Giao thông

Nhiều đại biểu tán thành chủ trương cần 1 cảng hàng không hiện đại

30/10/2014, 08:26

Hôm qua (29/10), báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế khẳng định, hầu hết đại biểu Quốc hội tán thành chủ trương có một cảng hàng không quốc tế hiện đại đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không...

Sơ đồ mạng đường bay quốc tế dự kiến đến CHK quốc tế Long Thành
Sơ đồ mạng đường bay quốc tế dự kiến đến CHK quốc tế Long Thành

Giảm vốn ngân sách và ODA

Sáng 29/10, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không (CHK) quốc tế Long Thành. Theo đó, tổng mức đầu tư của cả ba giai đoạn lần đầu được công bố chi tiết là 18,7 tỷ USD. Trong giai đoạn đầu, các báo cáo trước đó cho biết, phần vốn ngân sách là hơn 24 nghìn tỷ đồng. Riêng chi phí GPMB chiếm 20.770 tỷ đồng. Nay trong phần bổ sung của Chính phủ (cập nhật số liệu từ tỉnh Đồng Nai), con số nêu trên chỉ còn 18.537 tỷ đồng.

ĐB Ngô Văn Minh - Quảng Nam:

Chưa thấy cam kết giữ đúng hạn mức đầu tư

“Dự án này chia thành nhiều giai đoạn mà Chính phủ mới báo cáo giai đoạn 1 là 8 tỷ USD, nhưng tôi băn khoăn là giai đoạn 2 sẽ thế nào, giai đoạn 3 hình thù ra sao? Trong báo cáo cũng chưa thấy cam kết của Chính phủ rằng sẽ giữ đúng hạn mức đầu tư. Thứ hai, là việc dự báo lượng hành khách liệu có chính xác không, rồi việc cạnh tranh với các sân bay khác trong khu vực sẽ thế nào khi mà các nước cũng có những lợi thế riêng của họ. Ngoài ra là đời sống người dân vùng dự án. Chúng ta dự kiến thu hồi 5 nghìn ha đất, hơn 14 nghìn người trong vùng dự án. Tính toán thù hồi, đền bù, thì tôi nghĩ là ổn rồi, nhưng còn nơi ăn, chốn ở, sinh kế của những người này thế nào?”.

ĐB Trương Văn Vở - Đồng Nai:

Cử tri Đồng Nai mong dự án triển khai sớm

“Không phải tôi là ĐBQH Đồng Nai mà tôi nói cho Đồng Nai. Đây là nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Nai qua tiếp xúc cử tri và các lần làm việc để triển khai quy hoạch theo quy định của Nhà nước. GPMB ở Đồng Nai có thể nói là đã sẵn sàng hết rồi, không có vấn đề gì cả và cử tri vẫn kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ là sớm triển khai dự án. Cử tri đang chờ đợi vì đã sẵn sàng rồi, quy hoạch đã có lâu rồi, nếu làm không kịp thời, làm chậm là không đúng theo quy định của Luật Đất đai”.

Như vậy, phần tiền dành cho mặt bằng sạch đã giảm hơn 2.200 tỷ so với dự trù. Điều này giúp số vốn từ ngân sách sử dụng cho giai đoạn 1 chỉ còn hơn 21.800 tỷ đồng (giảm hơn 2 nghìn tỷ so với trước). Để giảm phần vốn ngân sách phải chi giai đoạn 1, Chính phủ cũng đề nghị cho phép Tổng công ty Cảng Hàng không VN (ACV) được sử dụng tiền từ cổ phần hóa để trả cho GPMB với con số dự kiến thu được là 5 nghìn tỷ đồng. Như vậy, từ chỗ ngân sách dự kiến chi 11 nghìn tỷ cho GPMB trong giai đoạn đầu, nay hạ xuống còn 6 nghìn tỷ đồng.

Đối với vốn ODA, Tờ trình cập nhật của Chính phủ cho biết, tỷ lệ này trong giai đoạn 1 chiếm 29,1% tương đương 47.859 tỷ đồng. Do đó, tổng tiền đầu tư từ ngân sách và vốn ODA trong giai đoạn 1 chỉ còn tương đương 70 nghìn tỷ, giảm mạnh so với con số 84.600 tỷ dự kiến ban đầu.

Báo cáo thẩm tra về dự án, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu khẳng định, Báo cáo đầu tư dự án CHK quốc tế Long Thành đã đáp ứng những nội dung chủ yếu theo yêu cầu của giai đoạn lập báo cáo đầu tư (báo cáo tiền khả thi) quy định tại Nghị quyết 49 của Quốc hội. Báo cáo được lập trên cơ sở các quy hoạch phát triển của ngành đã được phê duyệt.

Dự án đã được xác định trong danh mục kế hoạch và quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của tỉnh Đồng Nai mà Chính phủ đã phê duyệt. Về hồ sơ và trình tự thủ tục dự án trình QH, Ủy ban Kinh tế cho rằng đã đảm bảo các danh mục tài liệu. Nhất là về sự cần thiết đầu tư dự án, Ủy ban Kinh tế khẳng định: “Hầu hết các ý kiến tán thành chủ trương của Đảng và Nhà nước, nước ta cần có một CHK quốc tế hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, gắn với nhiệm vụ quốc phòng - an ninh”. Chính vì vậy, theo Ủy ban Kinh tế QH, dự án CHK quốc tế Long Thành khi hoàn thành, đưa vào khai thác sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước nói chung và của khu vực phía Nam nói riêng.

Theo ông Nguyễn Văn Giàu, tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế ngày 23/10, có 19/19 ý kiến tán thành với chủ trương đầu tư xây dựng CHK quốc tế Long Thành.

