Vận tải

Nhiều cảng biển thoát lỗ nhờ áp mức giá sàn

21/04/2014, 06:23

Tình trạng cạnh tranh gay gắt bằng chiến lược giá khiến các cảng biển khu vực Cái Mép - Thị Vải thua lỗ nặng nề, thu không đủ bù chi… đã cơ bản được giải quyết khi cơ quan chức năng...

Các hãng tàu lớn như NYK, Hapag Lloyd, OOCL, MOL dần đã phải chấp nhận mức giá mới theo quy định tại Quyết định 1661 của Bộ Tài chính
Các hãng tàu lớn như NYK, Hapag Lloyd, OOCL, MOL dần đã phải chấp nhận mức giá mới theo quy định tại Quyết định 1661 của Bộ Tài chính

Hết thời thu không đủ bù chi


Tổng Giám đốc Cảng quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT) Seong Won Hong cho biết, trước khi Bộ Tài chính quyết định áp mức sàn giá dịch vụ xếp dỡ container tại đây, hầu hết các cảng trong khu vực đều rơi vào tình trạng lỗ nặng khi mức giá thỏa thuận không thể bù đắp được chi phí đầu tư cũng như chi phí trả cho các nhà cung cấp hiện hữu. 


“Có thời điểm, giá dịch vụ bốc xếp một container 20’ trong Cái Mép - Thị Vải được kéo xuống chỉ còn 30 USD để thu hút tàu vào trong khi mức giá đủ để bù chi theo tính toán ít nhất phải 50 USD” - Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN Bùi Thiên Thu cho biết. 
 

"Nếu muốn áp mức giá sàn tại cảng Hải Phòng, cần phải có khảo sát cụ thể giá thực tế của từng nhóm mặt hàng, container ra sao, hàng tổng hợp thế nào. Cùng đó phải tính toán xem mức thu chi cân bằng là bao nhiêu, sự cạnh tranh giữa các cảng là do nguyên nhân gì”.

 

Ông Bùi Thiên Thu 
Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN

Hiện tại, theo đánh giá của Cục Hàng hải VN, mức giá 46 USD/container 20’, 68 USD/container 40’ và 75 USD/container trên 40’ theo Quyết định 1661 của Bộ Tài chính đã giúp các doanh nghiệp bù đắp được toàn bộ giá thành dịch vụ bốc dỡ container và một phần chi phí đầu tư cảng. Cũng theo Cục này, sản lượng xếp dỡ container của các cảng trong 6 tháng sau khi áp dụng Quyết định 1661 đã tăng đáng kể, doanh thu cũng tăng thêm tới 4,3 triệu USD.

“Trong thời gian tới, sản lượng và doanh thu sẽ tiếp tục tăng do hãng tàu đã thay tàu chạy tuyến nội Á (khu vực châu Á) có trọng tải nhỏ bằng tàu trọng tải lớn từ 3.000 - 4.000 TEU. Với trọng tải này, tàu sẽ không thể cập các cảng khu vực TP HCM mà chỉ có thể vào Cái Mép - Thị Vải” - ông Thu phân tích. 


“Việc áp mức sàn giai đoạn đầu đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ các chủ tàu” - ông Thu cho biết thêm. Tại TCIT, thời gian đầu, các hãng tàu đã từ chối thanh toán các hóa đơn phát hành theo quy định giá sàn. Có thời điểm, tổng công nợ tại TCIT lên tới hơn 160 tỷ đồng. Ngoài ra, hãng tàu cũng từ chối thanh toán các dịch vụ liên quan khác bao gồm vận chuyển sà lan, tàu lai dắt, phí cầu bến”.


Tình trạng này cũng đã diễn ra tại hai cảng liên doanh của Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines) là CMIT và SP-PSA. “Trong những tháng đầu, các hãng tàu G6 (NYK, Hapag Lloyd, OOCL, MOL, Hyundai Merchant, APL) phản ứng bằng cách chậm thanh toán. Tuy nhiên, việc này hoàn toàn chấm dứt từ tháng 1/2014” - Phó Tổng giám đốc Vinalines Vũ Khắc Từ cho biết.

Nghiên cứu áp dụng mô hình Chính quyền cảng 


Mới đây, trong buổi làm việc của Bộ trưởng Đinh La Thăng với cảng Hải Phòng, ông Nguyễn Hùng Việt - Tổng Giám đốc cảng Hải Phòng cũng đề xuất được áp dụng mức giá tối thiểu tại các cảng biển trong khu vực để giải quyết tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh bằng cách giảm giá tại đây.

Về vấn đề này, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Bùi Thiên Thu cho biết, tại cảng biển khu vực Hải Phòng, dù cũng có sự chênh lệch giữa cảng này với cảng kia về mức giá dịch vụ bốc xếp nhưng cơ bản vẫn cân đối được cung, cầu. 


“Tại Cái Mép - Thị Vải, công suất khai thác chỉ đạt khoảng 15% nên các cảng giảm giá để thu hút đầu vào. Ở Hải Phòng thực tế lại chưa đến mức như vậy. Sự chênh lệch cung, cầu tuy có nhưng cũng ở mức độ vừa phải và nếu có, cũng chỉ với mặt hàng tổng hợp” - ông Thu phân tích.


Liên quan tới việc áp mức giá sàn dịch vụ xếp dỡ container tại cảng biển, Tổng thư ký Hiệp hội Cảng biển VN Hồ Kim Lân cho rằng, việc áp mức giá sàn hay không, cần khảo sát, tính toán cụ thể. Tuy nhiên, theo ông Lân, để có thể giải quyết tận gốc vấn đề cho các cảng biển trên cả nước, cần nhanh chóng nghiên cứu áp dụng mô hình Chính quyền cảng. “Khi có Chính quyền cảng, cơ quan này sẽ quyết định mức giá cụ thể cho từng loại dịch vụ, khi đó, sẽ không sợ cao hay thấp, hạ giá hay không. Mô hình này đã và đang được áp dụng tại hầu khắp các cảng trong khu vực cũng như trên thế giới” - ông Lân nhấn mạnh.

Thanh Bình
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.