Bất động sản

Nhiều doanh nghiệp bất động sản “lật ngược thế cờ” giữa đại dịch

16/02/2021, 07:30

Năm 2020, nhiều doanh nghiệp cũng đã kịp chuyển mình, cơ cấu lại vốn, sản phẩm, hình thức bán, tiếp cận khách hàng... để bứt phá.

img

Dự án Splendora, Hoài Đức, Hà Nội

Năm 2020, dịch Covid-19 đã tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản, khiến không ít doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc dừng hoạt động. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp cũng đã kịp chuyển mình, cơ cấu lại vốn, sản phẩm, hình thức bán, tiếp cận khách hàng... để bứt phá.

Tái cơ cấu vốn

Nằm phía Tây Hà Nội, dự án Splendora An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) do Công ty Liên doanh TNHH Phát triển Đô thị mới An Khánh làm chủ đầu tư. Với tổng diện tích hơn 264ha và vốn đầu tư 2 tỷ USD, Splendora được định hướng trở thành khu đô thị hiện đại bậc nhất Việt Nam.

Quá trình triển khai chia làm 5 giai đoạn (bắt đầu từ năm 2008) với 6 khu chức năng bao gồm: Các khu chung cư cao tầng, khu biệt thự và nhà liền kề, văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại, siêu thị. Điểm nhấn của khu đô thị là tòa tháp đôi cao 70 tầng.

Kết thúc giai đoạn 1 với 50ha, từ giai đoạn 2 (khởi công tháng 6/2012) đến nay, dự án đang nằm “đắp chiếu” với lý do thiếu đồng nhất về quan điểm đầu tư giữa 2 cổ đông lớn.

Ghi nhận thực tế tại dự án những ngày cuối năm, đoạn đường từ Đại lộ Thăng Long dẫn vào bụi mù mịt. Công nhân vẫn đang cố gắng hoàn thiện vỉa hè hai bên đường vào dự án.

Ngoài 4 tòa chung cư Splendora và 4 khu nhà thấp tầng đã đưa vào sử dụng vẫn còn rất nhiều đất trống, xung quanh quây tôn, cỏ mọc um tùm. Do thời gian chậm triển khai kéo dài khiến cả hai cổ đông đều bị “chôn vốn” tại dự án.

Trước bối cảnh dịch Covid-19 tái bùng phát lần 2, tác động mạnh, khoản nợ vay tài chính lớn, tăng áp lực tài chính, tháng 8/2020, HĐQT Vinaconex đã quyết định bán 50% cổ phần tại đây cho Công ty Đầu tư và Phát triển Pacific Star.

Chính quyết định này đã giúp Vinaconex “lật ngược thế cờ”, lãi hơn 1.000 tỷ đồng trong quý III dù doanh thu thuần giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Dòng lãi tài chính tăng cộng với thông tin một số dự án mới được triển khai khởi công tại Hà Nội và Quảng Ninh đã đẩy giá cổ phiếu Vinaconex lên đà tăng tới 55% so với thời điểm đầu năm.

Cùng thời điểm này, Công ty CP Đầu tư Văn Phú (VPI) cũng thu lợi nhuận từ việc công ty chuyển nhượng bất động sản ở dự án Grandeur Palace - Giảng Võ và hoạt động cho thuê căn hộ dịch vụ khách sạn tăng mạnh ở căn hộ dịch vụ khách sạn Oakwood Residence Hanoi. Kết quả VPI đã thu lời hơn 68 tỷ đồng, tăng 209% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, VPI đạt doanh thu gần 926 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 97 tỷ đồng.

Tương tự, Novaland (Tập đoàn Novaland) cũng báo lãi 2.230 tỷ đồng, tính đến tháng 10/2020. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý III/2020, đạt trên 2.120 tỷ đồng, tăng đột biến hơn 630% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng đầu năm ghi nhận 3.298 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 204% so với cùng kỳ năm 2019…

Theo đại diện chủ đầu tư, kết quả trên là do doanh nghiệp đã đánh giá lại khoản đầu tư trước đây và các khoản đầu tư ở một số công ty con.

Ngoài ba doanh nghiệp trên còn rất nhiều doanh nghiệp khác báo lãi hàng trăm tỷ như: Đất Xanh Miền Bắc, Vinhomes... Bên cạnh những dòng lãi trông thấy bằng định lượng, nhiều chủ đầu tư cũng đã vượt qua khó khăn, hoàn thiện, bàn giao sản phẩm cho khách hàng đúng theo tiến độ cam kết như: Vinhomes Smart City, The Legacy Thanh Xuân, Vinhomes West Point...

