Xem - ăn - chơi

Nhiều người xin chữ mà không biết thẩm định, thưởng thức

04/03/2015, 16:00

Xin chữ có vẻ như biểu hiện của sự cầu may chứ không phải thưởng thức cái hay của nghệ thuật ngôn từ.

Pham Van Anh
TS Phạm Văn Ánh

TS Phạm Văn Ánh - chuyên gia nghiên cứu Văn học cổ trung đại và Hán Nôm (Viện Văn học), thành viên Ban giám khảo chấm thi mảng chữ Hán nhằm tuyển chọn người vào viết chữ trong Hồ Văn, Quốc Tử Giám Tết Ất Mùi đã có những chia sẻ về việc xin chữ đầu năm cũng như để việc xin, cho và chơi chữ được thanh cao.

- Ông đánh giá thế nào về người xin chữ cũng như người cho chữ hiện nay?

Kì thi Hán học cuối cùng ở nước ta diễn ra năm 1919, từ đó, Hán học không được chú trọng, những người được đào luyện trong môi trường khoa cử kiểu cũ cao tuổi rồi mất dần, đến nay tuyệt không còn ai. Tới thời điểm hiện tại, chỉ có vài ba cơ sở đào tạo chuyên ngành Hán Nôm từ đại học trở lên, nhưng số lượng người học cũng tương đối ít. Một số chuyên ngành khác như lịch sử, du lịch, văn chương, báo chí… tuy có học Hán Nôm nhưng thời lượng không nhiều, trong khi đó Hán Nôm là lĩnh vực khó, nếu không nỗ lực học tập, trau dồi thêm thì chữ nghĩa cũng rơi rụng, dần dà chẳng còn được là bao.

Trên phạm vi cả nước hiện nay, số người thực sự am tường Hán Nôm không nhiều. Biết Hán Nôm, giỏi Hán Nôm là điều kiện cần thiết cho việc luyện tập thư pháp nhưng không có nghĩa là một người nào đó giỏi Hán Nôm thì sẽ giỏi về thư pháp và có khả năng thưởng thức được thư pháp một cách tương đối tốt.

Theo quan sát của cá nhân tôi trong khoảng 15 năm gần đây, trên phạm vi cả nước, số người tương đối giỏi về thư pháp Hán Nôm rất ít, chưa chắc được đến ba bốn chục người. Những người này tập trung chủ yếu ở Hà Nội, Huế và Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó đông nhất là Hà Nội.

Sơ qua mấy nét như vậy, đủ thấy rằng gần đây tuy có nhiều người cho/bán chữ và xin/mua chữ, song trong số đó chỉ có một số rất ít người giỏi thư pháp thực sự, còn người đi xin thì đa số không biết chữ Hán và do đó không có khả năng thẩm định và thưởng thức. Chính vì những người đi xin/mua chữ gần đây tuyệt đại bộ phận do không hiểu chữ Hán nên thấy nó huyền bí, có tính thiêng, vì thế nội dung chữ mà họ xin chính là ước vọng của họ, và họ hi vọng cái ước vọng đó sẽ trở thành hiện thực; xin chữ do đó có vẻ như biểu hiện của sự cầu may chứ không phải xin chữ để thưởng thức cái hay của nghệ thuật ngôn từ và cái đẹp về phương diện thư pháp.

- Có ý kiến cho rằng, cho chữ hiện nay trở thành cuộc mua bán, không còn đúng nét văn hóa đẹp như ngày xưa?

Như bạn muốn có một bức tranh chân dung thật đẹp, nghe nó họa sĩ kia giỏi vẽ chân dung, bạn đến xin vẽ cho một bức, không nhẽ người ta vẽ xong, bạn ưng, nhận lấy, cảm ơn rồi về mà không trả tiền cho người vẽ ư? Như thế là phi lễ, vô văn hóa. Thời xưa, người đi xin chữ bao giờ cũng phải có lễ đến tận nhà người mình muốn xin, trình bày đầu cuối ngọn ngành, sang thì kép, hẹp cũng phải “kiếm một cơi trầu sang kính cụ, xin đôi câu đối để thờ ông”.

Đến buổi suy tàn của Hán học, ông đồ mới phải mang nghiên bút ra chỗ “bên phố đông người qua”, nhưng “tay tiên thảo những nét, như phượng múa rồng bay” mà người xin không trả tiền thì ông đồ của Vũ Đình Liên sống bằng gì? Xưa xin chữ phải có lễ, phải trả tiền, nay cũng vậy thôi, có điều đối với chữ nghĩa, việc cho/bán, xin/mua cần làm sao cho trang nhã, lịch sự.

- Làm sao để việc xin chữ, cho chữ ngày nay lấy lại được hồn cốt của phong tục xưa?

Xưa là một thời, nay là một thời, ở thời nay mà mong muốn giống như thời xưa là rất khó. Dẫu vậy chúng ta vẫn có quyền hi vọng sau mỗi năm xuất hiện thêm những người giỏi về thư pháp đồng thời mặt bằng dân trí cũng cao hơn, ngày càng nhiều người hiểu và có khả năng thưởng thức được thư pháp.

- Để tránh tình trạng xin phải chữ xấu, chữ sai, người dân cần làm gì?

Vấn đề quan trọng là ở chỗ người dân có biết thế nào là xấu – đẹp, sai – đúng không? Nếu không biết phân biệt thì xấu – đẹp, sai – đúng cũng như nhau cả, còn phân biệt làm gì nữa? Tất nhiên, tâm lí chung của người đi xin/mua chữ không ai muốn xin phải chữ viết sai, viết xấu; trong trường hợp này, nên xin chữ ở những người có trình độ, “có hoa tay” về thư pháp như Ái Châu - Lê Quốc Việt, Tiểu Hạng – Nguyễn Trung Hoàng Long, Nam Long – Nguyễn Quang Duy, Xuân Như – Vũ Thanh Tùng… Điều đáng chú ý là những tay bút này đều trẻ tuổi và không ai trong số họ “tốt râu”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.