Quản lý

Nhiều giải pháp mới quản xe hợp đồng trá hình, ngăn "xe dù, bến cóc"

19/01/2020, 11:37

Nghị định 10 vừa được Chính phủ ban hành thay thế Nghị định 86 có bổ sung nhiều giải pháp để quản lý xe hợp đồng.

img
Nghị định 10 đưa ra giải pháp mới để quản lý xe hợp đồng trá hình - Ảnh minh họa

Nhiều giải pháp mới

Nghị định 10/2020 thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bổ sung giải pháp mới để quản lý xe hợp đồng, nhằm xóa "xe dù, bến cóc". Đáng chú ý có quy định rõ, trong một tháng, mỗi xe ô tô không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu trùng lặp và điểm cuối trùng lặp.

Cụ thể: Điểm d Khoản 3 Điều 7 về kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng quy định: Trong thời gian một tháng, mỗi xe ô tô không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu trùng lặp và điểm cuối trùng lặp. Phạm vi trùng lặp được tính tại một địa điểm hoặc tại nhiều địa điểm nằm trên cùng một tuyến phố (một tuyến đường), ngõ (hẻm) trong đô thị; việc xác định điểm đầu, điểm cuối trùng lặp được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe và hợp đồng vận chuyển đã ký kết.

Bên cạnh đó, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe chỉ được ký hợp đồng vận chuyển với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe); chỉ được đón, trả khách theo đúng địa điểm trong hợp đồng vận chuyển đã ký kết.

Không được gom khách, đón khách ngoài danh sách đính kèm theo hợp đồng đã ký do đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp; không được xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe, không được bán vé hoặc thu tiền đối với từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức; không được ấn định hành trình, lịch trình cố định để phục vụ cho nhiều hành khách hoặc nhiều người thuê vận tải khác nhau; Không được đón, trả khách thường xuyên lặp đi lặp lại hàng ngày tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh.

Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng trước khi thực hiện vận chuyển hành khách phải cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của hợp đồng vận chuyển theo quy định đến sở GTVT nơi cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng văn bản hoặc qua thư điện tử (Email). Từ ngày 1/1/2022, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng thực hiện cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của hợp đồng vận chuyển qua phần mềm của Bộ GTVT.

Ngăn chặn tình trạng “xe dù, bến cóc”

Tương tự, đối với xe du lịch, Nghị định quy định: Trong thời gian một tháng, mỗi xe ô tô kinh doanh vận tải khách du lịch có điểm đầu và điểm cuối của chuyến đi không nằm trong phạm vi của một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu trùng lặp và điểm cuối trùng lặp, phạm vi trùng lặp được tính tại một địa điểm hoặc tại nhiều địa điểm nằm trên cùng một tuyến phố (một tuyến đường), ngõ (hẻm) trong đô thị; việc xác định điểm đầu, điểm cuối trùng lặp được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe và hợp đồng vận chuyển đã ký kết.

Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, hiện đang có nhiều tồn tại trong quản lý đối với xe hợp đồng trá hình hay còn gọi là xe Limousine, hoạt động như xe tuyến cố định, cạnh tranh không lành mạnh với xe tuyến cố định, nhiều doanh nghiệp đăng ký tuyến rồi bỏ bến ra ngoài chạy dù. Các chi phí loại hình xe Limousine rẻ hơn so với tuyến cố định nên giá vé rẻ hơn nhưng trái pháp luật.

"Nghị định 10/2020 sẽ tạo khung pháp lý ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực vận tải và đưa ra khuôn khổ pháp lý để siết chặt hơn hoạt động vận tải, đặc biệt là để ngăn chặn tình trạng “xe dù, bến cóc”, ông Ngọc cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.