Hạ tầng

Nhiều nhà đầu tư ngoại muốn “mua” 3 tuyến cao tốc

15/07/2015, 06:09

VEC đang lên các phương án để sẵn sàng chuyển nhượng quyền khai thác, quản lý, vận hành cả ba tuyến cao tốc lớn.

17
Nội Bài - Lào Cai là một trong những cao tốc được các nhà đầu tư châu Âu đặc biệt quan tâm
Ảnh: Tiến Mạnh

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) đang lên các phương án để sẵn sàng chuyển nhượng quyền khai thác, quản lý và vận hành cả ba tuyến cao tốc lớn là Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai và TP HCM - Long Thành - Dầu Giây...

Cao tốc Nội Bài - Lào Cai nhượng quyền trong 45 năm

Ông Mai Tuấn Anh, Tổng Giám đốc VEC cho biết, hiện đơn vị đã xây dựng đề án cổ phần hóa tổng công ty. Trong đề án tái cơ cấu, VEC đề nghị Chính phủ cho phép nâng số vốn điều lệ lên 22 nghìn tỷ đồng thay vì 1 nghìn tỷ đồng như trước đây để doanh nghiệp có thêm nguồn lực tham gia đầu tư vào các dự án tiếp theo. Bên cạnh đó, việc thay đổi cách tiếp cận và triển khai các dự án cao tốc mới theo hướng xã hội hóa là mục tiêu tối quan trọng được VEC đặt ra. Ngoài vốn chủ sở hữu, VEC sẽ huy động các nguồn vốn tư nhân để thực hiện.

"Nhiều nhà đầu tư quan tâm đến ba dự án khẳng định có đủ tiềm lực về tài chính bởi nguồn tiền ở châu Âu hiện nay rất dồi dào và việc huy động tài chính của họ khá dễ dàng”.

Ông Mai Tuấn Anh 
Tổng Giám đốc VEC

Ông Tuấn Anh cũng cho biết, VEC đang xây dựng đề án cổ phần hóa và chuyển nhượng quyền khai thác, quản lý, vận hành ba dự án cao tốc: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai và TP HCM - Long Thành - Dầu Giây để có thêm nguồn lực đầu tư các dự án cao tốc mới. Theo đó, dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình, tổng mức đầu tư hơn 8 nghìn tỷ đồng, VEC xây dựng phương án đảm bảo cổ phần hóa cũng như chuyển nhượng quyền khai thác trong vòng 30 năm với vốn điều lệ khoảng 1.500 tỷ đồng. Tương tự, cao tốc Nội Bài - Lào Cai, phương án VEC xây dựng để cổ phần hóa với vốn điều lệ khoảng 3.400 tỷ đồng. Do đây là dự án có tổng mức đầu tư rất lớn và toàn bộ là vốn đi vay nên phương án tài chính khi chuyển nhượng được VEC xây dựng lên tới 45 năm.

Được đánh giá là dự án đang phát huy hiệu quả nhất, khi lưu lượng xe tăng trưởng vượt bậc, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây được VEC tính toán thành lập công ty cổ phần hoặc chuyển nhượng trong vòng 30 năm với vốn điều lệ khoảng 6.400 tỷ đồng. “Chỉ tính đơn thuần, khi cổ phần hóa từ nguồn vốn điều lệ tại ba dự án cao tốc nói trên, tối thiểu VEC cũng huy động được hơn 10 nghìn tỷ đồng để tạo nguồn lực triển khai đầu tư các dự án tiếp theo”, ông Mai Tuấn Anh cho hay.

Đảm bảo lợi ích nhà đầu tư

Theo ông Mai Tuấn Anh, trong các phương án chuyển nhượng đưa ra, VEC đã tính toán để đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư. Ngoài việc thực hiện các nghĩa vụ trả nợ theo từng dự án, nhà đầu tư phải cam kết bỏ chi phí trong quá trình khai thác, vận hành: Chi phí sửa chữa thường xuyên, trung tu, đại tu... Đồng thời, sau khi hết thời hạn nhượng quyền, nhà đầu tư sẽ bàn giao lại công trình cho Nhà nước.

Hiện tại, rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài dành sự quan tâm đặc biệt đến việc chuyển nhượng ba dự án cao tốc này. “Một số tập đoàn đến từ châu Âu đã cử nhiều đoàn công tác sang khảo sát rất kỹ lưỡng, từ việc khai thác, vận hành đến chất lượng công trình của các dự án cao tốc”, ông Tuấn Anh thông tin.

Tuy nhiên, vấn đề khó khăn trong quá trình đàm phán hiện nay là nhiều doanh nghiệp nước ngoài bày tỏ quan ngại về hành lang pháp lý của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư. Đơn cử, khi chuyển nhượng dự án cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây có số vốn điều lệ dự kiến lên tới hơn 6 nghìn tỷ đồng, để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư, việc đấu thầu bắt buộc phải theo thông lệ quốc tế. Hồ sơ pháp lý và các thủ tục liên quan phải đảm bảo công khai, minh bạch theo đúng quy định pháp luật Việt Nam, nhưng quy trình đấu thầu, chuyển nhượng các dự án hạ tầng của chúng ta vẫn chưa hoàn chỉnh.

Chia sẻ thêm với Báo Giao thông, ông Mai Tuấn Anh cho biết, VEC đang nghiên cứu thành lập Trung tâm Nghiên cứu phát triển Tổng công ty để nghiên cứu toàn bộ cơ chế, thể chế của các nước tiên tiến trong lĩnh vực đầu tư các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP). “Chính phủ đã ban hành Nghị định về PPP nhưng chúng tôi mong muốn nghiên cứu thêm những mô hình mà các nước trên thế giới đã thực hiện thành công và thất bại để rút ra bài học kinh nghiệm cho mình”, ông Tuấn Anh nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.