Du lịch

Nhiều hoạt động văn hóa Tây Bắc trong dịp nghỉ Tết Dương lịch

01/01/2023, 19:16

Khắp Miền Tây Bắc gồm Yên Bái, Sơn La, Lai Châu đều có hoạt động vui chơi, giải trí đặc sắc, hấp dẫn trong dịp nghỉ Tết Dương lịch.

Tại Lai Châu: Huyện Than Uyên long trọng tổ chức Lễ Chào cờ Chào năm mới 2023 một cách trọng thể, trang nghiêm thu hút trên 2.000 người dân và du khách tham gia.

Lễ Chào cờ đầu tiên của 1 năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện niềm tự hào dân tộc, tình cảm trân trọng thiêng liêng với Tổ quốc, góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức, người lao động và Nhân dân các dân tộc trong huyện cùng toàn Đảng bộ, chính quyền huyện Than Uyên phát huy tinh thần, trách nhiệm, thực hiện nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới, phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

img

Lễ Chào cờ Chào năm mới 2023 xếp hình đất nước Việt Nam thu hút trên 2.000 người dân và du khách tham gia.

Nằm trong Chương trình Chào năm mới 2023, huyện Than Uyên (Lai Châu) còn tổ chức các hoạt động như: Bắn pháo hoa (tầm thấp) Chào năm mới 2023; Hội thi văn nghệ dân gian dân tộc Mông; các hoạt động tại không gian văn hóa dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú, Dao; trưng bày ảnh, giới thiệu sản phẩm các điểm du lịch của huyện; giải đua thuyền đuôi én; trình diễn Lễ hội Hạn Khuống dân tộc Thái (nhánh Thái Đen); tổ chức các hoạt động trải nghiệm hái dâu tây, nướng cơm lam (Đồi thông khu 7); check in, chụp ảnh lưu niệm (Love in, khu 9; Vịnh Pá Khôm); du thuyền, biểu diễn văn nghệ (Làng cá Thẩm Phé); tổ chức hoạt động bay trải nghiệm bằng máy bay trực thăng (do Công ty trực thăng Miền Bắc tổ chức)…

img

Vòng xòe gắn kết tình đoàn kết một năm mới bắt đầu.

Tại huyện Mù Cang Chải (Yên Bái): Quảng bá văn hóa truyền thống giã bánh dày chào mừng Xuân mới 2023

Bánh dày là món ăn truyền thống, là nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của người Mông, thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với ông bà, tổ tiên và đất trời. Bánh dày còn là biểu tượng cho tình yêu, sự thủy chung son sắt của trai gái người Mông, bánh dày còn tượng trưng cho Mặt trăng, Mặt trời - là nguồn gốc sinh ra con người và muôn loài trên Trái đất.

img

Đông đảo du khách đến với Hội thi giã bánh dày lần thứ III.

Bánh dày truyền thống của người Mông được làm từ gạo nếp nương thơm dẻo. Thóc nếp được chọn phải là nếp vùng cao không pha tạp. Gạo đồ xôi làm bánh dày được giã thủ công, do vậy khi thóc phơi cũng phải đủ nhiệt độ để khi xay sát hạt gạo không bị gẫy nát mà vẫn giữ được vị thơm ngon, còn nguyên lớp mịn bám ngoài hạt gạo để tăng hương thơm và độ dẻo cho bánh. Gạo nếp được vo qua, ngâm bằng nước suối nguồn từ 2 đến 3 tiếng sau đó vớt ra để ráo nước rồi cho vào chõ để đồ xôi. Cối giã bánh dày được làm bằng thân cây gỗ chắc thớ mịn và khoét rỗng ruột như chiếc thuyền độc mộc. Tranh thủ khi nóng phải giã thật nhanh cho thật mịn nếu để nguội thì khó thực hiện, yêu cầu là người giã phải khỏe mạnh và khéo léo.

img

Đông đảo du khách có những trải nghiệm thú vị tại Lễ hội giã bánh dày tại huyện Mù Cang Chải.

