Đời sống

Nhiều bài học kinh nghiệm ứng phó mưa lũ ở miền núi

21/08/2019, 14:10

Ban chỉ đạo chỉ ra nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan trong công tác ứng phó mưa lũ do hoàn lưu bão số 3 và giải pháp khắc phục hậu quả.

img
Hình ảnh tan hoang tại bản Sa Ná sau 17 ngày lũ dữ đi qua

Ngày 20/8, tại Quan Sơn (Thanh Hóa), Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai đã tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm công tác ứng phó mưa lũ do hoàn lưu bão số 3 và giải pháp khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai. Hội nghị có sự tham gia của các đơn vị trực thuộc bộ, ngành Trung ương, các tỉnh: Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An, Thanh Hóa.

Từ thiệt hại ở vùng lũ Sa Ná

Theo khảo sát, đánh giá của Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai (Ban chỉ đạo), bản Sa Ná, xã Na Mèo (nằm ven suối Son, huyện Quan Sơn) bắt nguồn từ thượng Lào. Độ cao lưu vực đo được ở điểm cao nhất là 1.722m (riêng tại bản Sa Ná là 1.600m). Cách thượng lưu bản Sa Ná 2,4km, suối Son bị co hẹp chênh 57m. Thống kê cho thấy, tại bản Sa Ná có 74 hộ dân sinh sống, chủ yếu phân bố ven suối Son, có 1 nhà văn hóa kết hợp trú tránh mưa lũ cao so với lòng suối 10m. Do lưu vực lớn, độ dốc cao dẫn đến lũ tập trung nhanh dễ gây lũ quét. Lòng suối Son bị co hẹp tạo ra nút thắt, nghẽn dòng tựa như đập tự nhiên khiến cho vào mùa mưa lũ, ở bản Sa Ná thường xuyên xuất hiện tình trạng ngập nước.

Tại hội nghị, Ban chỉ đạo chỉ ra nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó công tác dự báo, cảnh báo chưa sát với thực tế khi tại khu vực huyện Quan Sơn không dự báo được cụ thể lượng mưa vì chỉ tính từ 3h đến 7h ngày 3/8 tại xã Na Mèo lượng mưa đạt trên 200mm, đột biến tăng hơn 400mm. Bên cạnh đó, hầu hết các địa phương chưa rà soát, đánh giá khu dân cư đảm bảo an toàn với lũ quét, sạt lở đất. Các trang thiết bị phục vụ “4 tại chỗ” còn hạn chế… Sau xảy ra lũ quét, 2 ngày sau mới tiếp cận được khu vực bị cô lập, thông tin liên lạc bị mất…

Trước sự việc này, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết: Những năm gần đây tình hình lũ quét, sạt lở đất là mối quan tâm rất lớn đối với các địa phương. Chính vì vậy, yêu cầu các địa phương cần tập trung khơi thông các khu vực có nguy cơ nghẽn dòng, lắp đặt trạm đo mưa và thiết bị cảnh báo tại những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Đồng thời, rà soát nơi ở, địa điểm để có phương án sơ tán dân an toàn. Củng cố lực lượng xung kích, bố trí trang thiết bị và rà soát lại thiết bị cứu hộ, cứu nạn, có phương án huy động kịp thời khi sự cố xảy ra.

Ngoài ra, các địa phương ngăn chặn ngay tình trạng khai thác rừng; có phương án đảm bảo thông tin liên lạc trong mọi tình huống và huy động các lực lượng chức năng khắc phục giao thông, lưới điện…

Cần có quy hoạch sinh kế lâu dài

Ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Năm 2018, tỉnh Thanh Hóa có 22 người chết và mất tích do tai nạn trên biển và thiệt hại 2.800 tỷ đồng. 8 tháng đầu năm 2019, mưa lũ cũng đã làm 16 người chết và mất tích, thiệt hại tài sản khoảng 914 tỷ đồng. “Thanh Hóa sẽ giao cho Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tham mưu để đầu tư ngay một số thiết bị như súng bắn dây, điện thoại vệ tinh, thiết bị cảnh báo mưa. Tỉnh cũng đề nghị Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai bố trí nguồn vốn đầu tư các khu tái định cư cho các tỉnh phía Bắc, trong đó có Thanh Hóa, Nghệ An. Dành kinh phí nâng cấp hệ thống hồ đập, đê điều, đầu tư tàu chuyên dụng để cứu hộ cứu nạn trên biển…”, ông Xứng đề nghị.


Cũng trong ngày 20/8, đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai do ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) dẫn đầu đã thăm và tặng quà bà con vùng lũ Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa).

Ông Trần Quang Hoài cho biết, hiện cả nước có 100.000 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở. Số lượng các hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm có dấu hiệu tăng lên do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Vì vậy, việc xây dựng các công trình dân cư, phòng chống lụt bão, đặc biệt ở khu vực miền núi cần được tính toán kỹ, hạn chế tối đa thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Khi được hỏi về việc hơn 30 hộ dân ở bản Sa Ná dù đã được quy hoạch cảnh báo vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét nhưng chính quyền địa phương chưa di chuyển được thì xảy ra trận lũ đáng tiếc vừa qua, ông Hoài cho rằng: “Chính phủ rất quan tâm công tác phòng chống thiên tai nhưng nguồn lực có hạn, trong khi phạm vi, khu vực nguy hiểm, rủi ro rất lớn. Vì vậy, các địa phương phải tích cực triển khai các giải pháp phòng ngừa, xây dựng cơ sở hạ tầng, chủ động xây dựng kịch bản sơ tán dân để khi có sự cố có thể thực hiện nhanh chóng, giảm thiểu thiệt hại”.

Theo ông Hoài, hiện Tổng cục Phòng chống thiên tai đang lập dự án báo cáo Chính phủ về những điểm, những hộ dân trong vùng nguy cơ sạt lở để hướng dẫn chi tiết công tác ứng phó. Tổng cục cũng sẽ cho cắm biển cảnh báo ở những khu vực nguy hiểm và triển khai cảnh báo từ xa, tự động để nâng cao hiệu quả phòng chống thiên tai thời gian tới.

Ông Vũ Văn Đạt, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn cho biết, huyện đang phối hợp với các lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa khẩn trương làm mặt bằng và xây dựng khu tái định cư mới cho người dân bản Sa Ná. “Phấn đấu đến cuối tháng 11, bà con có thể chuyển nhà lên khu mới”, ông Đạt cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.