Xã hội

Nhiều ĐBQH bị mất quyền, cho thôi, Tổng thư ký Quốc hội nói gì?

19/05/2018, 10:31

Theo Tổng thư ký Quốc hội, cần rút kinh nghiệm việc sau nửa nhiệm kỳ, nhiều ĐBQH bị mất quyền, cho thôi nhiệm vụ.

DSC00252.

Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc trả lời câu hỏi của phóng viên

Ngày 19/5, tại cuộc họp báo về Dự kiến chương trình kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, báo chí đặt rất nhiều câu hỏi về công tác nhân sự tại Quốc hội, đặc biệt là việc vừa qua nhiều ĐBQH có sai phạm đã bị bãi nhiệm hoặc cho thôi nhiệm vụ.

Ví dụ như trường hợp của bà Phan Thị Mỹ Thanh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai được Ban Bí thư kết luận có sai phạm nghiêm trọng và đã quyết định cách hết chức vụ trong Đảng, nhưng lại được cho thôi chứ không phải bị bãi nhiệm, điều này đã khiến nhiều cử tri bức xúc. Thậm chí có ý kiến cho rằng Thường vụ Quốc hội ưu ái người này, nghiêm khắc với người khác.

Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của phóng viên, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định không có bất kỳ sự ưu ái nào, mọi việc đều xem xét trên quy định của pháp luật.

Về trường hợp của bà Phan Thị Mỹ Thanh, ông Phúc cho biết sau khi Đảng đoàn Quốc hội có báo cáo, Ban Bí thư đã xem xét nhiều mặt và quyết định đồng ý cho bà Thanh thôi nhiệm vụ ĐBQH. Việc này cũng được Thường trực Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam, MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai và đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai đồng thuận.

Tổng Thư ký Quốc hội khẳng định, theo nguyên tắc đều thực hiện theo quy định của Luật. "Chúng ta không ưu ái ai cả, không có vùng cấm nào cả, mức độ đến đâu thì xử lý đến đó, rất nghiêm túc. Hơn nữa, việc này còn là chấp hành chỉ đạo của cơ quan quản lý cán bộ", ông Phúc nói và khẳng định các trường hợp xử lý đều làm rất nghiêm túc, kể cả trường hợp cho thôi nhiệm vụ ĐBQH hay bãi nhiệm.

Trước băn khoăn chỉ mới đi qua nửa nhiệm kỳ nhưng có rất nhiều ĐBQH bị bãi nhiệm, thôi nhiệm vụ ĐBQH, vậy Quốc hội rút kinh nghiệm gì trong quá trình xem xét, giới thiệu các ứng viên để bầu vào ĐBQH, tránh những trường hợp đáng tiếc như vừa qua, Tổng Thư ký Quốc hội thừa nhận đây là thực tế và chúng ta cần rút kinh nghiệm.

"Trong quá trình bầu cử ĐBQH, những quy định liên quan đến đến bầu cử, thẩm tra, hồ sơ, kiểm tra… cần phải rút kinh nghiệm. Nhiệm kỳ tới đây, khi tiến hành bầu cử thì cũng phải có những thẩm tra sâu sắc hơn nữa. Thật ra có những vụ việc chúng ta không thể phát hiện ngay được, trong quá trình làm từ dưới cơ sở, các cử tri nhân dân giới thiệu lên, các cơ quan chức năng thẩm tra xem xét. Khâu này, qua một số trường hợp vừa qua chúng ta cần rút kinh nghiệm sâu sắc", ông Phúc nói.

Quốc hội dành 60% thời gian họp cho xây dựng Luật

Thông tin về dự kiến chương trình và nội dung Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Phó Tổng thư ký Quốc hội Lê Bộ Lĩnh cho biết, đây là kỳ họp giữa năm 2018, năm bản lề của nhiệm kỳ 2016 - 2021. Vì vậy, chương trình nghị sự của kỳ họp lần này có ý nghĩa quan trọng, góp phần tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; xây dựng đất nước ta ngày càng đổi mới, phát triển nhanh, vững mạnh về mọi mặt của đời sống kinh tế-chính trị, xã hội.

Theo thông lệ, tại kỳ họp giữa năm, Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật (chiếm tỷ lệ 60% tổng thời gian của kỳ họp). Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành khá nhiều thời gian cho hoạt động giám sát tối cao và xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng khác.

Đặc biệt, tại kỳ họp này, Quốc hội tiếp tục sẽ có những cải tiến, đổi mới về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Cụ thể, thời gian để mỗi ĐBQH chất vấn là 1 phút và sau khi 3 ĐBQH nêu câu hỏi, người bị chất vấn phải trả lời ngay; thời gian dành cho mỗi lần trả lời là 3 phút. Theo ông Lĩnh, việc đổi mới này nhằm mục đích tăng cường tính đối thoại, tranh luận trong hoạt động của Quốc hội.

Phó Tổng thư ký Quốc hội cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành 12 ngày để xem xét, thông qua 8 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 8 dự án luật khác.

Các dự án luật được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Luật Tố cáo (sửa đổi); Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc; Luật Đo đạc và bản đồ; Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Luật An ninh mạng; Luật Quốc phòng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch.

Các nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.

Các dự án luật được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến, gồm: Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá; Luật Cảnh sát biển; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Ngoài ra, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016; Giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016; Xem xét, thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát và việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2019.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.