Đô thị

Nhiều cách dẹp loạn vỉa hè triệt để

31/03/2023, 06:30

Quy trách nhiệm người đứng đầu, tăng nặng mức xử phạt hành chính… là những giải pháp có thể xử lý triệt để tình trạng loạn vỉa hè.

Lắp camera phạt nguội được không?

img

Bà Bùi Thị An, ĐBQH khóa XIII, đề xuất để công an phường này xử lý vi phạm ở phường kia, tránh nể nang, du di (Trong ảnh: Lực lượng công an xử lý trật tự vỉa hè trên phố Lạc Long Quân, Hà Nội). Ảnh: Phùng Đô

Ngày 30/3, Báo Giao thông tổ chức tọa đàm “Cách nào để dẹp loạn vỉa hè”, sau khi Báo đã mở diễn đàn về vấn đề này trong suốt gần 2 tháng qua.

Tại tọa đàm, các khách mời gồm: Thượng tá Lương Anh Tuấn, Phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP Hà Nội; Thượng tá Uông Viết Thành, Phó trưởng Công an quận Tây Hồ (TP Hà Nội) và bà Bùi Thị An, nguyên ĐBQH khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên - Môi trường và Phát triển cộng đồng đã chỉ rõ thực trạng, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp mạnh giành lại vỉa hè cho người đi bộ.

Trước và trong khi tọa đàm diễn ra, nhiều độc giả đã trực tiếp đặt câu hỏi cho các khách mời về giải pháp lắp camera để phạt nguội, lập đường dây nóng, báo 113 xử lý vi phạm lấn chiếm vỉa hè để nâng tính răn đe.

Trao đổi về vấn đề này, Thượng tá Lương Anh Tuấn cho biết, Hà Nội đã có hệ thống camera đảm bảo an ninh trật tự nhưng chưa lắp được toàn bộ, vẫn tận dụng camera của các hộ gia đình trích xuất hình ảnh để quản lý an ninh trật tự trên địa bàn.

“Việc lắp camera để xử lý pháp lý thì phải đảm bảo theo quy chuẩn, quy định của pháp luật chứ không phải camera nào cũng dùng được.

Việc dùng camera để quản lý phương tiện thì dễ hơn vì các phương tiện có đăng ký, còn với vi phạm trật tự đô thị thì công cụ, đồ vật không có định danh, không có biển số như phương tiện nên xử lý qua phạt nguội rất khó”, ông Tuấn nói và cho rằng, sau này nếu quy định rõ trách nhiệm thì lúc ấy mới xử lý được.

Ông Tuấn cũng khẳng định, hiện nay lực lượng 113 cũng đã tiếp nhận phản ánh và xử lý các điểm vi phạm vỉa hè nổi cộm.

Thượng tá Uông Viết Thành chia sẻ đã có một số tổ dân phố sử dụng camera, trích xuất hình ảnh vi phạm, in ra và dán lên bảng tin công khai để người vi phạm tự cảm thấy xấu hổ và thay đổi hành vi.

Quy trách nhiệm người đứng đầu, đảo lực lượng xử lý

img

Theo lực lượng công an, một khó khăn trong xử lý vi phạm vỉa hè là lực lượng mỏng, để thường xuyên túc trực trên các con đường, ngõ là cả vấn đề (Trong ảnh: Công an phường Thượng Đình, Thanh Xuân, Hà Nội, kiểm tra, xử lý các hộ kinh doanh lấn chiếm vỉa hè trên phố Giáp Nhất). Ảnh: Tạ Hải

Tại tọa đàm, vấn đề quy trách nhiệm với cơ quan quản lý về dẹp loạn vỉa hè cũng được đưa ra để bàn luận.

Trước đây, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội từng nói, địa phương nào để việc vi phạm vỉa hè tràn lan thì sẽ nêu tên người đứng đầu, thậm chí xem xét đánh giá thi đua.

Việc quy trách nhiệm là hoàn toàn chuẩn. Phải công khai danh tính những người làm tốt, những người chưa làm tốt. Nhưng việc đánh giá cần thận trọng, công khai minh bạch.
Mặt khác, cũng cần nhìn lại, vì sao một số người dân cố tình chây ì. Có thể một số người họ thực sự khó khăn về kinh tế, cần một phương án để mưu sinh. Thực tế đó đòi hỏi chúng ta phải có giải pháp đồng bộ.

Bà Bùi Thị An


Về vấn đề này, Thượng tá Uông Viết Thành cho rằng: “Đây thực sự là áp lực nhưng rất đúng. Nếu không giao rõ việc, rõ người thì không thực thi được.

