Hỏi - Đáp

Nhặt được của rơi không trả người đánh mất có thể bị phạt tới 5 năm tù

27/07/2020, 10:47
image

Theo luật sư Bình, người nhặt được của rơi của người khác, nếu cố tình không trả thì có thể bị truy tội "Chiếm giữ trái phép tài sản”.

img
Hình ảnh được cắt từ clip

Mới đây, mạng xã hội xuất hiện đoạn video quay cảnh một người phụ nữ nhặt được của rơi trên đường nhưng không chịu trả lại. Theo đó, sự việc xảy ra trên một cây cầu vượt thuộc địa phận Hà Nội vào sáng 26/7, được tài khoản Nhữ Quốc Tuấn chia sẻ trên trang Facebook cá nhân với nội dung: "Xã hội này giờ nó vậy luôn hả cả nhà? Em làm rơi có cái hộp cách nhiệt đựng chai nước đá ra đường, dựng xe xuống đi bộ ra nhặt thì cô này nhặt, em bảo ơ của cháu rơi. Bà ý bảo cái gì của mày? Của tao.... Xong em rút máy ra quay, cô con gái ngồi sau mẹ cứ bảo thôi mẹ trả anh ý đi .... thương em lắm".

Đoạn video cho thấy, một người phụ nữ mặc bộ đồ màu tím, đeo kính râm, đi xe máy và chở con gái ở phía sau. Trên tay người phụ nữ đang cầm một chiếc túi vải dạng hộp màu xanh da trời, được cho là của khổ chủ bị rơi và được người phụ nữ này nhặt lên. Người được cho là chủ nhân chiếc túi, cũng là người quay lại clip dù đã yêu cầu trả lại nhưng người phụ nữ này nhất định không trả và còn cho là túi của mình.

Khi nam thanh niên chất vấn: "Ở trong này là cái gì?", người phụ nữ nói: "Là cái áo chứ cái gì?". Thấy vậy, nam thanh niên bảo: "Đây là chai nước lọc của tôi thôi, chả có cái gì to tát cả. Cô có trả không?", nhưng người phụ nữ vẫn lươn lẹo, không chịu trả lại: "Tao nhặt được là đồ của tao, việc gì phải trình bày với ai. Trong này là cái gì thì tao việc gì phải nói với mày. Thích thì lên phường".

Mặc dù con gái của người phụ nữ liên tục can ngăn, bảo mẹ trả lại đồ nhưng người phụ nữ vẫn nhất quyết không chịu trả, rồi sau 1 hồi tranh cãi, người này ném chiếc túi của nam thanh niên sang phía bên kia đường, vừa lẩm bẩm: "Việc gì phải trả".

Người phụ nữ sau đó liền lái xe đi, nhưng vẫn liên tục hét toáng lên: "Bỏ cái trò ấy đi. Ăn cướp, ở đây có thằng ăn cướp".

Chiều ngày 26/7, trên mạng xã hội facebook cũng lan truyền một đoạn video ngắn hơn 1 phút ghi lại cảnh hai nhân viên của cây xăng đang trêu đùa với nhau thì cọc tiền trong túi áo của một nam nhân viên rơi ra ngoài.

Thời điểm này, một người đàn ông đi xe máy vào phát hiện cọc tiền nên dừng xe, nhanh chân che chắn. Lợi dụng lúc nhân viên không để ý đã cúi xuống lượm cọc tiền rồi bỏ đi.

Sự việc được ghi tại cây xăng nằm trên địa bàn xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk). Khi phát hiện tiền bị mất, chủ cây xăng đã trình báo cho cơ quan chức năng. Hiện cơ quan Công an đang tổ chức trích xuất các camera an ninh của người dân xung quanh và cây xăng để truy tìm người đàn ông này.

Hai sự việc này đang gây xôn xao mạng xã hội, dư luận tỏ ra bức xúc với hành động nhặt được của rơi nhưng dường như lại cố tình muốn giữ thành của mình của một số người.

Nhìn nhận sự việc này dưới góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết, Bộ luật Dân sự quy định người phát hiện tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn giấu, bị chìm đắm phải thông báo hoặc trả lại ngay cho chủ sở hữu. Nếu không biết ai là chủ sở hữu thì phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND xã, phường, thị trấn hoặc công an cơ sở gần nhất; hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật.

“Pháp luật không bắt buộc người nhặt được của rơi phải thông báo hoặc giao nộp ngay lập tức cho cơ quan chức năng. Tuy nhiên, việc thông báo hoặc giao nộp cần được thực hiện càng sớm càng tốt”, luật sư Bình phân tích.

Theo luật sư Bình, trường hợp cố tình không trả lại cho chủ sở hữu hoặc cố tình không giao nộp khi đã có yêu cầu của cơ quan chức năng, thì tùy theo số tiền chiếm giữ mà người vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự.

“Điều 142 Bộ luật Hình sự về tội "Chiếm giữ trái phép tài sản” nêu rõ, người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản có giá trị từ 5 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Chiếm giữ tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên hoặc cổ vật, vật có giá trị lịch sử, văn hoá có giá trị đặc biệt, thì bị phạt tù từ 1-5 năm” luật sư Bình phân tích.

Luật sư Diệp Năng Bình cũng cho rằng, người đánh rơi tài sản cũng cần phải chứng minh được tài sản mà người khác nhặt được có đúng là của mình không.

“Trong clip người phụ nữ nhặt được chiếc túi như đã lan truyền trên mạng mấy ngày qua thì người quay clip nói là chiếc túi của mình thì phải chứng minh được tài sản này là tài sản hợp pháp của mình thì mới được nhận lại”, luật sư Bình nói.

“Còn clip nhặt được tiền ở cây xăng thì đã quá rõ ràng vì camera ở đây đã ghi lại toàn bộ sự việc. Người đàn ông nhặt được cọc tiền này nên giao nộp cho chính quyền địa phương hoặc đến trả lại cho người thanh niên bán xăng để tránh rắc rối về pháp lý về sau”, luật sư Bình phân tích.

Video: Người phụ nữ nhặt được chiếc túi màu xanh nhưng không chịu trả:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.