Góc nhìn

Nhật Bản muốn cả thế giới cắt đứt quan hệ với Triều Tiên

23/09/2017, 11:03

Trung Quốc hiện vẫn là nguồn thu kinh tế chính đối với Triều Tiên.

Các xe phóng mang tên lửa đạn đạo của Triều Tiên

Các xe phóng mang tên lửa đạn đạo của Triều Tiên (ảnh minh họa)

Hôm 21/9, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono tuyên bố muốn tất cả các nước cắt đứt quan hệ ngoại giao và chính trị với Triều Tiên để buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân.

Theo báo Straits Times, chỉ sau vài giờ Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ đưa ra những biện pháp trừng phạt kinh tế mới mạnh nhất từ trước tới nay với Triều Tiên, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản nhấn mạnh rằng hiện có hơn 160 quốc gia đã thiết lập quan hệ ngoại giao với chính quyền Triều Tiên

"Chúng tôi hối thúc tất cả các nước cắt đứt quan hệ ngoại giao và kinh tế với Triều Tiên", ông Kono phát biểu trong cuộc họp ở Đại học Columbia bên lề hội nghị của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc.

Tiếp theo tuyên bố của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Liên Hợp Quốc, ông Kono cho rằng:

"Giờ không phải là lúc để tiến hành đối thoại. Giờ là lúc cộng đồng quốc tế gia tăng áp lực tối đa với Triều Tiên để tiến tới giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên".

Theo ông Kono, Triều Tiên sẽ thất thu tới 90% doanh thu xuất khẩu nếu như tất cả các nước đồng lòng thi hành lệnh trừng phạt mà Hội đồng Bảo an LHQ đã áp đặt với Bình Nhưỡng.

Trong đó, Trung Quốc hiện vẫn là nguồn thu kinh tế chính đối với Triều Tiên. Bởi Bắc Kinh lo ngại nếu chính quyền Bình Nhưỡng sụp đổ, khu vực biên giới giữa hai nước sẽ xảy ra tình trạng bất ổn khi dòng người di cư từ Triều Tiên đổ xô sang các thành phố biên giới của Trung Quốc.

Ông Konno cũng đã bày tỏ hy vọng hạ nhiệt căng thẳng trong quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc liên quan tới vấn đề tranh chấp chủ quyền và lịch sử chiến tranh.

"Chúng ta là các nền kinh tế lớn thứ hai và ba thế giới. Do đó, chúng ta có trách nhiệm lớn trong việc duy trì hòa bình và sự thịnh vượng trong khu vực. Chúng ta không nên đối đầu nhau. Chúng ta sẽ không cho phép căng thẳng xâm chiếm toàn khu vực châu Á", ông Kono nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.