Song có một thực tế, nhiều trường hợp khi bị lực lượng thu bàn ghế, người dân lại mua đồ mới, nhìn thấy công an thì thu bàn vào, công an đi thì lại bày ra. Như vậy, lực lượng chức năng rất khó quản”.

Bàn luận thêm, Thượng tá Lương Anh Tuấn cho rằng, để có thể cụ thể hóa thế nào là vi phạm nhiều, tràn lan, cần phải có đánh giá, sát với tình hình địa bàn.

Bởi vì đặc thù từng địa bàn khác nhau: “Nếu như cả quận Hoàn Kiếm diện tích khoảng 6,8km2 thì quận Long Biên có hơn 63km2, do đó việc định lượng để đánh giá sẽ khác”.

Ông Tuấn cho rằng, còn có hiện tượng nể nang, né tránh trong xử lý vi phạm trật tự vỉa hè. Những người dẹp trật tự vỉa hè thường xuyên tiếp xúc với người dân, nên đôi lúc, đôi nơi vẫn còn né tránh, nể nang.

Tham góp giải pháp để xử lý triệt để, bà Bùi Thị An cho rằng, cần phải gắn trách nhiệm cho người đứng đầu, đồng thời để công an phường này xử lý vi phạm phường kia: “Tôi chưa nói đến có lợi ích nhóm, chỉ riêng việc trong phường quen biết nhau dễ nể nang, du di không xử lý. Rất nên đảo vị trí để anh em làm việc hiệu quả cao hơn”.

Thượng tá Lương Anh Tuấn cho rằng, đề xuất này hoàn toàn có thể thực hiện được, tùy vào sự chỉ đạo, điều hành của từng quận.

Bổ sung thêm, Thượng tá Uông Viết Thành cho biết, giành lại vỉa hè khó khăn có một phần do ý thức của người dân chưa được nâng cao, bởi mỗi người có sự tôn trọng, ý thức chấp hành pháp luật khác nhau.

Theo ông Thành, một khó khăn trong xử lý vi phạm vỉa hè là lực lượng mỏng, để thường xuyên túc trực trên các con đường, ngõ phố thuộc địa bàn quản lý là cả một vấn đề.

Tăng mức phạt, công khai quy hoạch sử dụng vỉa hè

Theo Thượng tá Lương Anh Tuấn, cần phải nâng mức phạt đối với hành vi lấn chiếm vỉa hè thì mới có sự răn đe. Bởi có những lỗi vi phạm hiện nay chỉ bị phạt 100 - 200 nghìn đồng nên nhiều người sẵn sàng vi phạm.

Đồng tình, Thượng tá Uông Viết Thành chia sẻ câu chuyện đi xử lý vi phạm, nhiều người sẵn sàng “bỏ của chạy lấy người”, khi dụng cụ bán nước chè chỉ là một vài cái ghế nhựa, bàn làm bằng xốp. Mức phạt cá nhân vi phạm vỉa hè quá nhẹ, chỉ 100-200 nghìn đồng nên không tạo được sự răn đe.

Trong khi đó, bà Bùi Thị An cho rằng, cần phải thống kê rõ ràng, công khai hiện nay có bao nhiêu người phụ thuộc hoàn toàn vào vỉa hè để kiếm sống mưu sinh từ đó có giải pháp cụ thể: “Không phải ai cũng phụ thuộc hoàn toàn vào vỉa hè để mưu sinh. Chúng ta cần phải điều tra cụ thể để có hướng giải quyết đối với những người này. Công khai để người dân giám sát”.

Một trong những giải pháp mang tính căn cơ và lâu dài được đưa ra là nghiên cứu quy hoạch, thậm chí làm bản đồ sử dụng vỉa hè, từ đó xác định chỗ nào có thể cho kinh doanh trên vỉa hè.

“Nhiều vỉa hè có chiều rộng đến 6m nhưng lại bỏ không thì thật lãng phí. Vì người dân chỉ đi bộ một phần trên đó.

Nếu đồng bộ hệ thống pháp luật thì có thể cho người dân thuê lại để phục vụ mục đích để xe, kinh doanh tạo nguồn thu cho Nhà nước”, Thượng tá Tuấn đề xuất.

Đồng tình với quan điểm này, nhưng bà Bùi Thị An lưu ý, việc cho thuê vỉa hè để mục đích kinh doanh cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng và phải đảm bảo diện tích cho người đi bộ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.