Kỳ 1: Đoàn xe không biển số cày nát đường, tàn phá môi trường
Kỳ cuối: Chủ đầu tư nói gì?
Không chỉ sử dụng đoàn xe cũ nát, hết hạn đăng kiểm, dự án thủy điện Phú Tân 2 đã tổ chức thi công khi bản Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) điều chỉnh chưa được phê duyệt.
Chưa thuê xong đất đã thi công
Xe cẩu mang BKS 60C - 449.22 lấy đá tại thủy điện Phú Tân 2 và chuyển ra ngoài
Sáng 12/4 trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT) tỉnh Đồng Nai cho biết, báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án thủy điện Phú Tân 2 thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ TN&MT. Bộ TN&MT đã có Quyết định số 1158 phê duyệt báo cáo của chủ đầu tư ngày 1/6/2022.
“Sở TN&MT Đồng Nai chỉ tiếp nhận Quyết định và xác định đã có đánh giá tác động môi trường theo thủ tục hành chính chứ Sở cũng không có bản báo cáo này của chủ đầu tư”, ông Bình nói.
Khi được hỏi từ trước đến nay, Sở TN&MT Đồng Nai có kiểm tra giám sát quá trình thi công của thủy điện Phú Tân 2 hay không, ông Bình cho biết: “Chưa, bây giờ là lần đầu chúng tôi lập đoàn kiểm tra sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh”.
Trước đó, chiều 5/4, ông Võ Văn Phi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai trực tiếp tiếp nhận các nội dung phản ánh từ PV Báo Giao thông. Ông Phi cho biết: “Hiện chỉ mới có thông tin chủ đầu tư dự án thủy điện Phú Tân 2 xin phép Sở TN&MT xem xét cho vận chuyển đá từ công trình ra ngoài để cung cấp cho một số công trình khác gần đó. Tuy nhiên, chưa được chấp thuận”.
Thay đổi công suất nên phải lập lại ĐTM
Xe ben BKS 60C - 317.99 vận chuyển đá ra khỏi thủy điện Phú Tân 2
Liên quan đến vụ việc này, chiều 17/4, ông Đặng Tất Thành, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Ani (chủ đầu tư thủy điện Phú Tân 2), đồng thời cũng là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sông Đà 505 (nhà thầu thi công) đã thông tin đến Báo Giao thông về quá trình thi công dự án.
Theo ông Thành, bản Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của thủy điện Phú Tân 2 đã lập từ năm 2018, sau đó có thay đổi về công suất nên chủ đầu tư lập lại bản ĐTM khác. Đến tháng 6/2022, Bộ TN&MT mới phê duyệt bản ĐTM thay đổi của chủ đầu tư.
Trước đó, theo phản ánh của người dân, dự án đã bắt đầu thi công từ đầu năm 2022. Khoảng tháng 4/2022, Công ty CP Ani Power đã đổ bê tông và xây dựng rầm rộ trên địa bàn thuộc 3 xã Phú Tân, Phú Vinh và Thanh Sơn thuộc huyện Định Quán. Tức là thời điểm này chưa có ĐTM điều chỉnh được phê duyệt nhưng chủ đầu tư đã cho triển khai dự án trên thực địa.
3 tháng sau, Phòng TN&MT huyện Định Quán mới phát hiện và kiểm tra, ra quyết định xử phạt Công ty CP Ani Power về hành vi “lấn chiếm, sử dụng đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp để xây dựng hạng mục công trình”, tổng số tiền phạt là hơn 191 triệu đồng.
Lý giải về việc bị xử phạt, ông Đặng Tất Thành cho biết: “Thủ tục thuê đất kéo dài nên một số công việc chuẩn bị mặt bằng thi công, nhà thầu đã triển khai trước. Làm thủy điện nhiều lúc chịu ảnh hưởng của mưa lũ, có hạng mục lúc mùa khô không làm, đến mùa mưa không làm được nữa. Khi quản trị tiến độ dự án cũng còn một số thiếu sót”.
