Bạn cần biết

Nhiệt độ thấp ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?

09/01/2018, 09:33

Thời tiết lạnh làm mạch máu bị thu hẹp, lưu lượng máu cùng oxy đến tim bị giảm gây nguy hiểm đến tính mạng.

id0BwDd-9wJce1DaFZhSVFEZHN2MWsimg

Mùa đông không chỉ có giá rét mà còn mang lại nhiều bệnh như cảm cúm, tê cóng, trầm cảm theo mùa. Đặc biệt, nhiệt độ hạ thấp khiến các vấn đề tim mạch trở nên trầm trọng.

Theo Fox News, thời tiết lạnh còn làm mạch máu bị thu hẹp, lưu lượng máu cùng oxy đến tim bị giảm. Kết quả là huyết áp tăng kéo theo các nguy cơ đe dọa mạng sống như đau tim hoặc đột quỵ, nhất là khi bạn đang hoạt động ngoài trời.

Giá rét còn dẫn đến hạ thân nhiệt. Đây là tình trạng mà nhiệt độ cơ thể giảm đến mức nguy hiểm, nghĩa là dưới 35 độ C. Lúc này tim không thể hoạt động bình thường, quá trình tuần hoàn bị ảnh hưởng khiến cơ thể tê cóng. Hạ thân nhiệt không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến suy tim, suy hô hấp và tử vong. Các triệu chứng của hạ thân nhiệt bao gồm run, chóng mặt, đói, buồn nôn, thở dốc, khó nói chuyện, nhầm lẫn, không thể phối hợp các bộ phận, mệt mỏi và tăng nhịp tim.

Những nguy hiểm về thể chất do tác động trực tiếp từ nhiệt độ thấp

Chứng trầm cảm theo mùa: Đây là một chứng bệnh có biểu hiện rõ nhất vào thời gian cuối Thu - đầu Đông. Nguyên nhân có thể do độ dài của ngày ngắn hơn những tháng khác trong năm. Muốn khắc phục chứng trầm cảm theo mùa thì chúng ta nên thường xuyên ra khỏi phòng, ngồi cạnh cửa sổ đón ánh sáng mặt trời hoặc dùng ánh sáng nhân tạo.

Nếu thấy cơ thể luôn bị lạnh suốt thời gian dài dù được giữ ấm, hay ngồi nơi ấm áp mà vẫn lạnh là biểu hiện của nhiều bệnh lý nguy hiểm. Chúng ta cần thăm khám sức khỏe để có hướng điều trị kịp thời.

Nhồi máu cơ tim: Những tháng mùa Đông khi nhiệt độ xuống thấp thì càng gia tăng mức độ bệnh nhồi máu cơ tim. Giá rét ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người có các dấu hiệu bệnh lý tiềm ẩn, đã ủ bệnh lâu ngày. Thêm nữa, nhiệt độ càng giảm thì huyết áp càng tăng do nhiều áp lực lên tim. Thời tiết càng lạnh thì cơ thể càng cần hoạt động nhiều hơn để sinh nhiệt, chống đỡ lại giá lạnh.

Những người mắc bệnh nhồi máu cơ tim phải giữ ấm cơ thể cho dù ở trong nhà, hay lúc đi ngủ. Khi ra ngoài trời lạnh phải đeo găng tay, đội mũ, quàng khăn, vì nếu bị nhiễm lạnh sẽ gây ra cơn đau tim. Buổi sáng sớm là thời điểm mà nhiệt độ, thời tiết có nhiều thay đổi gây nhiều nguy hiểm nhất trong ngày.

Hạ thân nhiệt: Đây là tình huống nghiêm trọng khi nhiệt đô cơ thể giảm từ 37C xuống 36C hay thấp hơn. Lúc đó cơ thể sẽ run rẩy, tứ chi tê liệt, hoạt động không chính xác. Lúc này, chúng ta cần mặc thêm quần áo ấm, đi lại trong nhà cho cơ thể nóng dần.

Nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến thời tiết lạnh

Thời tiết lạnh làm giảm khả năng miễn dịch: Khi nhiệt độ xuống thấp thì việc đưa máu đến các chi để bảo toàn nhiệt độ cơ thể càng ít. Những hiệu ứng về thời tiết lạnh càng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mùa Đông như cảm lạnh.

Cảm lạnh và cúm: Đây là 2 chứng bệnh càng ngày càng phổ biến trong suốt những tháng của mùa Đông. Hệ thống miễn dịch hoạt động kém hiệu quả khi trời trở lạnh ảnh hưởng đến đường hô hấp, do chúng ta hít phải khí lạnh vào cơ thể, là điều kiện thuận lợi cho rhinoviruses phát triển, dẫn đến bệnh cúm. Bệnh dễ lây từ người sang người, xảy ra quanh năm, cao điểm vào mùa Đông Xuân. Bệnh lây truyền trực tiếp do tiếp xúc với chất tiết của bệnh nhân ho, hắt hơi ra bay vào mắt, mũi, tay người lành. Khi thời tiết ấm hơn, hệ miễn dịch có khả năng kháng các virus, hạn chế bệnh tật

Đau họng: Nguyên nhân chủ yếu do virus gây ra và cũng lây truyền từ người sang người tương tự như cúm và cảm lạnh.

Norovirus: Đây là tên một nhóm virus thường gây ra dịch viêm đường ruột do virus, người nhiễm norovirus có thể cảm thấy rất mệt trong vài ngày. Giống như cảm lạnh, norovirus xảy ra quanh năm đặc biệt vào các tháng mùa Đông, rất dễ lây nhiễm ở những nơi đông người như trường học, khách sạn. Người bị norovirus dễ mắc chứng tiêu chảy.

Suyễn: Thời tiết lạnh là điều kiện thuận lợi cho bệnh hen suyễn phát triển. Vậy nên để hạn chế hen suyễn tốt nhất là không để cơ thể bị nhiễm lạnh. Dù ở trong nhà, chúng ta vẫn nên quàng khăn lên cả vùng miệng và thở bằng mũi, không nên thở bằng miệng để không hít phải khí lạnh vào cổ họng, đồng thời có thể giữ ấm cho cổ họng.

Để phòng tránh các vấn đề trên, tốt nhất nên hạn chế các hoạt động nặng nhọc ngoài trời, trong trường hợp bắt buộc phải làm thì không gắng sức và nghỉ ngơi ngay nếu mệt mỏi. Bên cạnh đó cần giữ ấm cơ thể, nhất là phần đầu, tai, bàn tay và bàn chân.

Cuối cùng, không nên uống nhiều rượu vào mùa lạnh bởi bạn cảm thấy ấm hơn thực tế mà không nhận ra những ảnh hưởng của giá rét.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.