Đứng bằng “kiềng ba chân”

Chia sẻ về câu chuyện vượt bão của doanh nghiệp, ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ và Địa ốc Đất Xanh Miền Bắc tiết lộ, sau khi xảy ra dịch bệnh, lãnh đạo công ty đã nhận định diễn biến dịch bệnh phức tạp và còn kéo dài, do đó phải chuyển hướng để giữ khách hàng và thị phần của mình.

Theo Bộ KH&ĐT, tới hết tháng 10/2020, số lượng các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng ở tất cả 17 lĩnh vực. Riêng lĩnh vực BĐS là 1.195 doanh nghiệp, tăng 118,1%; Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tăng 49,4%...


Ngoài việc chuyển đổi từ mô hình kinh doanh trực tiếp sang online, Đất Xanh Miền Bắc cũng dịch chuyển sang thị trường “dễ tính” hơn ở vùng ven như: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Cần Thơ… Cùng với đó là xác định lại đối tượng khách hàng và cơ cấu sản phẩm phù hợp với từng thị trường.

Chia sẻ về bí quyết vượt “bão” dịch, ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Vinaconex chia sẻ, doanh nghiệp phát triển theo hướng dài hạn, bền vững và có mũi nhọn. Theo đó, 3 mũi nhọn chính của Vinaconex hiện nay gồm: Xây lắp; đầu tư, kinh doanh bất động sản; đầu tư tài chính, phát triển dự án sau đó bán lại. Ba mũi nhọn trên cũng giống như chiếc kiềng 3 chân cùng tương trợ lẫn nhau cùng gồng gánh doanh nghiệp phát triển bền vững.

“Trong năm qua, định hướng của Vinaconex được chứng minh là đúng đắn, thiết thực. Lĩnh vực đầu tư tài chính hiện đang có hiệu quả, mang lại lợi nhuận cao nhất, gánh các lĩnh vực yếu hơn do tác động khách quan từ thị trường”, ông Thanh chia sẻ.

Dưới góc độ chuyên gia, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh nhìn nhận, dù năm qua, doanh nghiệp BĐS gặp “bão kép” bao gồm yếu tố thị trường và nhiều vướng mắc pháp lý chưa được tháo gỡ kịp thời.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, bản thân mỗi doanh nghiệp không ngừng tìm cho mình giải pháp để bước qua khó khăn. Doanh nhân thành công nhờ đổi mới sáng tạo, dám nghĩ dám làm, nắm bắt thời cơ để đưa doanh nghiệp của mình vượt “bão”, ổn định, tăng trưởng và đạt lợi nhuận đáng khích lệ.

“Ở một góc nhìn khác, cơn “bão kép” lần này cũng là một kỳ khám sức khỏe cho doanh nghiệp, những doanh nghiệp nào đủ trí lực, vật lực, sức khỏe sẽ vượt qua. Những doanh nghiệp nào yếu sẽ bị loại. Sau kỳ khám sức khỏe, doanh nghiệp nào tồn tại sẽ cho ra đời những sản phẩm có lợi, tốt cho thị trường”, ông Châu nói.

Thị trường bất động sản 2021 sẽ ra sao?

Dự báo thị trường 2021 của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định, lượng cung nhà ở sẽ tăng mạnh ngay từ quý I, II. Tại Hà Nội, khu vực phía Bắc và phía Tây sẽ chiếm tỷ trọng nhiều nhất. Tương tự tại TP HCM, khảo sát cho thấy khoảng 20 dự án sẽ chào hàng trong 6 tháng đầu năm, cung cấp ra thị trường khoảng 3 vạn sản phẩm với đủ loại phân khúc.

Năm 2021, kinh tế Việt Nam sẽ giữ nhịp và đạt tốc độ tăng trưởng tốt hơn nên nhu cầu đầu tư và mua nhà tăng trở lại, đạt 70% lực cầu năm 2019.

Nhu cầu về phân khúc căn hộ tại Hà Nội và TP HCM vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Phân khúc căn hộ trung cấp loại căn hộ có 2 phòng ngủ tiếp tục được giao dịch nhiều nhất. Dự báo năm 2021 đạt từ 90.000 - 100.000 sản phẩm căn hộ được giao dịch tại TP HCM và Hà Nội.

Giá căn hộ tại Hà Nội có thể giữ nguyên hoặc tăng nhẹ so với năm 2020, trong khi TP HCM chắc chắn có chiều hướng tăng, đặc biệt khu vực TP Thủ Đức. Giá nhà đất tại các khu đô thị được đầu tư tốt, chất lượng tại Hà Nội và TP HCM sẽ tiếp tục tăng khoảng 5 - 10% so với năm 2020.

P.V

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.