Thế giới giao thông

Nhật Bản sẽ siết chặt kiểm soát rượu, bia với phi công

18/12/2018, 09:23

Vụ việc một phi công hãng Japan Airlines bị bắt tại Anh do say rượu trước giờ cất cánh hồi cuối tháng 10...

30

Nhật Bản thắt chặt quy định cấm phi công uống rượu trong giờ làm việc (Trong ảnh: Phi công của hãng Japan Airlines)

Vụ việc một phi công hãng Japan Airlines bị bắt tại Anh do say rượu trước giờ cất cánh hồi cuối tháng 10 và những kết quả điều tra mới nhất, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo tình trạng quản lý lỏng lẻo đối với thành viên phi hành đoàn trên các chuyến bay.

Nhật Bản đã tiến hành kiểm tra và có những động thái nhằm siết chặt các quy định cấm sử dụng rượu, bia khi làm việc với những người đang nắm sinh mạng của hàng trăm nghìn hành khách đi máy bay.

Pháp lý lỏng lẻo

Như báo chí quốc tế đã phản ánh, ngày 28/10, phi công Katsutoshi Jitsukawa, 42 tuổi, khi đang chuẩn bị làm nhiệm vụ điều khiển chuyến bay JL44, hành trình từ London (Anh) tới Tokyo (Nhật Bản) thì bị cảnh sát bắt giữ.

Những kết quả điều tra mới nhất cho thấy, phi công Jitsukawa đã cố tình sử dụng thủ đoạn hòng qua mặt việc kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở trước khi thực hiện nhiệm vụ bay.

Viên phi công này đã bị kết án 10 tháng tù giam vì kết quả kiểm tra nồng độ cồn vượt quá quy định cho phép. Vụ việc này đã làm nổi lên vấn đề kiểm soát lỏng lẻo việc sử dụng rượu, bia đối với các thành viên phi hành đoàn cũng như nhân viên nhiều hãng hàng không.

Sau sự cố vừa qua, ngày 14/11, Chính phủ Nhật đã yêu cầu Bộ Giao thông và ngành Hàng không cần đưa ra những quy định mới, chặt chẽ và nghiêm khắc hơn, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng con người.

Theo luật hiện hành của Nhật Bản, các thành viên phi hành đoàn tuyệt đối không được phép uống rượu bia trong 8 giờ làm việc. Những người vi phạm sẽ bị phạt tù hoặc phải nộp 300 nghìn yên (khoảng 2,5 nghìn USD) tiền phạt.

Tuy nhiên, kẽ hở hiện nay trong luật của Nhật Bản là không quy định giới hạn cụ thể nồng độ cồn trong máu đối với các nhân viên hàng không, đặc biệt là các cơ trưởng, cơ phó điều khiển tàu bay.

Bên cạnh đó, các phi công cũng được yêu cầu tự kiểm tra, đánh giá tình trạng sức khoẻ lẫn nhau trước mỗi chuyến bay, nhưng tiêu chuẩn cũng như phương pháp tiến hành giữa các hãng bay không đồng nhất hiện nay và Nhật Bản không phải là một ngoại lệ càng khiến dư luận nói chung và hành khách nói riêng chưa thực sự an tâm.

Việc phi công của Japan Airlines bị bắt giữ vì đã uống 2 chai rượu và 5 lon bia vào đêm trước chuyến bay hồi tháng 10 không phải là trường hợp đầu tiên trong ngành Hàng không.

Theo số liệu Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông vận tải và Du lịch Nhật Bản công bố hôm 14/12, kể từ năm 2013, đã có 37 vụ phi công sử dụng rượu bia vượt quá nồng độ cồn cho phép trước khi điều khiển chuyến bay. Trong số này, có 20 trường hợp khiến các hãng hàng không phải huỷ hoặc hoãn chuyến nhằm đảm bảo an toàn.

Điều đáng nói là những vụ việc như vậy diễn ra tại 7 trong tổng số 25 hãng hàng không nội địa. Chỉ riêng Japan Airlines đã chiếm 21/37 trường hợp, còn All Nippon Airways bị phát hiện 8 vụ.

Cần chế tài nghiêm khắc hơn

Theo kết quả điều tra, phi công Jitsukawa đã gian lận trong bài kiểm tra nồng độ cồn trước khi làm nhiệm vụ điều khiển chuyến bay, bằng cách xoá kết quả giám sát tại văn phòng của Japan Airlines ở sân bay Heathrow.

Chỉ khi tài xế xe buýt chở phi hành đoàn phát hiện mùi rượu từ người phi công này và báo cho cảnh sát, vụ việc mới được ngăn chặn. Cơ quan chức năng phát hiện, phi công Nhật Bản khi đó có nồng độ cồn trong hơi thở và máu cao gấp 10 lần mức giới hạn cho phép của Anh.

Hiện, ông Jitsukawa đã bị hãng hàng không sa thải. Còn 2 viên phi công cùng làm việc trong chuyến bay đó cũng bị đình chỉ, vì đã sơ suất trong việc kiểm tra tình trạng sức khoẻ của đồng nghiệp. Điều này đã làm dấy lên những lo ngại rằng, việc để các thành viên phi hành đoàn tự giám sát nhau liệu có hiệu quả và đã có bao nhiêu trường hợp tương tự bị phát hiện?

Trước sự lên án của dư luận, Japan Airlines cho biết, họ sẽ thắt chặt các quy định nội bộ trong việc kiểm tra nồng độ cồn, bằng cách kéo dài thời gian cấm sử dụng rượu, bia trong khi làm việc từ 12 giờ lên 24 giờ.

Phi công cũng bị cấm dùng đồ uống có cồn tại các điểm quá cảnh giữa hành trình. Nhiều hãng hàng không khác của Nhật đã đưa ra các quy định tương tự nhằm đảm bảo an toàn bay.

Bộ Giao thông Nhật Bản cũng đang có kế hoạch sớm đề ra giới hạn cụ thể về nồng độ cồn cho các phi công nước này. Tại Anh quốc, phi công không được vượt quá mức 0,09mg/100ml máu, còn ở Mỹ là 0,19mg/100ml máu.

Không chỉ yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trên, điều quan trọng là các phi công cần tự nâng cao ý thức, bởi những hành vi liều lĩnh như sử dụng rượu trong lúc làm việc có thể gây ra nguy hiểm cho hành khách và các thành viên phi hành đoàn.

Việc đào tạo và huấn luyện phi công đúng quy trình cũng cần cơ quan hàng không và các hãng bay đề cao, nhất là trong thời điểm ngành hàng không trên toàn thế giới đang phải đối mặt với tình trạng thiếu phi công có kinh nghiệm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.