Kinh tế

Nhiệt điện than “bẩn” vì đâu? (kỳ cuối)

12/04/2017, 11:28

Các nhà khoa học lên tiếng về hiểm họa nhiệt điện than...

30

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận) đã từng gây ô nhiễm môi trường buộc người dân phải phản đối - Ảnh Tuoitre.vn

Trước làn sóng dư luận lo ngại về việc đầu tư ồ ạt nhiệt điện than (NĐT) ảnh hưởng tới môi trường, dân sinh, nhiều chuyên gia lại cho rằng, đây là nguồn năng lượng khó có thể thay thế tính tới thời điểm này để đảm bảo an ninh năng lượng. Để rộng đường dư luận, Báo Giao thông xin được nêu ra một số luồng ý kiến của các chuyên gia từng nghiên cứu về vấn đề này...

27

 

PGS. TS. Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội KHKT Nhiệt Việt Nam: Phải đầu tư lớn xử lý các chất thải độc hại

Nhiệt điện than là nguồn sản xuất điện năng chủ yếu của thế giới. Tại Việt Nam đã không còn nguồn thủy năng để phát triển, tỷ lệ thủy điện trong tổng sản lượng điện năng ngày càng giảm.

Về nguồn nhiệt điện khí, nguồn khí từ Nam Côn Sơn cho các trung tâm Phú Mỹ, Nhơn Trạch đã bắt đầu thiếu. Nguồn khí từ vùng biển Tây Nam chỉ đủ cho các NĐ khí Ô Môn. Nhiệt điện dầu, cho giá điện rất cao (gấp 3-4 lần NĐT) nên chỉ còn những NMNĐ đã được thiết kế đốt dầu từ trước như Trà Nóc và những trạm diesel ở các vùng xa mà lưới điện quốc gia chưa tới.

Nguồn năng lượng tái tạo dù sạch, suất vốn đầu tư ngày càng giảm, chỉ còn cao hơn một chút so với NĐT. Tuy nhiên, số giờ sử dụng công suất định mức trong năm thấp, Tmax =1.500h/năm, sản lượng điện sản xuất ra chỉ tương đương từ 1/4 - 1/5 NĐT nên giá thành điện cao hơn. Đáng nói, Việt Nam tuy là nước nhiệt đới, nhưng không phải là nước nhiều nắng, nhiều gió, vì vậy, mức độ đóng góp về điện gió, điện mặt trời trong tổng nhu cầu điện năng không lớn.

Tóm lại sau thủy điện, các quốc gia đẩy mạnh khai thác NĐT, song khối lượng các loại chất thải đều rất lớn, nếu không được xử lý sẽ gây tác hại đến môi trường. Tuy nhiên, với công nghệ hiện đại ngày nay đều có các biện pháp khử các chất độc hại của NĐT trước khi thải ra môi trường. Vì vậy, nếu các nhà máy NĐT thực hiện nghiêm túc, đầu tư lớn cho các phương pháp xử lý các chất thải độc hại, thì không có vấn đề gì.

Được biết, hiện các nhà máy mới xây dựng (Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1, Vũng Áng 1, Thái Bình 2…) đều đã lắp đặt hệ thống lên tới hàng trăm triệu USD để khử bụi, khử SO2 và NOx . Kết quả đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về xử lý chất thải, bảo đảm nồng độ thải ra dưới các quy định cho phép của các QCVN về quản lý chất thải. Đáng nói, bằng hệ thống xử lý này, các chất thải từ khói (bụi SO2, NOx ) không tích trữ trong không khí làm tăng nồng độ độc hại trong không khí mà lắng đọng lại trên mặt đất, tạo thành các hợp chất vô cơ như các chất vô cơ thông thường trên mặt đất.

28

 

Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID): Biến đổi khí hậu sẽ trầm trọng hơn nữa

Nghiên cứu của GreenID và các thành viên Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam tiến hành trong thời gian qua chỉ ra rằng NĐT góp phần lớn gây ra ô nhiễm không khí và nước. Liên quan tới biến đổi khí hậu (BĐKH), đốt nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than phát thải một lượng lớn khí CO2 và là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu và BĐKH. Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những đồng bằng trên thế giới nhạy cảm và chịu ảnh hưởng lớn từ hiện tượng nước biển dâng. Kế hoạch tăng cường phát triển NĐT như hiện nay sẽ làm trầm trọng hơn nữa những tác động của BĐKH đến Việt Nam.

