Xã hội

Nhiều dấu hỏi từ việc phà Cát Lái thu phí xe máy “quên” quẹt thẻ

22/09/2022, 07:02
image

Luật sư cho rằng việc thu phí xe máy “quên” quẹt thẻ tại phà Cát Lái không tránh khỏi thất thoát, lộ ra nhiều điểm sai.

Trong những ngày qua, Báo Giao thông đã có những bài viết, clip phản ánh về việc “Phà Cát Lái thu phí xe máy “quên” quẹt thẻ”. Trong đó, vấn đề dư luận quan tâm nhất là việc liệu có xảy ra thất thoát số tiền lớn mỗi tháng hay không? Bởi theo giải thích của đại diện đơn vị quản lý phà, việc “quên” quẹt thẻ đó sẽ được quẹt bù sau mỗi ca trực cho đủ doanh thu…

Sau khi tiếp nhận thông tin và xem các clip mà phóng viên Báo Giao thông cung cấp, Luật sư Lê Bá Thường (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng thắc mắc "lúc thu tiền không phát thẻ, không đưa và quẹt ngay lúc đó làm sao kiểm soát được số lượt xe lên phà?"

Đại diện phà Cát Lái giải thích do mặt bằng hẹp nên mới có chuyện như vậy là không hợp lý. Bởi nếu mặt bằng hẹp, phía công ty có thể điều thêm nhân viên để hướng dẫn khách đi theo thứ tự vào làn đường để lên phà. Không thể vì lí do mặt bằng hẹp nên chỉ thu tiền mặt, không đưa thẻ quẹt để kiểm soát.

img

Có rất nhiều nhân viên phà Cát Lái đã thu phí xe máy (4.000 đồng/lượt) nhưng "quên" phát thẻ kiểm soát. Ảnh cắt từ clip.

"Số tiền đã thu được mà không soát thẻ sẽ được xử lý thế nào khi không đếm được bao nhiêu lượt xe qua phà? Sau ca trực họ có nộp hết tiền thu được cho doanh nghiệp hay chiếm giữ? Nếu như nhân viên cứ mặc nhiên thu tiền mà không phát thẻ, đồng nghĩa với việc số tiền thu được từ những lần đó không được tính vào để doanh nghiệp thực hiện thuế với Nhà nước", luật sư Thường đặt câu hỏi sau khi xem clip nhân viên phà Cát Lái tay lia lịa thu tiền nhưng không phát thẻ kiểm soát.

Video Phà Cát Lái thu phí xe máy nhưng "quên" quẹt thẻ kiểm soát”

Luật sư Thường phân tích nếu họ chiếm giữ thì đó là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt hành chính nếu được cơ quan chức năng kết luận. Tùy vào số tiền chiếm giữ mà có thể bị xử tội tham ô tài sản.

“Tội tham ô tài sản là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm”, luật sư Thường cho hay.

Cũng theo luật sư Thường, theo điểm b, Khoản 1 Điều 12 nghị định 63 năm 2019 của Chính phủ, hành vi chiếm đoạt tài sản công sẽ bị phạt hành chính từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.

Ngoài ra, nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy theo số tiền thu lợi bất chính thì có thể bị xử tội tham ô tài sản, chịu mức phạt tù đến 20 năm tù giam, tù chung thân hoặc tử hình, theo Điều 353 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Bên cạnh đó, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

img

Trong nhiều lần đi lại tại Phà Cát Lái, phóng viên chứng kiến tại hai trụ quẹt thẻ kiểm soát (trụ màu cam) lượt xe máy lên phà phía bên đầu phà huyện Nhơn Trạch không có nhân viên trực để quẹt thẻ kiểm soát. Ảnh cắt từu clip.

Luật sư Thường phân tích thêm theo thông tư 110 năm 2014 của Bộ Tài chính (thông tư hướng dẫn chế độ thu, nộp quản lý phí qua phà) quy định phí qua phà là khoản thu ngân sách dùng cho việc tổ chức vận tải người và phương tiện qua sông.

Hành vi thu tiền nhưng không phát thẻ của nhân viên phà là sai quy trình. Số liệu thống kế mỗi ngày như báo cáo cũng không chính xác bởi không kiểm soát được lượt xe ngay từ đầu. Vì vậy, việc gây thất thoát tiền thu được là điều khó tránh khỏi.

Nếu theo số liệu từ phà báo cáo (khoảng 30.000 lượt xe máy/ngày), chúng ta có thể thấy mỗi ngày riêng thu phí xe máy nằm ở con số tầm trên dưới 100 triệu đồng.

Theo quy định về tội gây thất thoát ngân sách nhà nước, người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà gây thất thoát, lãng phí từ 100 triệu đồng trở lên, tùy vào mức độ hành vi, hậu quả gây ra thì có thể đối diện với mức phạt tù lên đến 20 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, công việc từ 01 năm đến 05 năm hoặc bị tịch thu một số hoặc toàn bộ tài sản (Điều 219 BLHS 2015). Bên cạnh đó, người gây thất thoát còn phải bồi thường theo trách nhiệm dân sự.

Trước đó, ngày 19 và 20/9, Báo Giao thông có bài viết “Phà Cát Lái thu phí xe máy “quên” xé vé, quẹt thẻ” và video: “TP.HCM: Phà Cát Lái thu phí xe máy nhưng "quên" quẹt thẻ kiểm soát”, phản ánh tình trạng thu phí xe máy nhưng không quẹt thẻ kiểm soát doanh thu.

Trong văn bản gửi đến Báo Giao thông (ngày 21/9), ông Nguyễn Thanh Tuấn cho biết đơn vị xin nhận thiếu sót và cam kết kiểm tra chấn chỉnh để hoạt động phà ngày càng tốt hơn.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó giám đốc Xí nghiệp Quản lý phà, Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong TP.HCM - đơn vị quản lý phà Cát Lái xác nhận nội dung Báo phản ánh là đúng.

Tuy nhiên, ông Tuấn giải thích nguyên nhân là do phía bên đầu phà huyện Nhơn Trạch không gian hẹp, nhiều hành khách đi xe máy chạy lấn sang làn đường ô tô, đặc biệt vào giờ cao điểm, lượng xe khá đông nên nhân viên chủ động thu tiền trước. Hết mỗi ca trực, các nhân viên quẹt bù để đếm lại lượt xe máy qua phà.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.