Quản lý

Nhiều dự án hạ tầng hàng không nằm chờ… quy hoạch

20/02/2019, 10:21

Nhiều dự án đầu tư hạ tầng hàng không dù đã rất cấp bách nhưng vẫn phải chờ…quy hoạch trong khi đó, kinh phí làm quy hoạch lại chưa được bố trí.

img
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì buổi làm việc

Quy hoạch chờ… kinh phí

Đây là một trong những vấn đề “nóng” được bàn thảo tại buổi họp sáng qua (19/2) về công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch các cảng hàng không do Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì.

Theo ông Nguyễn Duy Lâm, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT), Cục Hàng không VN đã lập dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2019 cho nhiệm vụ thiết kế quy hoạch là hơn 17,5 tỷ đồng. Kinh phí này cũng đã được tổng hợp trong dự toán thu, chi thường xuyên NSNN năm 2019 của Bộ GTVT gửi Bộ Tài chính. Tuy nhiên, Bộ Tài chính sau đó đã loại khoản chi này ra khỏi quyết định giao dự toán thu, chi NSNN 2019.

Theo quy định của pháp luật về hàng không, có 3 loại quy hoạch cảng hàng không sân bay gồm quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc do Thủ tướng phê duyệt; Quy hoạch chi tiết cảng hàng không, sân bay (tỷ lệ 1/2000) do Bộ GTVT phê duyệt và quy hoạch chi tiết xây dựng khu chức năng (tỷ lệ 1/500) do Cục Hàng không VN phê duyệt.

Theo Luật Quy hoạch, có 2 loại quy hoạch gồm quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc, là quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch cảng hàng không sân bay, là quy hoạch có tính chất chuyên ngành, kỹ thuật.


Cho rằng việc này không hợp lý, ông Lâm phân tích: “Theo quy định tại Luật Quy hoạch, quy hoạch chi tiết CHK được xác định là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành nên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Quy hoạch. Do đó, quy hoạch này được thực hiện theo các luật liên quan, trong đó có Luật NSNN. Luật này đã xác định quy hoạch là hoạt động kinh tế thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ”.

Thông tin thêm, ông Lâm cho biết, trước nhu cầu cấp bách phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch chi tiết các cảng hàng không, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ vừa có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét bổ sung dự toán chi thường xuyên NSNN 2019 cho nhiệm vụ thiết kế quy hoạch.

Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng cũng cho biết, năm 2019, cơ quan này được Bộ GTVT giao lập Đề án quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không sân bay toàn quốc giai đoạn đến năm 2030, định hướng đến 2050 và 5 Đề án điều chỉnh quy hoạch các CHK Nội Bài, Đà Nẵng, Pleiku, Phú Quốc, Cam Ranh. Theo Luật Quy hoạch, Đề án quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không sân bay toàn quốc giai đoạn đến năm 2030, định hướng đến 2050 thuộc quy hoạch quốc gia nên được thực hiện theo nguồn đầu tư công. Tuy nhiên, Cục Hàng không VN hiện vẫn chưa được bố trí vốn đầu tư công để thực hiện đề án. Tương tự, với 5 Đề án điều chỉnh quy hoạch còn lại, cục cũng chưa được bố trí vốn sự nghiệp để triển khai.

Với quy hoạch phân khu chức năng (1/500), ông Thắng thông tin, hiện mới chỉ có 2 sân bay là Cam Ranh và Lào Cai đã có quy hoạch phân khu chức năng. Với các sân bay còn lại ông Thắng cho hay, Cục Hàng không VN đã giao cảng vụ thực hiện quy hoạch này tuy nhiên hiện cũng chưa có vốn để triển khai.

Dự án cấp bách lại chờ… quy hoạch

Cho rằng nhiều dự án hạ tầng hàng không cấp bách vẫn phải chờ quy hoạch, Tổng giám đốc TCT Cảng hàng không VN (ACV) Vũ Thế Phiệt nói: “Quy hoạch một số sân bay như Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc cần phải điều chỉnh ngay vì đã rất quá tải. Quy hoạch phải sớm để còn tiến hành bước đầu tư xây dựng”.

