Xã hội

Nhiều chuyến bay tới Vinh, Thanh Hóa bị huỷ do ảnh hưởng bão số 7

14/10/2020, 10:04

Thanh Hóa và Nghệ An đang rốt ráo, tập trung triển khai các biện pháp kêu gọi tàu thuyền vào bờ an toàn, chằng chống nhà cửa ứng phó bão số 7.

img
Các tàu thuyền ở Nghệ An đã vào nơi tránh trú an toàn

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, đến chiều ngày 13/10, toàn tỉnh có 7.194 phương tiện nghề cá, với 26.532 lao động đã về bến an toàn; còn lại 17 phương tiện với 84 lao động đang hoạt động trên vùng biển Thanh Hóa. Các phương tiện đều nắm được thông tin, diễn biến của bão số 7 và giữ liên lạc với bờ bình thường.

Hiện nay, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa tiếp tục chỉ đạo các đồn biên phòng tuyến biển thông báo, kêu gọi, hướng dẫn 17 phương tiện đang hoạt động trên biển khẩn trương vào bờ để tránh trú bão an toàn.

img
Theo Đài Khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ, từ sáng nay (14/10), trên vùng biển khu vực Bắc Trung Bộ gió mạnh dần lên cấp 7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 - cấp 10

Liên quan đến công tác phòng chống bão số 7, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công điện khẩn yêu cầu lãnh đạo các địa phương, sở ngành, đơn vị liên quan tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa, lũ; thông tin, cảnh báo kịp thời đến chính quyền địa phương và người dân biết để chủ động triển khai các biện pháp phòng, tránh, ứng phó có hiệu quả, tránh tư tưởng chủ quan.

Sáng 14/10, Cục Hàng không Việt Nam cũng cho biết, vừa có chỉ đạo về việc đóng cửa các sân bay Vinh (Nghệ An), Thọ Xuân (Thanh Hóa) từ 12h đến hết 21h ngày 14/10 do ảnh hưởng của bão số 7 (tên quốc tế là NANGKANG). Bên cạnh đó, hàng loạt chuyến bay tới Vinh, Thanh Hoá đã bị huỷ và điều chỉnh thời gian khai thác do ảnh huởng của cơn

Trên đường bộ, ông Nguyễn Thanh Hoài - Phó cục trưởng Cục QLĐB II cho biết: Riêng địa bàn các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, ngay từ đợt mưa lũ trước Cục đã triển khai nhanh các công tác ứng trực và khắc phục hậu quả. Hiện tại Cục trưởng và 1 cục phó đang bám hiện trường chỉ huy công tác khắc phục các điểm sạt lở, đứt đường, tắc đường. Trước mắt ưu tiên huy động xe máy thiết bị nhân lực để hót dọn đất đá vệt 3,5m để thông xe bước 1. Các điểm ngập đều được lập barie rào chắn và có lực lượng TTGT chốt trực, chỉ khi nước rút đảm bảo an toàn mới cho xe đi.

“Còn tại các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá, do bão đang tiến sát bờ biển và có nguy cơ đổ bộ trực tiếp vào khu vực này nên Cục đã chỉ đạo các chi cục, các phòng ban và đơn vị quản lý đường bộ, ngay từ đêm qua đã bố trí người trực gác tại các điểm xung yếu như: cầu tràn, cầu treo sông Giăng (ql46), các điểm có nguy cơ sạt lở, ngập úng tại QL1m QL8, Ql7, QL12C, đường Hồ Chí Minh... Trên tinh thần phương châm “4 tại chỗ” các đơn vị đã chuẩn bị sẵn các trang thiết bị cần thiết, sẵn sàng đóng đường khi có sự cố, đồng thời triển khai ngay các biện pháp khắc phục nếu xảy ra sạt lở", ông Hoài cho biết.

Sáng 14/10, theo ghi nhận của PV tại khu vực ven biển thị xã Cửa Lò, công tác phòng chống bão đang được tích cực triển khai. Tại khu vực các kiôt kinh doanh dịch vụ du lịch, nhà hàng ăn uống, người dân đang tập trung chằng chống mái bằng các bao cát, thanh gỗ và dây thép. Các thuyền thúng của ngư dân cũng được đưa lên xa bờ phòng trường hợp nước dâng. Lực lượng chức năng của địa phương cũng tích cực tham gia giúp nhân dân chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền tránh trú bão.

Hiện tại tỉnh Nghệ An đã ban hành lệnh cấm biển, 100% tàu thuyền được kêu gọi về bờ và di chuyển vào các khu tránh trú bão. Ở khu vực cảng biển, lực lượng Cảng vụ hàng hải Nghệ An cũng đã hướng dẫn các tàu biển di chuyển vào khu neo đậu tránh trú bão, đồng thời chuẩn bị sẵn các phương tiện, trang thiết bị để thực hiện công tác phòng chống bão, tìm kiếm cứu nạn khi có sự cố xảy ra. Công tác sơ tán dân cũng đang được triển khai tại một số huyện thị như: Tx Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu.

Ghi nhận tại Thanh Hóa, các huyện ven biển của tỉnh này đã thực hiện việc cấm biển từ chiều 13/10. Ngư dân đã cho tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn. Đồng thời, người dân đã chằng chống nhà cửa trước khi bão số 7 đổ bộ vào đất liền.

img
Ngư dân TP Sầm Sơn, Thanh Hóa đang đưa thuyền lên đường để tránh bão

Anh Phạm Văn Tuấn, ở xã Nghi Sơn, Thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) cho biết: Nhà tôi có mấy lồng nuôi cá ở vịnh, nghe tin bão, gia đình từ hôm qua đến nay đã dùng lưới vây và di chuyển lồng vào sâu phí trong vịnh để đảm bảo an toàn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.