Hạ tầng

Nhiều dự án cao tốc Bắc - Nam vẫn thiếu vật liệu, nơi đổ thải

Thời gian qua, dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 gặp khó khăn do thiếu hụt đất đắp nền đường; thiếu bãi đổ vật liệu phế thải.

Trước tình trạng này, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo các vướng mắc phải được xử lý dứt điểm trước ngày 15/1/2022. Vậy đến thời điểm này, những vướng mắc đã được tháo gỡ thế nào?

Nơi thở phào, nơi sốt sắng

Những ngày giáp Tết Nhâm Dần 2022, gương mặt của ông Lê Sáu, Phó giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh bớt căng thẳng hơn khi những vướng mắc về vật liệu phục vụ cho dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn đã được tháo gỡ.

Ông Sáu cho biết, tổng khối lượng đất san lấp của dự án là gần 7,2 triệu m3. Trong đó, khối lượng đất tận dụng từ nền đào là hơn 5,4 triệu m3, khối lượng đất mua các mỏ là hơn 1,7 triệu m3.

img

Thi công trên công trường cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết qua huyện Bắc Bình (Bình Thuận) Ảnh: Vĩnh Phú

Đến hết năm 2021, dự án vẫn còn thiếu khoảng 785.000m3 đất đắp, tập trung ở hai gói thầu số 5 và số 6. Thế nhưng, sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế nhanh chóng vào cuộc cấp phép mở rộng mỏ Hiền Sỹ và cấp phép khai thác mỏ mới Phường Hóp.

“Đến nay, các gói thầu của dự án cơ bản không thiếu vật liệu. Ban điều hành dự án đang phối hợp hoàn thiện đầy đủ thủ tục để khai thác vật liệu, đáp ứng đầy đủ nhu cầu, phấn đấu đưa dự án cán đích trong tháng 10/2022”, ông Sáu nói.

Trên công trường cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, tin vui cũng đến với các nhà thầu khi công tác cấp phép các mỏ vật liệu đang được địa phương tích cực tháo gỡ.

Ông Trịnh Quốc Quân, Phó giám đốc điều hành dự án gói thầu XL-04 cho biết, trong tháng 12/2021, việc thiếu đất đắp đã bắt đầu được khơi thông khi hai mỏ Chóp Vung 4 (trữ lượng 360.000m3) và mỏ Sa Phát (1,1 triệu m3) bắt đầu được cấp phép.

“Theo lộ trình, trong tháng 1/2022 sẽ có thêm mỏ Hàm Cần (120.000m3), Sông Khiêng (500.000m3) được cấp phép theo Nghị quyết 60 và Nghị quyết 133 của Chính phủ”, ông Quân thông tin.

Theo đại diện Ban điều hành cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, hiện dự án có 9 mỏ đang khai thác và cung cấp vật liệu.

Đối với các mỏ đang thực hiện cấp phép theo Nghị quyết số 60 và Nghị Quyết 133, có 3 mỏ đã hoàn thành các thủ tục phê duyệt trữ lượng, đánh giá tác động môi trường, trình UBND tỉnh cấp phép khai thác trước ngày 21/1/2021. Hai mỏ đang phê duyệt trữ lượng.

Tại gói thầu XL-03 dự án cao tốc đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc điều hành gói thầu cho biết, gói thầu vẫn đang thiếu khoảng 2,2 triệu m3 đất đắp nền đường.

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 133, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã cấp phép các mỏ vật liệu đất đắp, cho phép hạ cốt nền, cải tạo đất nông nghiệp, gò đồi tại hai vị trí hạ nền, cải tạo đất tại khu vực xã Xuân Hưng và khu vực xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc. Dự kiến trong tháng 1/2021, công tác cấp phép mỏ vật liệu cơ bản được giải quyết xong.

Trong khi đó, tại dự án cao tốc đoạn QL45 - Nghi Sơn, theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Giám đốc điều hành dự án (thuộc Ban QLDA 2, Bộ GTVT), nhu cầu vật liệu đắp nền cho các gói thầu trên địa bàn huyện Nông Cống, Thanh Hóa (gói XL1 và XL2) là 4 triệu m3. Nhà thầu thi công đã khảo sát 4 mỏ được cấp giấy phép khai thác với trữ lượng 3,7 triệu m3.

Thời gian tới nhà thầu dự kiến sử dụng đất đắp mỏ xã Xuân Phúc, huyện Như Thanh (hiện đã được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp giấy phép).

“Đối với dự án trên địa bàn huyện Nghi Sơn (gói thầu XL3), nhu cầu đất đắp khoảng 1,57 triệu m3. Ngoài việc sử dụng đất điều phối dọc tuyến, nhà thầu sử dụng mua thương mại khoảng 0,57 triệu m3 đất đắp của mỏ đất.

