Thế giới

Nhật cân nhắc khả năng tấn công phủ đầu Triều Tiên

10/03/2017, 08:49

Các nhà lập pháp Nhật Bản đã bắt đầu cân nhắc các chính sách nhằm tạo điều kiện để Lực lượng phòng vệ...

22

Tàu sân bay trực thăng có thể triển khai máy bay tàng hình F-35 của Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản (ảnh minh họa)

Các nhà lập pháp Nhật Bản đã bắt đầu cân nhắc các chính sách nhằm tạo điều kiện để Lực lượng phòng vệ quốc gia của nước này phát triển các năng lực tấn công phủ đầu nhằm đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên sau động thái bắn 4 tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng, theo Reuters.

Ông Itsunori Onodera, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, thành viên cao cấp của Đảng Dân Chủ tự do hiện đang nắm quyền (LDP) tuyên bố rằng nếu máy bay hoặc tàu chiến của quân đội Triều Tiên thể hiện dấu hiệu tấn công Nhật Bản, lực lượng phòng vệ của nước này sẽ phải lập tức phát động tấn công đáp trả.

Cựu quan chức quốc phòng Nhật Bản nhấn mạnh rằng, việc Triều Tiên bắn các tên lửa rơi ngay vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này hôm 6/3 về cơ bản không khác gì hành động tấn công quân sự. Ông cho rằng “công nghệ quân sự ngày nay đã tiến triển rất mạnh và bản chất xung đột cũng sẽ phải thay đổi”.

Bàn luận về sự kiện Bình Nhưỡng bắn tên lửa cách đây vài ngày, hôm 9/3, báo Học giả ngoại giao - một trong những trang báo uy tín có trụ sở tại Tokyo cho hay, Chính phủ Nhật Bản cực kỳ lo ngại hoạt động phóng liên tiếp nhiều tên lửa của Triều Tiên, đặc biệt là khi các đầu đạn này có điểm đến là vùng EEZ của Nhật.

Không chỉ có vậy, đội ngũ lãnh đạo của Chính phủ Nhật Bản cũng đang tính toán những bước đi tiếp theo nhằm răn đe Triều Tiên bởi trước đó quân đội của Bình Nhưỡng chỉ trong một thời gian ngắn đã tiến hành một vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm trung - được cho là hoàn toàn có khả năng mang theo các đầu đạn hạt nhân có sức hủy diệt lớn.

Sau khi tiến hành vụ bắn các tên lửa đạn đạo từ một căn cứ ở khu vực Tongchang-ri, chính quyền Triều Tiên cũng không hề ngần ngại tuyên bố rằng họ tập trận bắn tên lửa “là để mô phỏng hoạt động tấn công căn cứ Iwakuni của lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ đóng trên lãnh thổ khu tự trị Yamaguchi của Nhật”.

Thêm lý do thúc đẩy sách lược đánh phủ đầu

Theo ông Hiroshi Imazu, Chủ tịch Ủy ban Chính sách an ninh của đảng cầm quyền LDP, “đã đến lúc Nhật Bản phải có được khả năng đánh đòn phủ đầu”.

“Tôi không biết nên lựa chọn tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình hay vũ khí tấn công từ máy bay chiến đấu F-35. Thế nhưng, nếu không có sách lược và công cụ răn đe Triều Tiên sẽ xem đất nước của chúng ta là một nước yếu kém về quốc phòng”, quan chức phụ trách an ninh của đảng cầm quyền ở Nhật Bản nhấn mạnh.

Đảng Dân Chủ tự do dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe từ lâu đã có những động thái muốn cởi trói cho quân đội nước này khỏi những rào cản của Hiến pháp hòa bình nhằm xây dựng năng lực tham chiến, đảm bảo an ninh quốc gia một cách chủ động nay càng có thêm động lực và căn cứ thực tiễn để hối thúc quốc hội nước này.

Cuộc vận động của chính quyền Thủ tướng Nhật Shinzo Abe ít nhiều đã thu được kết quả trong những năm qua. Hiện nay, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản có thể tham gia các hoạt động phòng thủ tập thể, có thể hỗ trợ một cách có giới hạn các đồng minh của Tokyo ở nước ngoài trong điều kiện có chiến tranh, xung đột.

Trong phân nhiệm, Lực lượng vũ trang của Nhật Bản hiện có nghĩa vụ bảo vệ tính mạng, phương tiện, cơ sở quân sự của Mỹ - đồng minh quân sự chiến lược lớn nhất của nước này.

