Giao thông

Nhật Bản quan tâm dự án sân bay Long Thành, đường sắt Bắc-Nam

08/08/2016, 15:22

Bộ GTVT Việt Nam và Bộ MLIT Nhật Bản hội đàm song phương, thúc đẩy hợp tác giữa hai bên.

hoi-dam-Bo-GTVT-Bo-MLIT

Bộ trưởng Bộ GTVT VN Trương Quang Nghĩa và Bộ trưởng Bộ MLIT Nhật Bản Keiichi Ishii thống nhất sẽ tăng cường hợp tác hai bên trong lĩnh vực GTVT

Sáng nay 8/8, tại Bộ GTVT diễn ra hội đàm song phương giữa Bộ trưởng Bộ GTVT Việt Nam Trương Quang Nghĩa và Bộ trưởng Bộ Đất đai, cơ sở hạ tầng, giao thông và du lịch Nhật Bản (MLIT) Keiichi Ishii.

Phát biểu chào mừng Bộ trưởng Keiichi Ishii, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa khẳng định mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản trên mọi lĩnh vực, đặc biệt lĩnh vực GTVT đã đạt được nhiều thành công. Theo Bộ trưởng, thời gian qua, Nhật Bản là nhà tài trợ ODA hàng đầu cho phát triển hạ tầng giao thông tại Việt Nam. Các dự án do Nhật Bản tài trợ đều là dự án lớn, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy phát triển KT-XH của Việt Nam như: các công trình tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đường sắt Bắc – Nam… Nhiều công trình trở thành biểu tượng cho tình hữu nghị giữa hai nước như: Nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, cầu Nhật Tân…

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cũng cho biết những áp lực đối với phát triển hạ tầng giao thông hiện nay tại Việt Nam như: phát triển hệ thống đường bộ cao tốc Bắc - Nam, xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP. HCM và các cảng hàng không, trong đó có dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Cụ thể, với đường bộ cao tốc, dự kiến từ nay đến năm 2020, Việt Nam sẽ tiến hành đầu tư xây dựng khoảng 1.300km còn lại đường bộ cao tốc nối Hà Nội – TP. HCM. Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam cần được khẩn trương triển khai để nâng cao năng lực vận tải hành khách, hàng hóa tuyến Bắc – Nam, giảm áp lực cho các loại hình vận tải khác vì tuyến cũ rất lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu. Đầu tư xây dựng đường sắt đô thị đang rất cấp thiết khi mà ùn tắc giao thông đã trở thành vấn nạn nhiều năm nay tại Hà Nội và TP. HCM.

Các dự án cấp bách trên đều đòi hỏi nguồn kinh phí lớn trong khi năng lực vốn của Việt Nam rất hạn chế, nợ công đã tới mức trần. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam ưu tiên và đang xây dựng cơ chế kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP).

“Mong rằng, thời gian tới Việt Nam tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ của cá nhân ngài Bộ trưởng cũng như Chính phủ Nhật Bản đối với sự phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Cũng mong Bộ trưởng và Chính phủ Nhật Bản thông tin, động viên các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm, đầu tư vào các dự án trên”, Bộ trưởng nói đồng thời đề nghị phía Nhật Bản ưu tiên hỗ trợ hai tuyến Hà Nội – Vinh, Sài Gòn – Nha Trang thuộc dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, tiếp tục nối lại hỗ trợ và thúc đẩy dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 (Yên Viên – Ngọc Hồi), tuyến số 2 (Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo), đường sắt đô thị số 1 TP. HCM (tuyến Bến Thành – Suối Tiên)…

Bo-truong-Bo-GTVT-va-Bo-truong-Bo-MLIT-tang-qua-lu

Bộ trưởng Bộ GTVT VN Trương Quang Nghĩa và Bộ trưởng Bộ MLIT Nhật Bản Keiichi Ishii trao quà lưu niệm, thể hiện tình hữu nghị bền chặt giữa hai bên

Bày tỏ mong muốn tiếp tục hợp tác và đưa mối quan hệ hai bên đi vào chiều sâu, Bộ trưởng MLIT Keiichi Ishii đề nghị Bộ GTVT Việt Nam quan tâm để có thể ứng dụng kiến thức, kinh nghiệm và công nghệ Nhật Bản trong giai đoạn khảo sát nghiên cứu khả thi dự án đầu tư sân bay Long Thành cũng như các dự án đường sắt tốc độ cao, đường bộ cao tốc Bắc – Nam và đường sắt đô thị. Đối với các dự án đường sắt đô thị Hà Nội (vốn ODA Nhật Bản) bị gián đoạn, chậm tiến độ, Nhật Bản mong muốn nhận được sự hợp tác tích cực của Chính phủ, Bộ GTVT Việt Nam để đẩy nhanh tiến độ.

“Chúng tôi sẽ thông tin tới các doanh nghiệp Nhật Bản về chủ trương đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức PPP của Việt Nam. Tuy nhiên, để thu hút các nhà đầu tư tư nhân theo hình thức này cần có các điều kiện, xây dựng được cơ chế, trong đó có điều kiện Nhà nước bảo lãnh đối với các rủi ro của doanh nghiệp”, Bộ trưởng Keiichi Ishii nói và cho rằng để thúc đẩy quan hệ chặt chẽ giữa hai Bộ, cần tăng cường hợp tác qua các cuộc hội đàm song phương, các hội nghị, hội thảo chuyên đề.

Kết thúc hội đàm, hai bên thống nhất tiếp tục thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước nói chung, hai Bộ GTVT VN và MLIT Nhật Bản nói riêng trong lĩnh vực GTVT.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.