Toàn cảnh Hội nghị tổng kết công tác cải cách hành chính năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018. |
Sáng 8/2, Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ họp trực tuyến tổng kết công tác cải cách hành chính năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018.
Không dùng điện thoại khi kiểm tra đột xuất, tránh gọi điện nhờ vả
Chia sẻ từ góc độ của địa phương, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cũng cho hay, sau khi xảy ra một số vụ việc nổi cộm, gây bức xúc dư luận (như vụ xin giấy chứng tử ở phường Văn Miếu - PV), TP ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ công chức viên chức nên tình hình đã có chuyển biến rõ rệt.
Cùng với đó, Hà Nội cũng làm tốt hơn việc nâng cao chất lượng cán bộ công chức, siết chặt lại kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh khoán xe công…
Đáng lưu ý, Hà Nội đề nghị cần quan tâm hơn tới đời sống, thu nhập của cán bộ công chức, trên cơ sở giao cho địa phương tự chủ trong việc trả lương theo đề án vị trí việc làm.
Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu cho biết Quảng Ninh được là 1 trong 10 thành phố được chọn thí điểm xây dựng thành phố thông minh nên địa phương này cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính. Tuy nhiên, ông cho rằng, hiện đại đến đâu thì hiện đại nhưng đội ngũ cán bộ không tốt thì cũng “khó mà làm được”.
Ngoài ra Quảng Ninh còn có chủ trương tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và thực hiện văn minh công sở.
“Để làm được việc này cũng mất nhiều công sức và chuyện nọ chuyện kia, anh em dị nghị liệu có làm nhiều quá không? Vì đã siết chặt kỷ luật thì phải kiểm tra. Mà kiểm tra theo lịch thì không ổn mà phải kiểm tra đột xuất mới ra được vấn đề” – ông Hậu nói và thông tin, năm vừa qua Quảng Ninh kiểm tra xử lý đến 41 cán bộ, công chức từ cảnh cáo cho đến buộc thôi việc, sa thải, cắt lương và cắt danh hiệu thi đua từ cấp TP đến sở ngành, cấp xã đều bị xử lý. Nhờ đó đã góp phần nâng chất lượng đội ngũ cán bộ của tỉnh.
Xin ra khỏi ngành vì không chịu nổi áp lực công việc
Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Xuân Bình cũng cho biết, thành phố thành lập nhiều đoàn công tác đi kiểm tra công vụ đột xuất. Đặc biệt, khi tham gia vào đoàn kiểm tra này, tất cả các thành viên không được dùng điện thoại, không liên lạc trước để tránh tình trạng nhờ vả và việc này đã có hiểu quả, làm kỷ luật kỷ cương công vụ tang lên, thái độ phục vụ người dân tốt lên.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh thì chia sẻ áp lực trước đây khi ngành bảo hiểm thường xuyên phải làm cả thứ bảy, chủ nhật, thậm chí nhiều anh em phải xin ra khỏi ngành vì không chịu được áp lực công việc. Nhưng khi thực hiện cải cách hành chính, chính bà cũng ngỡ ngàng về những kết quả mà ứng dụng CNTT đã mang lại. Chính vì vậy, bà cho rằng, nếu không cải cách thì chính ngành mình “sẽ chết trước”.
Với việc cải cách, lãnh đạo ngành BHXH cho biết hiện nay anh em đã được giải phóng được sức lao động, chỉ phải làm thứ bảy, còn chủ nhật nghỉ.
Đại diện Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cho biết, trong năm 2017, Bộ Tư pháp đã kiểm tra 5.848 văn bản, phát hiện và đề nghị xử lý 157 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền ban hành.
Ông Dũng cũng thừa nhận, tình trạng ban hành văn bản trái pháp luật có chiều hướng gia tăng, số văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền được phát hiện tăng 21% so với năm 2016.
Sức ỳ trong bộ máy hành chính còn lớn
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình đánh giá công tác cải cách hành chính trong năm qua đã đạt được những kết quả tích cực, tạo nhiều chuyển biến trong hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước các cấp theo hướng kiến tạo, phục vụ.
Cụ thể, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết liên quan đến cải cách hành chính, nhất là về công tác xây dựng pháp luật, đơn giản hóa thủ tục hành chỉnh. Thủ tướng chủ trì 2 cuộc đối thoại với doanh nghiệp. Đồng thời, có nhiều chỉ đạo yêu cầu làm rõ và xử lý các thông tin về vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính và các sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức do cơ quan báo chí đăng tải.
Tổ công tác của Thủ tướng đã phát huy được hiệu quả trong việc theo dõi, đôn đốc các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện các nhiêm vụ, kết luận, chi đạo của Chính phủ, Thủ tưởng giao, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng.
Về cải cách tổ chức bộ máy, các bộ, ngành, địa phương đã thường xuyên rà soát nhằm sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc theo hướng tinh gọn, giảm các đầu mối trung gian, khắc phục các chồng chéo trùng lặp chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm một việc chỉ do một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính.
Nhưng Phó Thủ tướng cũng lưu ý một số tồn tại, như thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; tổ chức bộ máy nhiều nơi vẫn cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế còn khó khăn, vướng mắc, chưa đạt yêu cầu đề ra; triển khai xây dựng Chính phủ điện tử còn chậm.
Theo ông, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do sức ỳ của bộ máy hành chính các cấp trong việc thay đổi thói quen, cách làm cũ còn lớn, còn tình trạng trên nóng dưới lạnh, trên chuyển dưới chưa chuyển và một bộ phận công chức không hoàn thành nhiệm vụ, hạn chế về năng lực, yếu kém ve đạo đức, trở thành lực cản lớn đối với công cuộc cải cách.
Năm 2018, ông đề nghị các bộ, ngành, địa phương phát huy và nâng cao trách nhiệm của ng đứng đầu, làm chuyển biến nhận thức trông toàn hệ thống công quyền, làm cho cán bộ là công bộc của dân, hiểu dân, trọng dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân.
Cùng với đó, đẩy mạnh thực hiện đổi mới, sắp xếp và kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền giải quyết công việc và gắn với tinh giản biên chế.
Đồng thời tập trung cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành, bảo đảm cắt giảm, đơn giản hỏa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh; đều đặn tổ chức đối thoại giữa cơ quan nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp; tăng cường tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để kịp thời hướng dẫn, đôn đốc và tháo gỡ vướng mắc trong công tác theo dõi thi hành pháp luật ở các Bộ, ngành, địa phương.
Đặc biệt, ở các bộ, ngành, người đứng đầu phải lập các tổ công tác thực hiện nhiệm vụ nhằm đảo việc thực hiện kỷ uật kỷ luật kỷ cương hành chính.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận