Y tế

Nhiều cặp vợ chồng quân nhân khao khát tìm con

05/12/2022, 06:30

Theo thống kê, hiện nay, tại các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam có hơn 3.000 quân nhân hiếm muộn.

Niềm mong ngóng "tiếng cười trẻ thơ" của những quân nhân xa nhà

Từ nhiều năm nay, gia đình nhỏ Thượng uý Quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Ngô Văn Cường và Thượng uý QNCN Nguyễn Thị Hạnh (cả hai đều công tác tại Kho K812, Cục Quân khí, Tổng cục Kĩ thuật) ở Nghệ An luôn khao khát tiếng cười trẻ thơ.

Hai vợ chồng anh Cường kết hôn từ năm 2014, trải qua ba lần thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm nhưng vẫn chưa được đón nhận niềm hạnh phúc làm cha làm mẹ. 8 năm ngược xuôi, trải qua biết bao đau đớn, khó khăn, vất vả, can thiệp y khoa nhưng rồi ước mơ có con cứ dần xa tầm với.

img

Cặp vợ chồng Thượng úy Sùng A Dình 8 năm mong ngóng tin vui

Nước mắt nuốt ngược vào trong khi anh Cường nhớ lại giây phút ước mơ “vang tiếng cười con trẻ trong ngôi nhà nhỏ” vuột trôi khi vợ chồng anh những tưởng sắp chạm tới.

Đó là thời gian anh Cường đếm từng ngày, từng giờ theo dõi sát sao mầm sống trong bụng chị, để rồi ở tháng thứ 6 thai kỳ, giữa đêm lạnh anh ôm chặt vợ vào lòng vượt hơn 100km cấp cứu.

“Khi bác sĩ thông báo, buộc phải phẫu thuật lấy thai bởi sản phụ đối mặt nguy cơ vỡ tử cung, chậm là tử vong mà tôi như muốn khụy xuống”, anh Cường chia sẻ.

Không còn sự lựa chọn này khác anh Cường phải ký giấy đồng ý phẫu thuật, thai nhi sinh non được các bác sĩ hết lòng cấp cứu nhưng đáng tiếc chỉ 2 ngày sau không qua khỏi. Đó là nỗi day dứt khôn nguôi trong lòng anh.

Chưa dừng lại ở đó, đôi vai của cặp vợ chồng quân nhân còn thêm phần nặng trĩu vì nỗi buồn cứ ập đến liên tiếp với gia đình anh chị. Bố và em trai chị Hạnh đã mất vì ung thư, mẹ chị lại là người tiếp theo mắc căn bệnh này.

Còn với gia đình Thượng uý Sùng A Dình (công tác tại Đồn biên phòng Mường Nhé thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Điện Biên) và vợ Hờ Thị Vá (Bản Nậm San, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên), đều là người dân tộc Mông, kết hôn đã 8 năm vẫn chưa có tin vui.

Năm 2014, sau khi kết hôn, anh Sùng A Dình được điều động công tác ở nước bạn Lào, rồi đến các điểm bản xa, 2 – 3 tháng mới về thăm nhà một lần. Ít có thời gian ở bên nhau cộng thêm kinh tế khó khăn nên đến năm 2017, hai vợ chồng mới có điều kiện để thăm khám và biết rõ bệnh tình của mình.

Tại thời điểm đó, bao hy vọng, số tiền tích cóp, thậm chí phải vay lãi ngân hàng anh chị dồn vào thực hiện Thụ tinh trong ống nghiệm nhưng chưa thành công. “Tôi vẫn nhớ mãi lần chuyển phôi đó, sau 2 tuần mong ngóng, kết quả là cái lắc đầu của bác sĩ khiến cả hai vợ chồng suy sụp, chỉ biết ôm nhau khóc”, anh Dình cho hay.

“Kinh tế quá eo hẹp khiến cả hai vợ chồng không còn dám nghĩ đến việc tiếp tục can thiệp, đôi lúc chúng tôi tự nhủ, thôi ông trời không thương thì đành nhận con nuôi vậy. Thế rồi, mới đây chúng tôi nhận tin vui được hỗ trợ 100% can thiệp thụ tinh trong ống nghiệm. Hạnh phúc quá”, anh Dình chia sẻ.

