Thế giới

Nhiều hoài nghi về lệnh ngừng bắn tại miền Đông Ukraine

20/02/2017, 06:25
image

Hôm nay (20/2), lệnh ngừng bắn mới tại miền Đông Ukraine chính thức có hiệu lực.

Mưa bom bão đạn đẩy cuộc sống người dân khu vực Av

Mưa bom, bão đạn đẩy cuộc sống người dân khu vực Avdiivka đến bên bờ tuyệt vọng.

Hôm nay (20/2), lệnh ngừng bắn mới tại miền Đông Ukraine chính thức có hiệu lực nhằm chấm dứt hàng loạt cuộc xung đột nổi lên từ đầu tháng này, cướp đi sinh mạng của hơn 30 người trong đó có nhiều dân thường. Tuy nhiên, phần lớn đều hoài nghi về hiệu quả lệnh ngừng bắn này.

Thỏa thuận 4 bên

Thỏa thuận ngừng bắn mới do Ngoại trưởng 4 nước: Ukraine, Nga, Đức và Pháp bàn thảo, được thông qua bên lề Hội nghị an ninh tại Munich, Đức. Tuy nhiên, từ người dân đến Chính phủ các nước và các lực lượng trong cuộc xung đột vũ trang này đều không tin tưởng vào hiệu lực của lệnh ngừng bắn.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định, thỏa thuận này là bước phát triển tích cực để tiến tới chấm dứt cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, ông thừa nhận, cuộc họp giữa 4 ngoại trưởng diễn ra “thiếu đột phá quan trọng”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cho biết, mục đích của lệnh ngừng bắn là thực hiện những điều đã được đồng thuận từ lâu mà chưa được thực thi. Đó là: Rút vũ khí hạng nặng khỏi khu vực, để đảm bảo an toàn, giúp Tổ chức An ninh và Hợp tác tại châu Âu (OSCE) giám sát tình hình tại miền Đông Ukraine”.

Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin xác nhận, đã đạt được thỏa thuận và hy vọng lệnh ngừng bắn này không chỉ dừng lại ở “slogan chính trị”. Song, sau đó, khi trao đổi với Reuters, ông Klimkin lại bày tỏ “không hài lòng một chút nào về thỏa thuận này” và nghi ngờ thỏa thuận sẽ chẳng mang lại kết quả có ý nghĩa.

Lệnh ngừng bắn nào?

Trước thềm lệnh ngừng bắn có hiệu lực, người dân miền Đông Ukraine tiếp tục đối mặt cảnh mưa bom, bão đạn và gần như đứng bên bờ vực tuyệt vọng. Sau trận giao tranh, tấn công suốt đêm 18/2 tại thị trấn miền Đông Avdiivka nơi phe ly khai miền Đông và Chính phủ giao tranh, nhiều ngôi nhà cùng tài sản của người dân nơi đây bị phá hủy hoàn toàn. Với bàn tay gầy guộc, ông Alexey Andrushko bới trong đống đổ nát của ngôi nhà, hy vọng tìm được chút đồ đạc nguyên vẹn và còn giá trị. “Ngôi nhà của tôi bị hứng bom 50 lần, 3 lần khác ở khu vực cạnh giếng”. Ông Andrushko cùng vợ phải sống trong căn phòng duy nhất chưa bị bom đạn phá huỷ - đó là căn bếp nhỏ. Hai người phải dùng bìa che cửa sổ, ngăn gió lạnh lùa vào. Nghe tin lệnh ngừng bắn sẽ bắt đầu từ ngày 20/2, ông cùng vợ và nhiều người dân khác không dám đặt niềm tin mà luôn phải đề cao cảnh giác.

Bản thân các lực lượng ly khai miền Đông Ukraine cũng chưa chắc chắn sẽ tuân thủ lệnh ngừng bắn, thậm chí một vài người còn cho rằng thỏa thuận này bất khả thi. “Các ông đang nói đến thỏa thuận ngừng bắn nào. Tôi không nhìn thấy bất cứ điểm nào trong đó yêu cầu ngừng bắn”, AP dẫn lời ông Eduard Basurin, quan chức cấp cao Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng tại miền Đông Ukraine cho biết.

Đây không phải lần đầu tiên tiến hành lệnh ngừng bắn tại miền Đông Ukraine và mỗi lần thỏa thuận bị vi phạm, cả hai bên Chính phủ Ukraine và phe ly khai miền Đông lại đổ lỗi lẫn nhau.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault cho biết: “Đôi khi chúng ta phải thừa nhận sự thiếu ý thức sẵn sàng thực thi lệnh ngừng bắn trên thực địa”.

Miễn thị thực cho công dân miền Đông Ukraine

Trong bối cảnh thỏa ước ngừng bắn còn đang mong manh, chưa biết hiệu lực tới đâu, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký lệnh cho phép Nga miễn thị thực cho người dân tại khu vực Cộng hòa Nhân dân Luhansk tự xưng và Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng, ở miền Đông Ukraine. Sắc lệnh viết: “Công dân Ukraine và những người trong tình trạng không được công nhận là công dân” tại khu vực miền Đông này “có thể vào và ra khỏi Nga mà không cần thị thực”. Phía Moscow cho biết, lệnh này chỉ có hiệu lực “tạm thời” đến khi tìm được “giải pháp chính trị” để mang lại hòa bình cho miền Đông Ukraine. Hiện nay, có hàng chục nghìn người từ miền Đông Ukraine muốn xin tị nạn tại Nga.

Trước động thái này, chính phủ Ukraine phản ứng tức giận cho rằng, đây là hành động cố tình để gây leo thang căng thẳng. Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin cho biết: “Lệnh miễn thị thực này về cơ bản đi ngược lại logic trong các thỏa thuận Minsk (lập lại hòa bình miền Đông Ukraine) được ký kết vào tháng 2/2015. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko chỉ trích động thái này là “bằng chứng mới nhất về sự vi phạm luật pháp quốc tế của Nga”.

Về phía mình, Nga khẳng định lập trường “không thay đổi” đối với khu vực miền Đông Ukraine - Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov trao đổi với phóng viên RT cho biết. Ông cũng khẳng định, sắc lệnh này phù hợp với Thỏa thuận hòa bình Minsk tại Ukraine. Theo hãng tin RT (Nga), thỏa thuận Minsk được đưa ra nhằm đảm bảo các bên thực thi một cách toàn diện lệnh ngừng bắn trong khu vực, đồng thời đưa ra những cải cách mang tính hiến pháp, tạo điều kiện để trao quyền tự trị lớn hơn và quyền đặc biệt cho khu vực miền Đông Ukraine. Phía Nga chỉ trích Kiev không công nhận sự thay đổi mang tính chính trị này, thay vào đó lại chỉ trích Moscow trong cuộc xung đột bế tắc suốt mấy năm trở lại đây.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.