ cơ sở thẩm mỹ này trong tình trạng ngất xỉu và co giật sau khi thực hiện hút mỡ bụng, mỡ bắp tay, phẫu thuật cắt mỡ, da thừa vùng bụng.

Mới đây, chị Hoàng T. L. (SN 1993, trú tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) cũng đã lãnh đủ hậu quả, biến chứng mù mắt phải sau khi thực hiện nâng mũi tại cơ sở thẩm mỹ của Chu Thị Huyền (tại xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang). Theo lời kể của chị L., sau khi được người quen giới thiệu đã tìm đến cơ sở này để thực hiện tiêm filler nâng mũi. Tại đây, sau khi được bôi thuốc tê vào mũi, chị L. đã được tiêm 1,5cc chất lỏng vào vùng đầu mũi và giữa mũi gần 2 mắt. Khoảng 20 phút sau, chị L. tiếp tục được tiêm thêm chất lỏng và lúc này chị L. không thể mở mắt và không đứng dậy được vì choáng. Sau sơ cứu tại đây, chị L. được đưa tới BV Bạch Mai. Tuy nhiên, tại đây các bác sĩ kết luận mắt phải chị L. mất thị lực, xuất huyết nội nhãn, giác mạc liệt dây III, IV, VI, nhồi máu não đa ổ, teo nhãn cầu, mất chức năng sau biến chứng tiêm filler.

BS. Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, BV Hữu nghị Việt Đức cho biết, nơi đây đã tiếp nhận không ít các ca biến chứng sau thẩm mỹ tại các cơ sở y tế “chui”. Trong đó, nhiều ca để lại những biến chứng không thể khắc phục được, thậm chí còn đối mặt với nguy cơ tử vong. “Khi quyết định phẫu thuật thẩm mỹ, ngoài việc tìm hiểu về giấy phép và phạm vi hành nghề của cơ sở, người có nhu cầu làm đẹp cần tìm hiểu bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật cho mình có đủ giấy phép hành nghề và có được phép phẫu thuật thẩm mỹ hay không”, BS. Hà cảnh báo.

Thiếu sát sao, nhập nhèm quản lý

Với những cơ sở làm đẹp sai phép gây tổn hại nặng nề cho khách hàng như gây chết người, hay để lại hậu quả tổn hại sức khỏe trên 61% … thì có thể khởi tố hình sự với chủ cơ sở. Hoặc có thể bị xử lý theo quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, với nguồn lợi thu được hoạt động thẩm mỹ thì mức xử phạt vẫn chưa đủ tính răn đe. Do đó đi đôi với kiểm tra, giám sát, cũng cần có quy định, yêu cầu cụ thể để siết chặt việc đặt tên gọi “Trung tâm thẩm mỹ hay Thẩm mỹ viện”, tránh sự nhập nhèm, gây nhầm lẫn cho người dân có nhu cầu làm đẹp”.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm (VP Luật sư Nguyễn Anh)


Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y, dược tư nhân (Sở Y tế Hà Nội) cho biết, trên địa bàn quản lý, hiện có hai loại hình cơ sở làm đẹp. Thứ nhất là phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ do Sở Y tế cấp phép, đồng thời quản lý trực tiếp; thứ hai là cơ sở chăm sóc sắc đẹp, như thẩm mỹ viện, spa, cơ sở chăm sóc da, massage... do UBND cấp quận, huyện cấp phép kinh doanh và quản lý.

Theo ông Trung, tại những phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ đã được cấp phép, chỉ được thực hiện các thủ thuật phẫu thuật thẩm mỹ ở vùng mặt, vùng cổ như: Nâng mũi, tạo má lúm đồng tiền, sửa sẹo, cắt mí, phun xăm… Còn các loại hình phẫu thuật thẩm mỹ can thiệp lớn như: Hút mỡ bụng, hút mỡ chân, tay, nâng ngực… phải được thực hiện tại các bệnh viện lớn. Đối với các cơ sở chăm sóc sắc đẹp do UBND cấp quận, huyện cấp phép không được phép thực hiện các kỹ thuật y tế mang tính xâm lấn cơ thể.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn xảy ra tình trạng các cơ sở làm đẹp, spa tìm cách lách luật, với các tên gọi “mập mờ” thẩm mỹ viện cùng với những quảng cáo thổi phồng khó kiểm soát trên các trang mạng xã hội, khiến nhiều khách hàng lầm tưởng. Trường hợp điển hình Thẩm mỹ viện Quốc tế Thúy Anh, giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh được Phòng Tài chính - Kế hoạch quận Hai Bà Trưng cấp, hoạt động cấp phép là dịch vụ làm đẹp cá nhân, chăm sóc da, phun xăm thẩm mỹ, cắt tóc, gội đầu, sơn sửa móng tay, móng chân… Thế nhưng, cơ sở này vẫn hoạt động hút mỡ, nâng ngực, nâng mũi “chui” một thời gian dài.

Đáng nói, trước đó cơ sở này đã từng bị chính quyền phường sở tại xử phạt hành chính về việc quảng cáo (hút mỡ, nâng ngực) sai với đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, khi đã xảy ra hơn 1 ca bệnh nhân buộc nhập viện cấp cứu sau khi thực hiện các thủ thuật này, chính quyền sở tại cũng không hay biết, trong khi cơ sở này chỉ cách trụ sở UBND phường Thanh Nhàn vài trăm mét. “Chúng tôi quản lý rất nhiều cơ sở trên địa bàn, hơn nữa cũng không nhận được bất kỳ khiếu nại nên không thể biết được…”, đại diện UBND phường Thanh Nhàn nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.