Đây là 2 trong số nhiều cặp vợ chồng quân nhân hiếm muộn vừa may mắn nhận được sự hỗ trợ 100% kinh phí thụ tinh ống nghiệm từ Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, trong khuôn khổ chương trình “Yêu thương lan toả” năm thứ 2.

Năm đầu tiên triển khai (2021), trong số 10 gia đình nhận hỗ trợ, đã có 6 em bé chào đời, một số gia đình đang trong những tháng cuối của thai kì, số còn lại đang chờ chuyển phôi cũng như nhận được sự hỗ trợ tối đa từ bệnh viện.

Hạnh phúc đón trái ngọt

Nhận hỗ trợ 100% chi phí Thực hiện Thụ tinh trong ống nghiệm năm 2021, gia đình Thiếu tá Hoàng Đức Cảnh (công tác tại Phòng hậu cần - Sư đoàn 316) và chị Đặng Thị Hoài Trang (xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) đã chào đón sự ra đời của 2 bé gái đáng yêu và ngày 2/11/2022.

img

Vợ chồng Thiếu tá Hoàng Đức Cảnh cùng hai con Tuệ An và Tuệ Nhi (1 tháng tuổi)

Trước đó, anh chị Cảnh – Trang cũng đã bước trên hành trình tìm con được 8 năm kể từ khi kết hôn vào năm 2013. Sau ba lần không may sảy thai, lặn lội thăm khám tại nhiều bệnh viện để tìm con, gia đình anh được đồng đội động viên, quyết định làm hồ sơ và may mắn nhận được hỗ trợ thụ tinh miễn phí.

Ngay trong lần chuyển phôi, hạnh phúc đã mỉm cười với tổ ấm nhỏ của anh Cảnh.

Còn với gia đình Thượng úy Vừa A Ninh (Đội trưởng Đội Trinh sát, Đồn Biên phòng Na Cô Sa, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên) và chị Vàng Thị Hoa (Bản Nậm Kè, Huyện Mường Nhé, Tỉnh Điện Biên) đang đếm từng ngày cuối của thai kỳ để đón con yêu chào đời.

Vợ chồng anh Vừ A Ninh kết hôn năm 2017 nhưng do đặc thù công việc, chồng là Bộ đội Biên phòng, vợ là giáo viên mầm non; cả 2 thường xuyên phải đi công tác, làm việc tại các điểm bản xa. Thêm vào đó, kinh tế khó khăn cũng khiến hành trình tìm con của hai vợ chồng dường như phải gác lại để lo toan cuộc sống. Năm 2021, biết đến chương trình hỗ trợ 10 ca Thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí vợ chồng anh Ninh đã nộp hồ sơ và may mắn được nhận gói hỗ trợ này.

Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần khi mọi nhà quây quần quanh mâm cơm đoàn tụ là lúc vợ chồng anh túc trực ở bệnh viện để tiếp bước trong hành trình tìm kiếm con. Đó là một cái Tết thật đặc biệt của hai vợ chồng bởi sau bao lần khó khăn, hy vọng rồi lại thất vọng trong hành trình đi tìm con, "trái ngọt" đầu tiên đã đơm hoa, kết trái với gia đình anh chị.

Được biết, hiện nay, toàn quân có hơn 3.000 quân nhân hiếm muộn đang công tác tại các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam. Với đặc thù thường xuyên phải công tác xa gia đình, thực hiện nhiệm vụ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nơi biên cương, hải đảo,… đứa con chính là sợi dây gắn kết giữa những người lính nơi tiền tuyến xa xôi với hậu phương nơi quê nhà.

Chương trình hỗ trợ quân nhân hiếm muộn “Yêu thương lan toả” sau 2 năm tổ chức đã có hơn 1.000 lượt quân nhân hiếm muộn được hỗ trợ; nhiều gia đình đã đón con yêu thành công trong niềm hạnh phúc thiêng liêng của cha mẹ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.