Để gỡ khó cho công tác quy hoạch, ông Phiệt cho rằng, DN này sẵn sàng ứng vốn thực hiện. “Nếu chờ ngân sách cân đối từng đồng vốn thì sẽ rất khó khăn trong khi công việc hết sức cấp bách”, ông Phiệt nói.

Theo ông Đinh Việt Thắng, công suất cả 2 nhà ga quốc nội và quốc tế của Đà Nẵng tối đa chỉ 10 triệu khách/năm nhưng hiện đã quá tải khoảng 3 triệu khách. Để đảm bảo Quyết định 236 của Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn 2030, phải xây dựng một nhà ga mới để đảm bảo công suất tối đa của Đà Nẵng khoảng 30 triệu khách. Điều này cũng đồng nghĩa với việc phải xây dựng một nhà ga mới công suất 18 - 20 triệu khách/năm tại đây.

Với CHK quốc tế Cam Ranh, ông Thắng cho hay, sản lượng 2018 là 8,250 triệu hành khách trong khi theo quy hoạch hiện hành, đến năm 2020, cảng này chỉ đạt 8 triệu khách. Nhà ga quốc tế mới xây xong đã quá tải. Cam Ranh sẽ phải xây nhà ga mới công suất tối thiểu 15 triệu khách/năm, đảm bảo đến 2030 có thể đón được 25 triệu khách.

Tình hình tại Phú Quốc cũng rất cấp bách khi hết năm 2018 đã có 3,2 triệu hành khách thông qua sân bay này trong khi đó, theo quy hoạch hiện hành, giai đoạn đến năm 2020, công suất thiết kế CHK quốc tế Phú Quốc đạt 2,65 triệu khách, giai đoạn đến năm 2030 là 7 triệu khách/năm. Ngoài ra, theo Quyết định 236, CHK quốc tế Phú Quốc được xác định mở rộng công suất dự kiến 4 triệu khách/năm giai đoạn 2020 và 10 triệu khách/năm giai đoạn 2030.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, triển khai quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không sân bay toàn quốc giai đoạn 2030, định hướng đến 2050 là rất quan trọng. Thứ trưởng cho biết đã báo cáo Thủ tướng về việc kinh phí lập quy hoạch tổng thể đã rất khó chứ chưa nói đến quy hoạch chi tiết. Thủ tướng cũng đã đồng tình và giao Bộ Tài chính sớm có báo cáo nguồn vốn này.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, thời gian qua, một số vướng mắc đã ảnh hưởng đến công tác điều chỉnh quy hoạch, ít nhiều ảnh hưởng đến công tác mở rộng một số sân bay đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không. “Các cơ quan, đơn vị liên quan phải tích cực tham mưu, vướng ở đâu phải đề xuất ở đó, làm sao để giải quyết ngay vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh quy hoạch. Đơn vị nào chậm, thủ trưởng đơn vị đó chịu trách nhiệm”, Bộ trưởng chỉ đạo.

Thời gian tới, Bộ trưởng giao các cơ quan chức năng tham mưu văn bản báo cáo Chính phủ điều chỉnh Nghị định 102 về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay. “Nghị định điều chỉnh phải tích hợp được Luật Quy hoạch, Luật Hàng không và giải quyết một số vướng mắc hiện nay. Đặc biệt, cần làm rõ quy hoạch chi tiết 1/2000 do đơn vị nào thực hiện, cơ quan nào phê duyệt, kinh phí như thế nào.

“Cần lấy kinh phí sự nghiệp để thực hiện quy hoạch 1/2000”, Bộ trưởng gợi ý.

Riêng quy hoạch phân khu chức năng 1/500, cần điều chỉnh theo hướng coi đây là một phần của dự án cũng như làm rõ kinh phí thực hiện ở đâu (hiện theo thông lệ kinh phí phải lấy từ dự án).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.