Các vũ khí then chốt của Nhật Bản

Một nguồn tin cấp cao trong chính quyền Nhật Bản được báo Học giả ngoại giao dẫn lời cho biết, trên mặt đất quân đội nước này đã triển khai tốt các kế hoạch ứng phó, sẵn sàng đánh chặn các tên lửa tấn công tiềm tàng từ đối phương. Việc xây dựng năng lực tấn công phủ đầu từ đất liền cũng đang được nước này bàn thảo kỹ.

Một trong những loại vũ khí có để phát động các đòn tấn công từ đất liền mà quân đội Nhật Bản đang được trang bị là tên lửa hành trình siêu thanh tầm xa Tomahawk do Mỹ chế tạo. Các tên lửa này được bố trí trên các xe phóng cơ động.

Bên cạnh đó, tên lửa hành trình tầm xa Tomahawk cũng có thể phóng đi từ các tàu khu trục lớp Atago, Kongo và các tàu ngầm tấn công nhanh điện - diesel lớp Soryu. Ở trên không, bên cạnh việc có vô số tên lửa tấn công tầm gần liên hợp JSM, quân đội Nhật Bản cũng có các tên lửa tấn công tầm xa không đối đất JASSM, bom điều khiển chính xác cao GBU-31JDAM bắn và thả từ các máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 F-35A Lightning II.

Nhật Bản đã đặt mua từ Mỹ tổng cộng 42 máy bay chiến đấu ném bom tàng hình F-35A Lightning II. Số máy bay chiến đấu tối tân này cho phép Nhật Bản và các đồng minh của mình có thể phối hợp tác chiến liên hợp hiệu quả trong trường hợp xảy ra xung đột với các đối thủ tiềm tàng, trong số này không loại trừ Triều Tiên.

Báo Học giả ngoại giao cho hay, nhiều khả năng lực lượng phòng vệ mặt đất của Nhật Bản sẽ được bổ sung thêm các khẩu đội tên lửa đất đối đất gắn trên các xe tải cơ động với chi phí thấp hơn nhưng hiệu quả triển khai tấn công nhanh lại khá ổn.

Về vũ khí chiến lược, Nhật Bản cũng đang gia tăng các hoạt động xây dựng năng lực tấn công bằng tên lửa đạn đạo. Gần đây, Nhật Bản đã tiến hành phóng thử nghiệm tên lửa Standard Missile-3 (SM-3) Block IIA dự kiến sẽ được triển khai tại các căn cứ trên đất liền hoặc trên các chiến hạm lớp Atagao, Kongo được trang bị hệ thống phòng thủ tác chiến Aegis.

Các chuyên gia quân sự mới đây cũng đã đưa giả định nói rằng, nếu Triều Tiên tấn công Nhật Bản bằng 4 quả tên lửa đạn đạo tầm trung, tất cả các hệ thống tên lửa phòng thủ Patriot PAC-3 trên đất liền của quân đội Nhật Bản có thể sẽ bị vô hiệu hóa.

Các cuộc tranh luận, bàn bạc về xây dựng năng lực phòng thủ chống tên lửa đạn đạo những năm gần đây đã diễn ra khá thường xuyên tại Nhật Bản với sự tham gia của các chính trị gia, chuyên gia an ninh, quân sự bởi Triều Tiên đã có những biểu hiện cho thấy họ sẵn sàng tấn công nhằm vào lãnh thổ Nhật Bản trong trường hợp có chiến tranh với Hàn Quốc và Mỹ trên bán đảo ở khu vực Đông Bắc Á.

Nay, những tính toán của Nhật Bản sẽ được thúc đẩy nhanh bởi bởi theo các chuyên gia có 2 lý do sau: Thứ nhất, năng lực tên lửa đạn đạo mà quân đội Triều Tiên đang sở hữu đã được cải thiện rất nhanh trong 2 năm qua, nếu Nhật Bản không xúc tiến việc xây dựng khả năng đánh tấn công phủ đầu thì hậu quả sẽ rất khó lường một khi có chiến tranh xảy ra.

Thứ hai, việc ông Donald Trump lên nắm quyền tổng thống ở Mỹ chắc chắn đã khiến cho Nhật Bản tự nhận thức được rằng nước này không thể hoàn toàn chỉ trông chờ vào chiếc ô an ninh của Mỹ để có thể răn đe được Bình Nhưỡng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.