Khoảng 1 triệu m3 còn thiếu, nhà thầu dự kiến sử dụng đất đắp mỏ Grand Mountaind và mỏ đất Hải Phát sau khi được cấp phép khai thác theo Nghị Quyết 60 và Nghị Quyết 133. Để phục vụ thi công dự án, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng có quyết định chủ trương đầu tư cho mỏ tại xã Phú Lâm”, ông Quỳnh thông tin.

Tại dự án đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu, ông Phạm Văn Minh, Phó giám đốc Ban QLDA 6 cho biết, sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng, địa phương đã cấp phép thêm được hai mỏ đất ở xã Diễn Yên và mỏ Chùa Đống và đã được HĐND tỉnh thông qua việc chuyển đổi đất rừng từ tháng 12/2021.

Trữ lượng khai thác của hai mỏ này khoảng 3 triệu m3, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của dự án. Tuy nhiên, công tác khai thác chưa được triển khai do chủ mỏ chưa hoàn thiện các thủ tục liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

“Việc thiếu vật liệu ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ dự án, đặc biệt là gói thầu số 3 chưa có một khối lượng đất nào đắp tuyến chính (nhu cầu khoảng 2,6 triệu m3). Trong thời gian chờ đất đắp, nhà thầu đang thi công đắp cát đầm nền K90 và thi công cầu, cống, công trình hầm trên tuyến”, ông Minh thông tin.

Vẫn vướng mặt bằng, bãi đổ thải

Bên cạnh khó khăn về nguồn vật liệu, mặt bằng cũng đang là yếu tố cản trở tiến độ thi công dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt.

Đại diện Ban điều hành dự án cho biết, trong phạm vi dự án, công tác GPMB hiện vẫn vướng 17 hộ dân ở xã Diễn Đoài và khoảng 20 hộ đất ở khu vực giao với QL48.

“Đáng nói, việc chậm giải quyết 17 hộ dân ở giữa tuyến khiến công tác vận chuyển vật liệu vào bãi đổ thải được địa phương cấp phép không thể thực hiện. Hơn 100.000m3 đất bóc lên phục vụ thi công đang phải để tạm trên phần mặt bằng của giai đoạn 2 dự án”, đại diện Ban điều hành dự án đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu nói và mong muốn, vấn đề mặt bằng sẽ được địa phương giải quyết trước Tết Nguyên đán.

Với dự án cao tốc đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, đại diện Ban QLDA Thăng Long cho biết, trên phạm vi dự án còn hơn 10 hộ chưa bàn giao mặt bằng.

Hiện, mặt bằng còn vướng 0,06km tuyến cao tốc và 100m lõi nút giao và nhánh nút giao kết nối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Tại dự án cao tốc đoạn QL45 - Nghi Sơn, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết, tổng nhu cầu trữ lượng đổ thải cho dự án khoảng 1,65 triệu m3.

Trên cơ sở tham mưu, đề xuất của Sở TN-MT, UBND tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất 10 địa điểm bãi đổ thải cho dự án với trữ lượng khoảng 1,2 triệu m3.

“Nhu cầu đổ thải còn thiếu 0,45 triệu m3. Tuy nhiên, bãi đổ thải khu đất Cảng thủy nội địa tại phường Bình Minh, TX Nghi Sơn với trữ lượng 449.500m3 có tính khả thi không cao do đường vào khu công nghiệp gặp khó khăn. Ban QLDA 2 đã chỉ đạo các nhà thầu thi công tiếp tục tìm kiếm thêm bãi đổ và hoàn thiện các thủ tục trình cấp có thẩm quyền xem xét, chấp thuận bổ sung”, ông Quỳnh thông tin.

Theo thông tin Cục Quản lý chất lượng xây dựng công trình giao thông, đến thời điểm này, hầu hết các địa phương đều báo cáo Bộ TN&MT, Chính phủ đã bố trí cơ bản các mỏ vật liệu phục vụ cho các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam.

Cục sẽ tiếp tục đôn đốc các chủ đầu tư, Ban QLDA rà soát khối lượng vật liệu thiếu hụt, chủ động nắm bắt, xác định rõ nguyên nhân một số dự án vẫn báo cáo thiếu vật liệu là do đâu, thiếu ở vị trí nào, khối lượng thiếu cụ thể. Nếu lý do xuất phát từ việc địa phương cấp phép chưa đủ, Bộ GTVT sẽ kiến nghị cấp có thẩm quyền đôn đốc địa phương tiếp tục thực hiện đúng theo các nghị quyết đã ban hành.

Nếu do nguyên nhân bên mua và bên bán chưa thống nhất được giá vật liệu thì phải tìm phương án giải quyết tối ưu nhất để dự án sớm có vật liệu thi công, đảm bảo tiến độ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.