Vì sao xuất hiện nhiều kiến ba khoang?
Đến Bệnh viện Da liễu Trung ương khám với khu vực quanh mắt sưng vù, tấy đỏ, ông L.B.C cho biết dù không đau nhức nhưng phần cơ quanh mắt ông căng cứng. Qua thăm khám, bác sĩ xác định ông C bị viêm da tiếp xúc với dịch độc tố của kiến ba khoang và cho thuốc bôi điều trị ngoại trú".
Ông C cho biết vào chiều hôm trước, khi đang chạy xe máy thì ông cảm nhận có vật gì đó đập vào gần mắt nên đưa tay lên gạt. Hai giờ sau, vùng mặt bắt đầu sưng rồi cứ thế to dần, khiến quanh mắt căng cứng, rất khó chịu.
"Ban đầu tôi không nghĩ đến kiến ba khoang vì lúc đó đang đi xe máy, chỉ nghĩ cát sỏi gì bắn vào gần mắt mà thôi", ông C nói.
Những ngày này ở Bệnh Da liễu rất đông người đến khám với vùng da sưng tấy, đỏ rát vì nguyên nhân giống như ông C. BS Quách Thị Hà Giang, Phó trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu cho biết: "Viêm da do kiến khoang là dạng viêm da kích ứng do chất tiết từ kiến ba khoang gây ra, làm hoại tử, gây rát đỏ, hình thành vẩy nước tạo thành vệt, có thể có lõm trắng ở giữa. Các dấu hiệu này thường xuất hiện người dân sau tiếp xúc với chất dịch độc trong kiến ba khoang chừng vài giờ đồng hồ. Đối tượng bị viêm da tiếp xúc kiến ba khoang đến khám gặp ở nhiều lứa tuổi khác nhau".
"Thời gian gần đây, hầu như ngày nào bệnh viện cũng tiếp nhận vài ca là nạn nhân của kiến ba khoang. Mới ngày hôm qua, chúng tôi khám cho bệnh nhân mới 2 tuổi, được mẹ đưa đến trong tình trạng sốt nhẹ, quấy khóc và cả mảng da kéo dài từ tai xuống đến cổ, gáy rát đỏ, sưng nề, một số vị trí có vết trợt có mủ trên bề mặt.
Khi có xuất hiện vệt dát đỏ nhỏ, gia đình nghĩ đến bệnh zona nên tự mua thuốc bôi trong 2 ngày. Tuy nhiên, bôi thuốc không đỡ mà vết rát đỏ lan rộng hơn, con ngứa ngáy, kêu khóc nhiều nên gia đình đưa đến khám. Trường hợp này được xác định viêm da tiếp xúc dịch độc tố kiến ba khoang, chúng tôi chỉ định trẻ dùng hồ Neopred bôi để giảm tiết dịch, giảm viêm kết hợp với kháng sinh toàn thân", BS Giang nói.
Nếu như mọi năm, viêm da tiếp xúc kiến ba khoang chỉ xuất hiện từ tháng 7 khi mưa nhiều, thì năm nay, theo BS Giang, quanh năm, hầu như ngày nào cũng có bệnh nhân tới khám. Tuy rải rác quanh năm, nhưng vẫn có đợt đông bệnh nhân đến khám hơn, như vài tuần trở lại đây.
"Thay đổi giao mùa, mưa nhiều là yếu tố thời tiết tăng kiến ba khoang xuất hiện. Ngoài ra, có thể do quá trình đô thị hóa, môi trường sống thay đổi, kiến vốn thường ở vùng đồng ruộng, cây mục, ao hồ, công trường xây dựng… nay xuất hiện nhiều hơn kéo theo việc tiếp xúc gây tổn thương cũng nhiều hơn.
Bên cạnh đó, có thể do nhận thức của người dân cao hơn, chất lượng cuộc sống cao hơn nên người dân tìm đến khám chuyên khoa nhiều hơn khi thấy bất thường viêm da…", BS Giang lý giải thêm.
Dễ nhầm lẫn với các bệnh khác
Các bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương từng tiếp nhận nam bệnh nhân đến khám với triệu chứng vùng bìu sưng nề, chảy dịch, đau nhức. Bệnh nhân nghĩ rằng bị mắc bệnh lây qua đường tình dục nhưng kết quả thăm khám xác định viêm da vùng sinh dục do tổn thương tiếp xúc với kiến ba khoang.
BS Giang cho biết trong quá trình thăm khám gặp nhiều bệnh nhân không biết mình bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang mà nghĩ giời leo, zona nên tự ý dùng thuốc, hoặc dùng các phương pháp điều trị dân gian… Thường gặp nhất là ở trẻ em. Cha mẹ hay nhai gạo nếp, đỗ xanh nhay rồi đắp lên vết thương, hoặc bị chẩn đoán nhầm nên dùng thuốc bôi Acyclovir, khiến tổn thương không đỡ, lại nặng hơn và lan rộng.
Trong khi việc nhận biết đúng nguyên nhân của tổn thương sẽ tránh được việc dùng các phương pháp sai cách, gây hệ lụy sau khi vết thương lành sẽ thường để sẹo thâm, tăng sắc tố da rất khó phục hồi, gây mất thẩm mĩ.
Thông thường với tổn thương vùng nhỏ thì sau 1-2 tháng, các vết thâm mờ đi. Tuy nhiên, với trường hợp tiếp xúc với lượng dịch độc tố trong kiến ba khoang nhiều sẽ gây tình trạng gây bỏng, hoại tử da, để lại sẹo.
Kiến ba khoang không cắn hoặc chích mà chỉ khi chúng ta bị tổn thương do tiếp xúc hay cọ vào chúng. Chất độc paederin trong cơ thể kiến có thể làm tổn thương da người (bỏng da, viêm da).
Để phòng tránh tổn thương do kiến ba khoang, điều quan trọng là không được để dịch tiết của kiến ba khoang tiếp xúc với cơ thể. Nếu nhìn thấy kiến ba khoang trên người thì không nên dùng tay không để đập, mà nên có tờ giấy để kiến ba khoang bò ra giấy.
Nếu lỡ tay đập hoặc chà xát kiến ba khoang trên da thì phải nhanh chóng rửa sạch nơi tiếp xúc bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý, xà phòng, tránh đưa tay đã tiếp xúc với kiến chạm vào các vùng da khác. Sau đó đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, không nên tự điều trị để tránh các biến chứng nặng hơn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận