Đường thủy

Nhiều cảng, bến thủy bị phạt nặng do hoạt động quá hạn

15/09/2022, 14:24

Các cảng vụ đường thủy nội địa phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp cảng, bến thủy hoạt động trái phép.

Nhiều trường hợp bị phạt 50-70 triệu đồng

Khảo sát gần đây trên tuyến sông Lô (Phú Thọ) cho thấy, hoạt động giao thông thủy trên tuyến có sự chuyển biến đáng kể. Tình trạng phương tiện thủy chở quá tải giảm mạnh. Các cảng, bến thủy thường xuyên hơn trong việc bảo trì, bảo dưỡng báo hiệu thủy thuộc khu vực cảng, bến, góp phần bảo đảm ATGT tại cảng, bến thủy.

Ông Nguyễn Đức Minh, Trưởng đại diện Cảng vụ Đường thủy nội địa Phú Thọ (trực thuộc Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực II) cho biết, trong hơn 8 tháng đầu năm, đơn vị chú trọng công tác tuyên truyền pháp luật giao thông đường thủy đến các cảng, bến và phương tiện thủy.

img

Các đại diện Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực II kiên quyết xử lý các vi phạm. Ảnh: Hoạt động vận tải thủy trên sông Lô

Các hình thức tuyên truyền cụ thể gồm cấp phát văn bản quy phạm pháp luật, ký cam kết chấp hành pháp luật giao thông đường thủy, tải trọng đường bộ; phòng chống gian lận thương mại và hàng giả; phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn…

“Đối với cảng, bến, thời gian qua chúng tôi hướng dẫn sát sao trình tự thủ tục công bố lại hoạt động cho các chủ bến; đôn đốc nhiều bến sơn, sửa lại báo hiệu, đăng ký, đăng kiểm thiết bị xếp dỡ, xây dựng quy trình kiểm soát tải trọng phương tiện đường bộ... theo đúng quy định”, ông Minh cho biết.

Để tạo sự chuyển biến trong việc tuân thủ Luật Giao thông đường thủy nội địa, đại diện Cảng vụ Đường thủy nội địa Phú Thọ còn kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cảng, bến thủy hoạt động quá hạn, với số tiền 50-70 triệu đồng mỗi trường hợp.

Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm, 5 bến thủy vi phạm bị phạt với số tiền lên đến 315 triệu đồng, với lỗi khai thác bến thủy hết thời hạn hoạt động. Bao gồm bến Phúc Hải của Công ty TNHH Phúc Hải Phú Thọ, bến Thường Xuyên của Công ty TNHH Thường Xuyên, bến Hồng Lô 1 của Công ty TNHH Hồng Lô (mức phạt 70 triệu/bến).

Cơ sở sửa chữa, đóng mới của Công ty TNHH Hoàng Phúc cũng bị phạt 55 triệu đồng do tổ chức cho phương tiện vào neo đậu tại vị trí chưa được công bố, cấp phép hoạt động cảng, bến thủy nội địa. Cảng Việt Trì bị phạt 50 triệu với lỗi vi phạm tự ý thay đổi kết cấu cầu cảng.

Theo Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực II, ngoài khu vực Phú Thọ, trong 8 tháng đầu năm 2022, một số đại diện trực thuộc khác cũng phát hiện, xử phạt nặng các trường hợp cảng, bến, phương tiện vi phạm. Tổng số đã xử phạt 18 cảng, bến với số tiền 367 triệu đồng và 83 phương tiện thủy với số tiền 439 triệu đồng.

Tạo thuận lợi cho vận tải

Ông Lê Đức Cường, Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực II cho biết, Cảng vụ chỉ đạo các đại diện trực thuộc thực hiện nghiêm túc quy trình kiểm tra, cấp giấy phép cho các phương tiện vào, rời các cảng, bến an toàn theo quy định, không gây ách tắc, đảm bảo lưu thông hàng hóa; thông báo kịp thời tình hình luồng lạch, khí hậu thủy văn cho các chủ phương tiện. Kết quả, trong 8 tháng đầu năm 2022 toàn đơn vị đã kiểm tra và làm thủ tục cho hơn 31.400 lượt phương tiện, bằng 96,6% so cùng kỳ năm trước.

img

Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực II chỉ đạo các đại diện trực thuộc tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật giao thông đường thủy nội địa. Ảnh: Một cảng thủy hành khách trên hồ thủy điện Hòa Bình

Để bảo đảm an toàn trong hoạt động cảng bến và phương tiện thủy tại cảng, bến, trong hơn 8 tháng đầu năm 2022, Cảng vụ chỉ đạo các đại diện trực thuộc tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật giao thông đường thủy nội địa, quy định về phòng, chống dịch Covid-19 và các quy định pháp luật có liên quan.

Đến nay, các đại diện trực thuộc cấp phát văn bản luật, văn bản hướng dẫn luật tới hơn 3.500 lượt chủ phương tiện, chủ cảng, bến và ký cam kết thực hiện pháp luật giao thông đường thủy, đường bộ; ký cam kết chống gian lận thương mại và hàng giả đối với 1.451 chủ cảng, bến, chủ phương tiện thủy.

Đặc biệt, đơn vị đã tổ chức hội nghị tuyên truyền quy định của pháp luật trong hoạt động giao thông đường thủy nội địa tại tỉnh Thái Nguyên để vận động các chủ cảng, bến, doanh nghiệp vận tải tuân thủ Luật Giao thông đường thủy, giữ gìn trật tự ATGT.

Cùng đó, các đại diện, các tổ cảng vụ tăng cường công tác kiểm tra và xử lý các vi phạm, đặc biệt là những trường hợp gây mất TTATGT đường thủy nội địa, là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông đường thủy nội địa như: Phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, thiếu trang thiết bị an toàn, chở hàng quá vạch dấu mớn nước an toàn, chở quá số người được phép chở, thuyền viên, người lái phương tiện không có Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn..., cảng, bến hoạt động quá thời hạn.

Cùng với thực hiện chức năng, nhiệm vụ chính được giao, Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực II tích cực thực hiện công tác phối hợp liên ngành bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa năm 2022; Cử cán bộ tham gia đoàn phối hợp liên ngành kiểm tra công tác bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa tại các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình và Sơn La.

Trong 8 tháng đầu năm 2022, Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực II chủ trì, tham gia 28 đợt phối hợp với các bên như: Thanh tra Sở GTVT, Chi cục ĐTNĐ khu vực I, lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy, chính quyền địa phương kiểm tra việc đảm bảo TTATGT tại địa bàn quản lý.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.