Theo báo cáo “Bùng nổ và thoái trào” công bố tháng 3/2017, NĐT năm 2017 đã giảm 62% công suất trong giai đoạn khởi công so với năm 2016, giảm 48% công suất trong giai đoạn chuẩn bị khởi công so với năm 2016. Trong đó, Trung Quốc và Ấn Độ - hai quốc gia chiếm 86% công suất xây dựng NĐT toàn cầu từ 2006-2016 cũng đồng thời đi đầu trong giảm công suất nhà máy NĐT và tăng sản xuất năng lượng tái tạo.

Nhiều nước khác trên thế giới cũng đã và đang tiếp tục đóng cửa các nhà máy NĐT cũ và không xây dựng thêm các nhà máy mới như: Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Phần Lan và Anh. Sau hơn một thập kỷ phát triển bùng nổ, NĐT đã bắt đầu thoái trào, với sự lên ngôi của năng lượng tái tạo.

Với việc tăng gấp 4 lần công suất NĐT vào năm 2030, Việt Nam đang bỏ lỡ cơ hội phát triển năng lượng tái tạo và đối mặt với rủi ro lớn về môi trường và xã hội khi lựa chọn phát triển điện than. Đây là thời điểm Việt Nam cần đưa ra quyết định táo bạo để nắm bắt cơ hội phát triển vì một tương lai không hối tiếc.

29

 

TS. Nguyễn Thành Sơn, nguyên Trưởng Ban Chiến lược Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV): Nhiệt điện than “bẩn” là do người sử dụng

Trong suốt cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2 và 3 vừa qua, các nước phát triển đã sử dụng một khối lượng than bình quân hơn 500kg/người/năm để có được cuộc sống như ngày nay. Còn ở Việt Nam, từ năm 1954 đến nay, chúng ta sử dụng bình quân chưa quá 100kg/người/năm. Mãi gần đây, đến khoảng năm 2014, Việt Nam mới đạt được cái ngưỡng mà cả thế giới đã đạt được trong suốt trăm năm qua về sử dụng than tính trên đầu người. Phát triển nhiệt điện than và thủy điện làm nguồn năng lượng thì rẻ, còn dùng dầu, khí, uranium hay dùng các nguồn năng lượng tái tạo khác như: gió, ánh sáng mặt trời, sóng biển, địa nhiệt thì đắt và lại không thể “sắt ra miếng” được. Đó là chưa kể các nguồn năng lượng khác đều bị phụ thuộc bởi yếu tố thời tiết, địa hình...

Ngoài ra, cần phải khẳng định NĐT “bẩn” là do người dùng, chứ than đâu có lỗi? Hầu hết, các nhà máy nhiệt điện than trong thời gian qua đều nhập công nghệ rẻ tiền, cắt xén các hạng mục nên mới dẫn tới thực trạng gây ô nhiễm môi trường.

Bà Lê Thị Ngọc Quỳnh, Phó trưởng Ban KHCN&MT, EVN:

8/11 nhà máy lắp hệ thống khử lưu huỳnh trong khói thải

“Có hai vấn đề chính về khí cần được kiểm soát tại các nhà máy nhiệt điện than: Khí phát thải từ ống khói và nồng độ khí trong môi trường không khí xung quanh. Trong 19 nhà máy nhiệt điện của EVN, có 11 nhà máy nhiệt điện đốt than (antraxite (nội địa), bitum, subbitum nhập khẩu). Tính tới thời điểm hiện tại, tất cả các nhà máy nhiệt điện than đều đã trang bị công nghệ lọc bụi tĩnh điện. Về việc xử lý khí SOx và NOx theo TCVN, chỉ những nhà máy vận hành sau năm 2000 mới được lắp đặt. Có 8/11 nhà máy nhiệt điện đã lắp đặt hệ thống khử lưu huỳnh trong khói thải.

Đối với các dự án cải tạo nâng cấp hệ thống xử lý khí thải tại các nhà máy nhiệt điện than cũ đã và đang được tiến hành, dự kiến sẽ kết thúc trong thời gian cuối năm 2018, đầu năm 2019”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.