Y tế

Nhiễm khuẩn HP liệu có bị ung thư dạ dày?

20/08/2019, 07:39

Nhiều người khi nhận kết quả xét nghiệm nhiễm khuẩn Helicobacter Pylori (HP) trong dạ dày đã lo sẽ bị ung thư dạ dày. Sự thật có phải như vậy?

img
Xét nghiệm vi khuẩn HP qua kiểm tra hơi thở (Ảnh minh họa)

Tỷ lệ người Việt nhiễm khuẩn HP dạ dày chiếm tới 70% dân số và nhiều người khi nhận kết quả xét nghiệm nhiễm khuẩn Helicobacter Pylori (HP) trong dạ dày đã lo sẽ bị ung thư dạ dày.

Trẻ nhỏ cũng nhiễm khuẩn HP dạ dày

Mới đây BV Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) điều trị cho 1 bé gái 5 tuổi với chẩn đoán viêm dạ dày, dương tính với vi khuẩn HP. Khá bất ngờ với kết luận chẩn đoán này, mẹ bệnh nhi cho hay: “Trước đó con hay đau bụng từng cơn, ợ hơi liên tục nên gia đình mới đưa đi khám. Còn trong gia đình cũng chưa ai đi khám hay xét nghiệm gì liên quan đến khuẩn HP”.

Hiện, các trường hợp bệnh nhi nhập viện vì nhiễm HP dẫn đến viêm dạ dày không còn hiếm gặp. Theo lý giải của PGS. TS. Nguyễn Duy Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa, gan mật, ở Việt Nam, trẻ em là đối tượng nguy cơ cao nhiễm vi khuẩn HP. Đã có trẻ bị nhiễm khuẩn HP khi mới 2 tuổi, nguyên nhân do người mẹ thường có thói quen mớm thức ăn cho con. “Vi khuẩn HP rất dễ lây nhiễm, đặc biệt ở trẻ em do hệ miễn dịch còn rất yếu, dễ lây nhiễm, diễn biến bệnh rất nhanh. Các thói quen ăn uống chung đụng ở trường lớp, hay là việc mớm cơm cho con có thể sẽ mang vi khuẩn HP vào cơ thể trẻ. Điều đáng nói, ngoài niêm mạc dạ dày, vi khuẩn HP còn tồn tại trong nước bọt, mảng bám trên răng và khoang miệng của người bệnh. Do đó, vi khuẩn HP dễ lây truyền từ người này sang người khác qua việc dùng chung bát đũa, hôn trực tiếp, ăn uống chung...”, ông Thắng cho biết.

Còn BS. Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, BV Bạch Mai cho biết, Việt Nam có khoảng 60-70% dân số bị nhiễm vi khuẩn HP. Riêng một nghiên cứu tại Hà Nội, cứ 1.000 người thì có đến 700 trường hợp nhiễm vi khuẩn HP. Còn tại TP HCM, 90% số người bị viêm dạ dày có xuất hiện loại vi khuẩn này.

Nhiễm khuẩn có ung thư dạ dày?

Cầm trên tay kết quả xét nghiệm dương tính khuẩn HP, anh Nguyễn Kiều P. (35 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) tỏ ra vô cùng lo lắng. “Tôi vẫn nghe mọi người nói có khuẩn HP trong dạ dày thì rất dễ mắc ung thư dạ dày, không biết cần phải làm gì để phòng tránh đây?”, anh P. băn khoăn.

Chia sẻ trước lo lắng của không ít người bệnh về vấn đề này, BS. Thắng cho biết: “Hiện nay, tỷ lệ người Việt Nam bị nhiễm vi khuẩn HP trong dạ dày rất cao. Vi khuẩn HP được xác định là một trong những nguyên nhân dẫn đến ung thư dạ dày chứ không phải ai mắc vi khuẩn HP cũng bị ung thư dạ dày. Bởi theo nghiên cứu của Bệnh viện K, có 200 loại HP khác nhau, chỉ một số loại mang gen CagA có độc lực cao, tăng nguy cơ ung thư. Khi mắc vi khuẩn HP, bệnh nhân có thể làm xét nghiệm vi khuẩn HP thuộc nhóm có độc lực mang gen CagA hay không. Trên thực tế, có đến 80% người trên 50 tuổi có mang vi khuẩn HP nhưng không phải ai cũng bị ung thư dạ dày”.

Theo khuyến cáo của BS. Khanh, nếu vi khuẩn HP làm xuất hiện các triệu chứng lâm sàng (đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, nôn ói...) thì việc điều trị vô cùng quan trọng nhằm làm giảm nguy hại có thể gặp như biến chứng xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày và ung thư dạ dày.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay việc lạm dụng thuốc kháng sinh khá phổ biến và việc người bệnh không tuân thủ liều lượng, thời gian uống thuốc đã dẫn đến tình trạng vi khuẩn HP kháng với nhiều loại kháng sinh. Điều đó dẫn đến việc điều trị mất nhiều thời gian hơn và hiệu quả điều trị không cao.

“Chính vì người Việt có thói quen “tự chẩn đoán bệnh, tự mua thuốc uống” khi có dấu hiệu đau bụng, đầy hơi, khó tiêu họ nghĩ ngay đau dạ dày, tự mua vài liều thuốc về uống, thấy đỡ rồi thôi nên tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh điều trị vi khuẩn HP ở Việt Nam khá cao. Nhiều loại thuốc điều trị HP tại các nước đạt hiệu quả lên đến 80 - 90% thì ở Việt Nam tỷ lệ thành công thấp hơn, thậm chí có những loại thuốc tỷ lệ thành công trong điều trị chỉ còn khoảng 50%”, BS. Khanh cho hay.

BS. Thắng khuyến cáo, những người đã mắc vi khuẩn này nên hạn chế ăn đồ chua, cay, hạn chế uống rượu, bia, cà phê, hút thuốc lá... Và để tránh tình trạng kháng kháng sinh, mọi người cần từ bỏ thói quen tự ý mua kháng sinh diệt vi khuẩn HP. Người bệnh nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, chỉ test và diệt vi khuẩn HP theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.