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng và các đại biểu bên hành lang QH sáng 29/10Ảnh: Lã Anh
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng và các đại biểu bên hành lang QH sáng 29/10

Nhiều câu hỏi sẽ tiếp tục được làm rõ

Trong bối cảnh quốc tế và khu vực, cũng như tình hình kinh tế của đất nước, Ủy ban Kinh tế của QH đề nghị làm rõ hơn sự cần thiết, tính cấp thiết, xác định thời điểm phải xây dựng CHK quốc tế Long Thành; Tính hợp lý, hiệu quả, khả thi về nguồn vốn đầu tư của toàn bộ dự án, phương thức huy động vốn và phân kỳ đầu tư; Xác định rõ phần vốn đầu tư của Nhà nước trong dự án trên cơ sở cân đối tổng vốn đầu tư của Nhà nước cho đầu tư phát triển nói chung, cho ngành GTVT nói riêng.

Khả năng tham gia của các nhà đầu tư tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài. Đánh giá toàn diện các mặt tác động của dự án đối với vấn đề nợ công; Tác động của CHK quốc tế Long Thành đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển của ngành Hàng không Việt Nam nói riêng; Đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù trình Quốc hội xem xét, quyết định khi thông qua chủ trương đầu tư dự án.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ làm rõ tổng mức đầu tư, phương án huy động vốn, phân kỳ đầu tư, hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án? Chẳng hạn, nếu tính cả ba giai đoạn thì tổng mức đầu tư sẽ rất lớn (khoảng 18,7 tỷ USD) thì dự toán mức đầu tư cho giai đoạn 1 là bao nhiêu và mức độ chính xác (sai số) thế nào? Cùng đó, các dự án thuộc hệ thống hạ tầng kết nối với CHK quốc tế Long Thành cần được tính toán, cân đối cùng với tổng vốn đầu tư CHK này ra sao? Trong khi đó, về phương án huy động vốn, việc đầu tư xây dựng CHK quốc tế Long Thành sử dụng nguồn vốn Nhà nước, vốn vay trong bối cảnh nợ công tăng nhanh và ngân sách Nhà nước khó khăn thì tính khả thi cũng cần phải làm rõ.

Theo ĐB Nguyễn Hữu Quang (Thanh Hóa), để đáp ứng yêu cầu phát triển và vị thế của Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tôi hoàn toàn ủng hộ việc có một CHK tầm cỡ, quy mô 100 triệu khách/năm. Và ngay từ giờ, chúng ta đã phải nghĩ và bàn về một dự án như thế, nhưng vấn đề khi nào triển khai lại phải tính toán những tác động của dự án đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước như thế nào. “Khi một dự án chứng minh được hiệu quả, chúng ta không lo đến nguồn vốn từ đâu, bởi với những nhà đầu tư, khi họ bỏ ra một đồng, họ đều tính toán rất kỹ”, ông Quang nói.

Thiện Anh - Minh Thành

Gọi vốn nước ngoài nhưng ta phải tự chủ

Ông Hoàng Ngọc Diêu, người đã ba lần đảm nhận vị trí Tổng Cục trưởng Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam trong thời gian từ năm 1976 đến 1987 khẳng định: CHK quốc tế Tân Sơn Nhất chỉ được thiết kế tới 9 triệu khách/năm. Giờ đã gấp đôi con số ấy mà nhiều người còn muốn nâng lên gấp bốn nữa thì quá phi lý, nhất là trong bối cảnh quỹ đất không còn, nhà cửa đã áp sát Tân Sơn Nhất, đường ùn tắc triền miên.

Việc tận dụng tối đa đất hiện có của CHK quốc tế Tân Sơn Nhất (kể cả đất quân sự) để tăng số lần cất - hạ cánh là rất khó, chưa kể ở đây không có hệ thống giao thông kết nối đủ để giải tỏa lượng khách lớn như vậy. Hơn nữa, có cố gắng đến đâu thì Tân Sơn Nhất vẫn chỉ là một CHK chắp vá, không thể cải thiện mức độ an toàn và chất lượng dịch vụ.

Với mật độ cất hạ cánh máy bay vận tải cỡ lớn lên cả nghìn chiếc/ngày sẽ gây độ ồn rất cao, quan trọng hơn nếu máy bay xảy ra tai nạn trên thành phố, thì hậu quả rất lớn.

Theo ông Diêu, Long Thành đã được nhắm đến từ lâu nhưng chỉ mới được đặt vấn đề đầu tư cách đây 10 năm. Tôi rất tiếc, nếu ta xây dựng CHK quốc tế Long Thành sớm, từ khoảng 5 năm trước thì đã không bị động như hôm nay. Theo ông Diêu, CHK ở Long Thành có thể nói là một vị trí đắc địa, ở mặt tiền của biển Đông, có thể trở thành một trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của các đường bay Đông Tây - Bắc Nam. Bắc đi Trung Quốc, Nhật Bản. Nam thì đi Australia, phía Tây thì nối liền với châu Âu. Chúng ta sẽ ở điểm cuối của các hành trình dài và các hãng hàng không đều muốn thiết lập các đường bay qua đây để có thể lấy thêm khách.

“Về dự án, tôi đã bày tỏ với Bộ trưởng Đinh La Thăng, vì ta còn nghèo nên xây dựng cần lộ trình phù hợp với dự báo lưu lượng khách tăng trưởng hàng năm. Kinh phí phải tính lại rất chặt chẽ. Đặc biệt là dù dùng hình thức nào để gọi được vốn nước ngoài thì ta cũng phải tự chủ và không lệ thuộc”, ông Diêu nói.

N.A

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.