Không đặt mục tiêu lấy lợi nhuận khai thác đá tận thu
Khung cảnh nhộn nhịp trước trạm nghiền của thủy điện Phú Tân 2
Theo quy định về đánh giá tác động môi trường, tất cả chất thải rắn trong quá trình thi công phải tập kết đúng vị trí, chỉ được phép tận dụng, sử dụng cho công trình dự án khác khi được cơ quan chức năng chấp thuận.
Tuy nhiên, trong nhiều ngày điều tra thực tế, PV ghi nhận có việc đá khai thác trong quá trình thi công thủy điện Phú Tân 2 được đưa ra ngoài khu vực công trường bởi các xe tải. Trong vai người mua đá, PV cũng đã liên hệ với đầu mối trực tiếp giao dịch các loại đá có tại thủy điện Phú Tân 2, được báo giá từ 130.000 đồng/m3.
Theo xác minh của PV, tại địa bàn huyện Định Quán, hàng loạt công ty, cửa hàng vật liệu xây dựng đã mua đá tuồn từ thủy điện Phú Tân 2 ra trong suốt thời gian dài. Khảo sát giá đá tại mỏ từ mỏ Soklu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (có nguồn gốc), đá tương tự ở dự án thủy điện Phú Tân 2 dao động từ 150.000 - 165.000 đồng/m3.
Về việc đá từ công trình thi công được vận chuyển ra ngoài để bán, ông Đặng Tất Thành cho biết: “Công ty đã có chủ trương xin địa phương tận thu sản phẩm để làm vật liệu nhưng đến nay vẫn chưa được chấp nhận. Huyện cũng có văn bản xin tận thu đá để phục vụ thi công các tuyến đường giao thông, công trình trên địa bàn. Chủ đầu tư cũng đồng tình với chủ trương này của huyện.
Mục tiêu của chủ đầu tư không phải đưa đá ra ngoài để bán. Bởi chi phí nghiền sàng ra đá khá cao, chủ đầu tư không lấy lợi nhuận gì từ việc này”.
Khi được hỏi đã có chủ trương chấp thuận đưa đá ra ngoài cung cấp cho các dự án của huyện chưa, ông Thành nói: “Một số yêu cầu cấp thiết phụ vụ thi công cho các công trình địa phương như nhà văn hóa, đường nội đồng… mà địa phương yêu cầu, nhà thầu cũng cung cấp. Chúng tôi không có mục tiêu lấy lợi nhuận cho việc khai thác đá tận thu.
Theo đề án mà chúng tôi được duyệt, ngoài số lượng đá tập kết trong bãi thải, phần còn lại vận chuyển ra bên ngoài để tận dụng làm vật liệu xây dựng thông thường. Tiến độ dự án rất khẩn trương, cả một năm rồi làm thủ tục xin chủ trương nhưng bị chậm. Áp lực phải đẩy đá thanh thải ra ngoài để có mặt bằng thi công công trình chính là có, chứ chúng tôi cũng không có chủ trương thu lợi gì từ việc đưa đất đá ra ngoài”.
“Dự án đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng, mục đích chính là làm sao đảm bảo tiến độ, sớm đưa vào vận hành. Khi đưa vào vận hành, phát điện, mỗi năm nhà máy nộp vào ngân sách Nhà nước cả trăm tỷ đồng tiền thuế”, ông Thành nói thêm.
Đại diện Đội cảnh sát kinh tế, Công an huyện Định Quán cho biết, đã mời làm việc đối với các cá nhân liên quan đến việc vận chuyển đá khai thác trong quá trình thi công dự án ra ngoài công trường.
Ban đầu, đại diện đơn vị thi công cho biết, đây là hành vi xuất phát từ một cá nhân quản lý khu trạm nghiền đá. Đơn vị trao đổi lại với cơ quan quản lý TN&MT của huyện, xác định cam kết bảo vệ môi trường của dự án thủy điện Phú Tân 2 đã có hay chưa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận