Thị trường

Nhiều mặt hàng nông sản, thủy hải sản ở ĐBSCL biến động do dịch Covid-19

13/07/2021, 06:33

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên giá một số mặt hàng nông sản và thủy hải sản ở vùng ĐBSCL có nhiều biến động, khó khăn trong việc tiêu thụ.

img

Sức mua các mặt hàng thiết yếu của người dân tăng mạnh trong những ngày qua. Ảnh: Trần Khải

Tại tỉnh Cà Mau, đối với mặt hàng nông sản như rau, củ, quả… theo ghi nhận của PV vào sáng 12/7, kể từ khi địa phương này ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng vào ngày 7/7, số lượng người dân trong tỉnh đi chợ mua lương thực, thực phẩm tăng đột biến. Dẫu vậy, số lượng hàng hóa vẫn phong phú, đa dạng đáp ứng nhu cầu cho người dân nên giá cả không quá nhiều biến động.

Tại các điểm chợ như Nông sản thực phẩm phường 7, 8, 4 và xã Lý Văn Lâm của TP. Cà Mau cho thấy, các mặt hàng củ quả như: cà rốt, củ dền, khoai tây, bí đỏ… tăng giá nhẹ. Hiện các mặt hàng này có giá bán ra thị trường từ 22.000 - 28.000 đồng/kg (tăng từ 1.000 - 3.000 đồng/kg, tùy loại).

Riêng các mặt hàng như rau muống, cải xanh, cải xà lách… có giá từ 20.000 - 25.000 đồng/kg; thịt heo 95.000 đồng/kg; trứng gà, vịt có giá bán 25.000 - 30.000 đồng/chục (giá không tăng so với thời điểm trước khi có dịch Covid-19).

Bà Lưu Thị Đẹp, tiểu thương, ngụ xã Lý Văn Lâm, TP. Cà Mau chia sẻ: “Kể từ khi địa phương ghi nhận nhiều ca nhiễm Covid-19 thì sức mua hàng dự trữ của người dân tăng đáng kể. Tuy sức mua hàng tăng nhưng giá cả một số mặt hàng thiết yếu vẫn không đổi so với thời điểm trước. Do người dân ùn ùn đi chợ vào những ngày đầu khi tỉnh ghi nhận có ca mắc Covid-19 để tích trữ thì hôm nay - 12/7, lượng người đi chợ giảm hẳn, rau màu trở nên ế ẩm do người dân ngại ra đường và đã có hàng tích trữ từ nhiều ngày trước”.

img

Dù sức mua tăng nhưng giá cả nhiều mặt hàng vẫn giữ nguyên mức giá so với thời điểm trước. Ảnh: Trần Khải

Tại huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) - nơi được xem là “thủ phủ” của các mặt hàng thủy sản, những ngày qua các mặt hàng như tôm, cua thương lái vẫn mua vào bình thường. Tuy giá cả có giảm nhưng không đáng kể. Anh Tô Trí Dũng, ngụ ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân cho biết hiện giá cua gạch là 340.000 đồng/kg (giảm 10.000 đồng/kg); cua y là 180.000 đồng/kg (giảm 20.000 đồng/kg so với thời điểm trước); tôm sú loại khoảng 20 con/kg là 200.000 đồng (giảm 30.000 đồng/kg); tôm thẻ 80.000 đồng/kg (giảm 20.000 đồng/kg); tôm bạc 30.000 đồng/kg (giảm 20.000 đồng/kg).

Đáng chú ý là giá cả các mặt hàng hải sản tươi sống giảm sâu. Nguyên nhân là đầu mối tiêu thụ ở TP HCM không nhập hàng do ảnh hưởng dịch Covid-19 ở địa phương này đang diễn biến phức tạp.

Ông Lâm Sĩ Em, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển cho hay: “Đối với giá cả các mặt hàng thủy sản trong vuông nuôi, người dân vẫn mua bán bình thường, giá cả có biến động nhưng cũng chấp nhận được. Riêng các mặt hàng hải sản tươi sống như tôm mũ ni, ghẹ giảm sâu do đầu mối ở TP.HCM hiện nay không mua nữa. Trước đây giá các mặt hàng này là 350.000 đồng/kg thì nay chỉ còn 200.000 đồng/kg. Mong sao tình hình dịch bệnh sớm được khống chế, để cuộc sống, sản xuất của người dân hoạt động trở lại như trước đây”.

img

Theo bà Lưu Thị Đẹp, tiểu thương, ngụ xã Lý Văn Lâm, nhiều mặt hàng rau củ tăng nhẹ. Ảnh: Trần Khải

Ông Duy Quốc Tuấn, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) thông tin: “Các mặt hàng nông sản, rau màu của bà con trên địa bàn vẫn mua bán bình thường chứ địa phương chưa ghi nhận phản ánh khó khăn gì từ người dân. Riêng tôm, cua… hoạt động mua bán vẫn diễn ra nhưng giá thì có giảm nhẹ, khoảng 10.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch Covid-19”.

Chia sẻ về mức giá và điều kiện vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm vào địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Cà Mau cho biết: “Sở GTVT không quản lý về giá cả vận chuyển hàng. Hiện việc vận chuyển hàng hóa bây giờ đã được thực hiện theo hình thức xã hội hóa, các nhà xe đều cạnh tranh với nhau nên người dân có nhiều sự lựa chọn, nếu cao quá thì thuê chỗ khác.

img

Một số mặt hàng thủy hải sản có nhiều biến động theo chiều giảm. Ảnh: Trần Khải

Thông thường khi vận chuyển hợp đồng đều có sự thống nhất của cả hai bên. Về điều kiện vận chuyển hàng hóa vào địa phương theo hình thức tập trung, người chở hàng vào tỉnh phải có phiếu xét nghiệm âm tính. Tài xế chở hàng từ vùng dịch về phải tập trung ở bến bãi theo quy định và không được tiếp xúc với người bên ngoài. Sau khi xuống hàng xong thì lên xe ngược trở lại. Và các doanh nghiệp vận tải phải đăng ký danh sách để đơn vị nắm, quản lý và thông báo cho chính quyền địa phương giám sát”.

Nhưng tại huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ, đang xuất hiện tình trạng trái cây đã đến ngày thu hoạch nhưng không tiêu thụ được, khiến cho người trồng và thương lái gặp không ít khó khăn. Ông Mai Thanh Hải, thương lái thu mua trái cây ở huyện Phong Điền thở dài: “Mấy ngày nay có mua bán gì được đâu, như xoài trước đây giá khoảng 30.000/kg đồng nay chỉ còn 8.000 đồng/kg mà không tiêu thụ được, dưa hấu thì không ai mua. Nguyên nhân là các chợ đầu mối đóng cửa và các địa phương yêu cầu khi phương tiện lưu thông liên tỉnh phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19. Hiện nay ở các nhà vườn, trái cây đã chín mà mình không mua được do không có đầu ra. Không biết tình trạng này kéo dài thêm bao lâu nữa, mong rằng đại dịch sớm qua mau”.

Tại chợ Phong Điền, Cái Răng vào sáng 12/7 - ngày đầu Cần Thơ giãn cách xã hội hai quận trung tâm là Ninh Kiều và Cái Răng theo Chỉ thị 16, các quận huyện còn lại theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, giá một số loại nông sản tại chợ tăng cao. Nguyên nhân do nhiều người đổ xô mua đồ tích trữ, nên một số tiểu thương tự ý tăng giá.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.