Thị trường

Nhiều lỗ hổng khiến người thuê trọ chịu giá điện “cắt cổ”

08/05/2019, 06:45

Tồn tại nhiều lỗ hổng, công tác kiểm tra, kiểm soát của cơ quan quản lý hời hợt... khiến hầu hết người thuê trọ phải trả tiền điện giá cao.

img
Hầu hết người thuê trọ vẫn phải trả giá điện cao trái quy định của Nhà nước
(Trong ảnh: Một khu nhà trọ tại ấp 1, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP HCM). Ảnh: SGGP

“Cắn răng” trả tiền điện cao hơn quy định

Theo khảo sát của Báo Giao thông, hầu hết người thuê trọ đều chưa được hưởng giá điện theo quy định của Nhà nước.Thậm chí, như ông T.M.H (trú tại ngõ Thông Phong, Hà Nội, thuê nhà tại Trần Quý Cáp, Hà Nội) sau khi “tố” bị thu tiền điện giá cao lên Công ty Điện lực Đống Đa đã bị chủ nhà đuổi dù hợp đồng chưa hết hạn và tuyên bố không trả lại tiền “cọc”. Tuy nhiên, báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng như Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) lại thể hiện kết quả khá “đẹp mắt”.

Cụ thể, EVN Hà Nội, tính đến hết tháng 4/2019, đơn vị này quản lý bán điện có 12.400 hộ cho sinh viên, công nhân, người lao động thuê nhà để ở. Trong đó có 2.810 hộ được áp định mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang theo quy định của Thông tư 25/2018/TT-BCT (chiếm tỷ lệ 22,6%). Không tính tới 247 hộ không có người thuê trọ và 433 hộ mà chủ nhà không hợp tác, không đồng ý áp giá điện theo quy định thì còn lại 8.910 hộ đang được áp giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thứ 3 (đơn giá 2.014 đồng/kWh cho bậc tiêu thụ từ 101-200 kWh trong kỳ), chiếm tỷ lệ 71,8%.

Sở Công thương Hà Nội cũng thừa nhận, mức giá này vẫn chưa thực sự phản ánh hết sự hỗ trợ về giá điện của Nhà nước cho công nhân, sinh viên và người lao động, người nghèo đi thuê nhà để ở.

Còn theo EVN, toàn quốc hiện có trên 184 nghìn cơ sở cho thuê nhà trọ với 1,6 triệu phòng trọ. Trong đó, số phòng trọ được hưởng giá điện bậc 3 là hơn 393.000 phòng trọ (24,5%) với tổng số chủ nhà trọ là 39.970 (21,7%). Và số cơ sở được áp dụng giá điện sinh hoạt bậc thang chiếm tỷ lệ 78%.

Các đơn vị điện lực đã kiểm tra, rà soát trên 171 nghìn lần song mới lập 36 biên bản vi phạm hành chính.

Quy định rối rắm, nhiều lỗ hổng

Một tình trạng nữa được nhiều người thuê nhà phản ánh với PV Báo Giao thông là công tơ phụ lắp tại các phòng trọ rất nhiều năm không thay, có trường hợp dùng tới 10 năm. Nhiều trường hợp cho biết, khi tắt các thiết bị trong nhà công tơ treo ngoài phòng trọ vẫn quay. Những công tơ này cũng không bị ai kiểm tra giám sát bởi theo quy định công ty điện lực chỉ quản lý công tơ tổng, còn các công tơ phụ đều do chủ nhà tự đi mua về lắp và bảo quản.


Sau khi ông T.M.H “tố” bị thu tiền điện giá cao, Công ty Điện lực Đống Đa, Hà Nội đã yêu cầu kiểm tra và xử lý vụ việc. Đây là trường hợp đầu tiên mà người thuê trọ dám đứng ra tố cáo chủ nhà với công ty điện lực vì sự bất hợp lý về giá điện mà người đi thuê nhà phải chịu.

Thông tin với Báo Giao thông, Công ty Điện lực Đống Đa cho biết đã làm việc với ông H. và đại diện chủ nhà trọ nói trên, thống nhất áp giá điện sinh hoạt bậc 3 đối với trường hợp nhà trọ này (2.014 đồng/kWh chưa bao gồm thuế VAT 10%). Theo lý giải của đại diện Công ty Điện lực Đống Đa, Thông tư 25 không quy định giá điện cụ thể người đi thuê nhà được hưởng mà chỉ quy định tổng số tiền điện chủ nhà thu của những người thuê trọ không vượt tổng số tiền nộp cho ngành điện theo hóa đơn (đơn giá 2.014 đồng/kWh chưa gồm thuế VAT)!

Theo lý giải trên, chủ nhà hưởng giá đầu vào “chốt” ở mức 2.104 đồng/kWh nhưng đầu ra sẽ được tự quy định do tính toán thêm các chi phí khác như tiền điện chiếu sáng chung, tiền điện máy giặt, bơm nước… cho người thuê trọ. Chủ nhà chỉ cần cam kết không thu vượt tổng số tiền phải trả cho ngành Điện. Vì vậy, chủ nhà có thể quy định giá điện cho người thuê là 3.500 đồng/kWh hay 4.000 đồng/kWh mà ngành Điện không thể can thiệp.

Ông H. cho biết, có một điều rất vô lý là trong buổi làm việc, đại diện Công ty Điện lực Đống Đa đã đề nghị ông H. cung cấp bằng chứng về việc chủ nhà thu tiền điện nhiều hơn số tiền nộp cho công ty điện. “Điều này vượt quá khả năng của tôi”, ông H. nói bởi ông không biết thông tin tiền điện của tất cả người ở trọ cũng như không biết số tiền trong hóa đơn chủ nhà phải nộp là bao nhiêu để đối chứng và nộp cho công ty điện. Trong khi đơn vị điện lực không có chức năng điều tra, không có thẩm quyền yêu cầu chủ nhà xuất trình các loại giấy tờ mà phải nhờ công an kinh tế và sở công thương địa phương.

Thông tin với Báo Giao thông, EVN thừa nhận, một trong những khó khăn trong công tác kiểm tra giá bán điện cho sinh viên và người lao động thuê nhà, là việc thu tiền giữa chủ nhà trọ và người thuê trọ hầu hết không có chứng từ, khó xác định vi phạm.

Còn theo Sở Công thương Hà Nội, rất khó thu thập bằng chứng xác thực việc thu tiền điện sai quy định của chủ nhà trọ với người đi thuê nhà để xử phạt do việc thu, trả tiền đều bằng tiền mặt, không có người làm chứng, không có sổ sách, hóa đơn chứng từ ghi chép…

“Trường hợp lực lượng kiểm tra tổ chức kiểm tra tại cơ sở có sự đối chất 3 bên giữa chủ nhà, người đi thuê nhà và kiểm tra viên điện lực của chính quyền địa phương hoặc công ty điện lực địa bàn, nếu không có chứng cứ cụ thể như hóa đơn, chứng từ, tin nhắn, video… và chủ nhà nhất quyết chối cãi hành vi vi phạm, không ký biên bản kiểm tra thì rất khó kết luận. Khi đó chưa đủ căn cứ để làm bằng chứng xác thực”, Sở Công thương Hà Nội khẳng định.

Sở Công thương Hà Nội cho biết đã tổ chức 3 đợt kiểm tra đột xuất việc thực hiện giá bán lẻ điện tại các điểm có nhà cho thuê tại Hà Nội nhưng không phát hiện trường hợp nào vi phạm (?).

img

Kết quả xổ số Vietlott 7/5/2019: Người trúng gần 40 tỷ đồng là ai?

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.