Thời sự

Nhiều lĩnh vực sẽ không được đầu tư theo phương thức PPP

28/05/2020, 11:44

5 nhóm lĩnh vực đầu tư đã được đưa vào dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

img
5 nhóm lĩnh vực đầu tư đã được đưa vào Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) tại phiên thảo luận trực tuyến của Quốc hội sáng nay về dự thảo Luật này.

Tập trung đầu tư PPP các lĩnh vực quan trọng, thiết yếu

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp 9, Quốc hội khoá XIV, ngày 28/5, Quốc hội thảo luận trực tuyến về Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, hiện còn một số ý kiến đề nghị cần hạn chế lĩnh vực đầu tư PPP, có ý kiến đề nghị cần bổ sung một số lĩnh vực, trong đó có thủy lợi... Vì vậy, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng thu hẹp lĩnh vực, chỉ tập trung đầu tư PPP ở những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, quan tâm đến các dự án lớn có tính liên kết vùng miền, tính lan tỏa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương, đồng thời rà soát lĩnh vực đầu tư PPP trên nguyên tắc bảo đảm ưu tiên thu hút đầu tư tư nhân theo pháp luật về đầu tư.

Dự thảo Luật nêu rõ có 5 nhóm lĩnh vực được lựa chọn là những lĩnh vực quan trọng, thiết yếu liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng (giao thông, thủy lợi), cung cấp dịch vụ thiết yếu (điện, nước, xử lý môi trường), bảo đảm an sinh xã hội (y tế, giáo dục - đào tạo), phù hợp với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 (hạ tầng công nghệ thông tin), thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nâng cao chất lượng đời sống của người dân.

5 nhóm lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP là những lĩnh vực quan trọng, thiết yếu trên cơ sở tổng kết 20 năm thực hiện dự án PPP nhằm tránh mở rộng các dự án PPP, không làm tràn lan vì việc mở rộng cơ chế đầu tư PPP có khả năng dẫn đến rủi ro về cân đối vốn đầu tư công, rủi ro ở cấp độ quốc gia về nợ công, nợ nước ngoài và gây khó khăn cho công tác quản lý ngân sách nhà nước”, báo cáo nhấn mạnh.

Đưa “nhà máy điện” vào lĩnh vực được đầu tư để chống độc quyền

Hiện có một số ý kiến đại biểu đề nghị không quy định “nhà máy điện” là một trong các lĩnh vực được đầu tư theo phương thức PPP. Do còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin trình 02 phương án để Quốc hội xem xét, quyết định. Theo đó, Phương án 1: giữ quy định cho phép áp dụng phương thức PPP đối với lĩnh vực “nhà máy điện (trừ nhà máy thủy điện)”. Phương án 2: không quy định áp dụng phương thức PPP đối với lĩnh vực “nhà máy điện”.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn đại biểu Quốc hội Bạc Liêu) cho rằng, cần thiết đưa nhà máy điện vào lĩnh vực đầu tư PPP vì điện là loại hàng hóa đặc biệt. Khi nhu cầu sử dụng điện giảm sẽ không dự trữ được nguồn điện; nhưng khi nhu cầu tăng cao, sẽ có nguồn điện để đáp ứng, đặc biệt là có thể xuất khẩu. Mặt khác, đảm bảo được yêu cầu an ninh năng lượng.

“Theo báo cáo của Chính phủ, hiện đã có 18 dự án đầu tư nhà máy điện được triển khai thực hiện theo hình thức PPP, thì không lý gì lại không đưa vào lĩnh vực được đầu tư”, đại biểu Tạ Văn Hạ nói.

Đại biểu Mai Ánh Tuyết (đoàn An Giang) cho rằng, việc đưa nhà máy điện vào lĩnh vực được đầu tư PPP sẽ đảm bảo minh bạch, chống độc quyền. Thực tế thời gian qua, người sử dụng điện rất bức xúc tính minh bạch, giá điện và các vấn đề liên quan đến dịch vụ cung cấp điện do tính độc quyền trong cung cấp điện.

“Việc đưa nhà máy điện vào đầu tư PPP là phù hợp nhằm thực hiện tính minh bạch trong định giá điện và tiến tới áp dụng giá thị trường đối với mọi lĩnh vực năng lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, đặc biệt là thành phần kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng, nhằm loại bỏ tính độc quyền, tăng tính cạnh tranh, bình đẳng, minh bạch...”, đại biểu Tuyết nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Chính phủ về tổng kết 20 năm thực hiện dự án PPP, có 336 dự án PPP đã được triển khai, trong đó: Lĩnh vực giao thông có 220 dự án; Lĩnh vực năng lượng (xây dựng nhà máy điện) có 18 dự án; Lĩnh vực giáo dục có 06 dự án; Lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật (cấp, thoát nước, xử lý nước thải, rác thải; xây dựng nhà ở tái định cư, hạ tầng ký túc xá...) có 32 dự án và một số lĩnh vực khác.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.