Thời sự Quốc tế

Nhật Bản có thể giải thể Giáo hội Thống nhất?

16/10/2022, 15:18

Nhật Bản đang xem xét mở cuộc điều tra Giáo hội Thống nhất - tổ chức tôn giáo có liên quan tới động cơ của nghi phạm sát hại ông Abe Shinzo.

Ngày 15/10, một số nguồn tin thuộc Chính phủ Nhật Bản cho biết Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida có thể yêu cầu Bộ trưởng Văn hóa và Giáo dục Nhật Bản mở cuộc điều tra Giáo hội Thống nhất trong cuộc họp vào ngày 17/10 tới.

Trước đó, Chính phủ của ông Kishida khá thận trọng trong việc mở cuộc điều tra Giáo hội Thống nhất do quan ngại vi phạm quyền tự do tôn giáo.
Tuy nhiên, theo hãng tin Kyodo, ông Kishida đã thay đổi cách tiếp cận cứng rắn hơn khi tỷ lệ ủng hộ Chính phủ Nhật Bản đang giảm mạnh với một nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do cách xử lý chần chừ của Chính phủ trước các vấn đề liên quan tới Giáo hội Thống nhất. Khảo sát do hãng tin Kyodo thực hiện hồi đầu tháng cho thấy tỷ lệ ủng hộ Chính phủ của Thủ tướng Kishida đã giảm xuống 35%, mức thấp nhất kể từ khi nội các của ông được thành lập vào một năm trước.

img

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. Ảnh - Kyodo

Theo nguồn tin, nếu chính phủ quyết định điều tra thì tuỳ vào kết quả, Chính phủ Nhật Bản có thể yêu cầu Giáo hội Thống nhất giải thể căn cứ theo luật về tổ chức tôn giáo của Nhật Bản.
Khi đó, giáo hội sẽ không còn được coi là tổ chức tôn giáo và không còn được hưởng lợi ích về thuế nhưng có thể tiếp tục hoạt động với tư cách thực thể tôn giáo. Luật pháp Nhật Bản quy định một tổ chức tôn giáo có thể bị yêu cầu giải thể khi có hành động gây hại tới lợi ích xã hội hoặc chệch hướng khỏi mục đích của tổ chức tôn giáo.

Theo Kyodo, Cục Bảo vệ Người tiêu dùng Nhật Bản cũng có thể công bố một số đề xuất liên quan tới Giáo hội Thống nhất vào ngày 17/10, bao gồm đề nghị Chính phủ điều tra tổ chức tôn giáo này.

Cục Bảo vệ Người tiêu dùng Nhật Bản đã nhận được nhiều khiếu nại về việc Giáo hội Thống nhất yêu cầu thành viên quyên góp lượng lớn tài sản, đẩy họ vào cảnh khánh kiệt cũng như tiến hành “mua bán tâm linh”, bán cho thành viên những chiếc bình, vật dụng với giá quá cao.

Giáo hội Thống nhất trở thành tâm điểm dư luận khi nghi phạm ám sát cố Thủ tướng Abe Shinzo khai với cảnh sát rằng động cơ gây án là vì hắn thù ghét tổ chức tôn giáo mà mẹ hắn đã quyên góp lượng lớn tài sản dẫn tới gia đình lâm vào cảnh khánh kiệt. Nghi phạm cũng cho rằng cố Thủ tướng Abe có mối liên hệ với Giáo hội Thống nhất.

Hôm 5/9, Chính phủ Nhật Bản đã lập đường dây tư vấn qua điện thoại cho người dân gặp vấn đề liên quan tới Giáo hội Thống nhất. Tính tới ngày 22/9, dịch vụ đã nhận được yêu cầu tư vấn từ 1.317 người. 70% trong số đó có vấn đề về tài chính.

Giáo hội Thống nhất cũng thu hút sự chú ý liên quan tới mối quan hệ với nghị sĩ thuộc Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, làm dấy lên lo ngại tổ chức này có thể tìm cách gia tăng ảnh hưởng chính trị tại Nhật Bản.

Kết quả điều tra nội bộ của Đảng LDP vào tháng 9 cho thấy 179 trong số 379 nghị sĩ của đảng, thừa nhận có quan hệ với Giáo hội Thống nhất như gửi thông điệp chúc mừng tới tổ chức hoặc các nhóm có liên quan tới tổ chức này.

Đơn cử như mới đây, Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản Hiroyuki Hosoda thừa nhận đã tham gia một số cuộc họp với Giáo hội Thống nhất. Bộ trưởng Phục hồi Kinh tế Nhật Bản Daishiro Yamagiwa cũng bị chỉ trích vì thường xuyên lên tiếng giải thích về mối quan hệ với tổ chức tôn giáo này.

Hiện mới chỉ có 2 tổ chức tôn giáo tại Nhật Bản bị yêu cầu giải thể vì vi phạm pháp luật. Một là tổ chức cuồng giáo Aum Shinrikyo dẫn đầu thực hiện vụ tấn công khí độc trên hệ thống tàu điện ngầm Tokyo năm 1995. Tổ chức còn lại là nhóm nhà sư tại chùa Myokakuji ở tỉnh Wakayama lừa gạt người dân rằng họ bị quỷ ám và thực hiện nghi thức trừ tà để trục lợi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.