Bất động sản

Nhiều "lá phổi xanh" sắp "biến" thành dự án nghìn dân

27/04/2022, 17:55

Nhiều ao hồ "lá phổi xanh" của Hà Nội sắp "biến" thành dự án nhà ở nghìn dân.

Lấp hồ "trồng" chung cư

Cây xanh, hồ nước vốn được ví như "lá phổi" của TP Hà Nội. Nó giúp không khí điều hoà, giảm khỏi bụi và tăng cường sức khoẻ, ổn định đời sống dân cư.

Nhưng gần đây, nhiều diện tích hồ bị đưa vào kế hoạch sử dụng đất, san lấp để thay vào đó là những dự án nghìn dân.

Đơn cử như: Hồ nước đối diện Mega Market số 126 Tam Trinh sẽ được thu hồi, san lấp xây dựng dự án Khu chung cư và dịch vụ công cộng TDC (Lucky House) với diện tích khoảng 31,6 nghìn m2.

img

Hồ nước gần Gamuda Garden, Gelexia Riverside và Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 được đưa vào kế hoạch sử dụng xây dựng chung cư

Hồ nước gần BV điều trị người bệnh COVID-19 sẽ được thu hồi, san lấp xây dựng dự án xây dựng KĐT Tân Hoàng Mai của Tân Hoàng Minh tại quận Hoàng Mai với diện tích khoảng 50,3 nghìn m2.

Một phần hồ Thanh Trì cũng sẽ được thu hồi, san lấp để làm nhà ở với diện tích khoảng 3,6 nghìn m2. Ngoài ra phải kể đến như: Hồ nước trong ngõ 419 Lĩnh Nam, hồ nước cạnh chung cư 79 Thanh Đàm, Thanh Trì...

Trước thông tin loạt hồ tự nhiên bị "khai tử", chị Nguyễn Thị Quỳnh Như (Hoàng Mai) chia sẻ lo lắng, có hồ nước thì cả khu vực sẽ rất thoáng mát, nó giống như lá phổi xanh. Lấp hồ "bồi" thêm chung cư vào đây thì chắc chắn sẽ thêm quá tải. Không khí, khói bụi ô nhiễm.

Trong khi đó anh Nguyễn Quang Hưng, cư dân phường Hoàng Văn Thụ than thở, hiện giờ chưa san lấp đã thường xuyên tắc đường. Trẻ em rất khó để tìm chỗ chơi. Giờ lấp hồ, xây thêm chung cư thì không biết sẽ ngột ngạt đến mức nào!

Nhiều bất cập trong quản lý ao hồ

Trước thực trạng trên, TS. Nguyễn Thế Đồng, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Viện trưởng Viện Phát triển Tài nguyên và Môi trường cho rằng, ao hồ tự nhiên ở Hà Nội cần được bảo vệ, tôn tạo để tăng giá trị phục vụ cộng đồng.

Khi phát triển đô thị, thậm chí cần phải tạo thêm các hồ nhân tạo, tăng diện tích mặt nước. Trường hợp bắt buộc phải san lấp hồ, ao thì cơ quan quản lý cần công khai thông tin, quy hoạch, chứng minh được lợi ích tổng thể sau khi san lấp ao hồ đối với cộng đồng.

Theo thống kê, Hà Nội có khoảng 122 hồ nội thành, 13 con sông chảy qua. Các sông hồ có vai trò quan trọng trong điều tiết nước mưa, điều hòa không khí, hỗ trợ hệ thống thoát nước trong đô thị, giải quyết vấn đề ngập úng cục bộ.

Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, hiện nay, trong quy hoạch đô thị đã quy định khi xây dựng đô thị ít nhất phải để lại 20% diện tích để làm hồ điều hòa, đường đi lại và công viên cây xanh.

Tuy nhiên, đến nay rất hiếm khu đô thị có hồ, thậm chí Linh Đàm là khu đô thị kiểu mẫu nhưng hồ cũng bị lấp đi một phần.

"Để triển khai hiệu quả các dự án, hạ tầng nhưng tránh ảnh hưởng đến môi trường, trước mắt nên sớm có điều tra cập nhật chi tiết hiện trạng ao hồ Hà Nội, đặc biệt là ao hồ tự nhiên, trên cơ sở đó đối chiếu với quy hoạch, kiến nghị điều chỉnh quy hoạch nếu thấy chưa hợp lý. Ngoài ra, cần định kỳ kiểm tra và xử phạt nghiêm các vi phạm, bên cạnh đó cần bảo vệ, đẩy mạnh tôn tạo lại các hồ ao”, TS. Nguyễn Thế Đồng góp ý.

Trong khi đó, GS.TS.NGND Trần Hiếu Nhuệ, nguyên Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và Công nghệ môi trường cho rằng, diện tích mặt nước, hồ trong một đô thị ở Đồng bằng Bắc Bộ tối thiểu phải ở mức 4-5% diện tích tổng thể. Tuy nhiên thực tế, ở Hà Nội hiện nay, diện tích này chỉ khoảng dưới 1%.

Như vậy, sự phấn đấu để đảm bảo diện tích mặt nước hồ trong đô thị của thủ đô là rất khó. Đó là một áp lực lớn đến các nhà quy hoạch đô thị.

Còn bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng lại cho rằng, việc quản lý ao hồ tự nhiên hiện nay đang có nhiều bất cập, đặc biệt là sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ.

"Thoát nước thì do Công ty thoát nước thuộc Sở Xây dựng quản lý. Cảnh quan môi trường do Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý. Nuôi cá thì do Sở Nông nghiệp quản lý... Bờ xung quanh hồ lại do Công ty cây xanh quản lý.

Vì là hồ chung, sở hữu toàn dân nên sẽ dẫn đến tình trạng người quản lý nào cũng làm tốt vai trò của mình nhưng khi kết hợp lại với nhau thì hồ đó "chết", bà Lý nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.