Sau khi giã thật nhuyễn họ nặn thành từng nắm để cho vào mẹt, với bàn tay khéo léo và tỉ mỉ thường là của người phụ nữ nặn thành từng cái hình tròn dẹt, khum khum và cho vào mẹt có quấn theo lá dong tươi hay lá chuối xanh để ngăn những chiếc bánh kết dính với nhau.

img

Các thanh niên đồng bào Dân tộc Mông huyện Mù Cang Chải tham gia giã bánh dày.

Chị Giàng Thị Ái – xã Kim Nọi – huyện Mù Cang Chải phấn khởi cho biết: “Để các hoạt động chào đón xuân mới năm 2023, thực sự mang lại ý nghĩa, thiết thực và thu hút đông đảo người dân trên địa bàn cùng du khách thập phương tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao nhằm tạo sân chơi lành mạnh cho nhân dân sau một năm thi đua, lao động sản xuất và đón chào mùa Xuân về”.

Đến với Mù Cang Chải, mỗi du khách đều không thể bỏ qua đặc sản bánh dày chấm với mật ong. Đây là một cách thưởng thức mà bất cứ ai cũng khó có thể quên về đặc sản bánh dày của dân tộc Mông. Đặc biệt là vào ngày Tết của người Mông Mù Cang Chải (Yên Bái), khi đến chơi nhà dù là người lạ hay người thân đều có quà bánh dày để mang về, mặc dù nhà nào cũng giã cho ngày Tết nhưng đó là tấm lòng của gia chủ mong muốn người nhận có một năm mới an khang sung túc, làm ăn được mùa.

img

Những chiếc bánh dày sau nhiều công đoạn được bày cho các du khách và nhân dân thưởng thức

Tại Lào Cai: Đúng 5h45' tại Ga Lào Cai, chuyến tàu SP3 chở 400 hành khách, trong đó có hơn 250 khách du lịch quốc tế, chạy chiều Hà Nội - Lào Cai cất tiếng còi vào ga. Đại diện ngành du lịch Lào Cai cùng các đơn vị phối hợp tổ chức nghi lễ đón những vị khách du lịch đầu tiên trong năm mới một cách trang trọng.

img

Những du khách đầu tiên đến với Lào Cai bằng đường sắt trên chuyến tàu SP3.

Đón đoàn khách là hình ảnh các cô gái mặc những bộ trang phục dân tộc thiểu số tại Lào Cai; sân khấu nhỏ với những hình ảnh biểu trưng của Lào Cai như đỉnh Fansipan, ruộng bậc thang được dựng lên để du khách check-in; du khách được tặng những bó hoa tươi thắm, vòng tay thổ cẩm và cùng nâng ly rượu vang chúc mừng năm mới.

img

Thời tiết thuận lợi trong ngày đầu tiên của năm 2023, đông đảo du khách đã lên với đỉnh Fansipăng (Lào Cai)

Tại Hà Giang: Sáng 1/1/2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang tổ chức Chương trình đón đoàn khách du lịch đầu tiên đến Hà Giang năm 2023.

img

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm của cùng những vị khách đầu tiên đến Hà Giang năm 2023

Đây là hoạt động thường niên của tỉnh Hà Giang để khởi đầu một năm mới hứa hẹn nhiều khởi sắc cho du lịch Hà Giang. Qua đây, là cơ hội để tỉnh quảng bá hình ảnh về lịch sử, văn hóa và con người Hà Giang; là dịp gặp gỡ, trao đổi của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, liên kết thị trường khách du lịch đầu năm. Những vị khách du lịch đầu tiên đến Hà Giang gồm các ca sỹ, nghệ sỹ, tiktocker đến từ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Các du khách sẽ trải nghiệm khám phá các điểm du lịch tại các huyện vùng cao của Hà Giang.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.