Điều tra

Nhiều nhà mạng tiếp tay cho đường dây đánh bạc nghìn tỷ?

20/03/2018, 08:06

Theo cơ quan điều tra, hoạt động tổ chức đánh bạc qua game bài khó có thể thực hiện được với quy mô lớn...

14

Tiền chơi bạc từ thẻ cào chiếm 97% tổng lượng tiền chơi bạc qua các cổng trung gian thanh toán

Nhà mạng vẫn chưa lên tiếng

Để tham gia chơi các trò chơi cờ bạc trên cổng game Rikvip, người chơi phải nạp tiền bằng thẻ điện thoại của 3 nhà mạng lớn là Vinaphone, Mobifone và Viettel hoặc gửi tin nhắn qua các đầu số dịch vụ (9029; 8798). Cụ thể, khi đăng nhập tài khoản vào cổng game Rikvip, hệ thống game này sẽ hướng dẫn người chơi cách nạp thẻ, nhắn tin theo cú pháp với số tiền tương ứng nhu cầu sử dụng. Điều này cũng có nghĩa thẻ điện thoại là một loại “đồng tiền trung gian” giữa người chơi và cổng game trực tuyến.

"Bộ TT&TT đang nghiên cứu để đề xuất giải pháp ngăn chặn các kênh thanh toán cho các dịch vụ bất hợp pháp trong đó có game lậu, game cờ bạc, thanh toán qua ngân hàng hoặc bằng thẻ cào điện thoại. Nếu bắt buộc là tiền thì phải chuyển qua ngân hàng… Muốn siết được game cờ bạc, game lậu, dứt khoát phải quản được thanh toán bằng thẻ cào điện thoại”.

Phó chánh Thanh tra Bộ TT&TT
Đỗ Hữu Trí

Theo cơ quan điều tra, hoạt động tổ chức đánh bạc qua game bài khó có thể thực hiện được với quy mô lớn như Rikvip nếu không có các cổng trung gian thanh toán và các loại thẻ cào. Cụ thể, tiền chơi bạc từ thẻ cào chiếm 97% tổng lượng tiền chơi bạc qua các cổng trung gian thanh toán, trong đó, các doanh nghiệp viễn thông (Viettel, Vinaphone, Mobifone) được hưởng từ 15,5 - 16,3%. Với tỷ lệ “ăn chia” này, các nhà mạng được hưởng khoảng 1.402 tỉ đồng.

Trước nguồn lợi khủng mà các nhà mạng nhận được từ hoạt động đánh bạc trá hình của Rikvip, dư luận đặt ra hàng loạt vấn đề liên quan: Thẻ điện thoại được phát hành dùng để chi trả cho dịch vụ viễn thông vậy mà các nhà mạng lại chấp nhận, cho phép sử dụng thanh toán qua các đầu số dịch vụ hoặc cổng thanh toán trung gian khác để chi trả dịch vụ ngoài viễn thông? Hoạt động này căn cứ quy định nào? Trách nhiệm liên đới của nhà mạng trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ vừa bị khởi tố ra sao? PV Báo Giao thông đã gửi những câu hỏi trên tới các cả 3 nhà mạng. Sau nhiều lần khất hẹn, chiều 19/3, đại diện Viettel cho biết, đơn vị này đang phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra để xác minh làm rõ thông tin. "Khi nào có kết luận cuối cùng, chúng tôi sẽ chủ động cung cấp tới báo chí", đại diện đơn vị này cho biết. Tương tự, đại diện Vinaphone cũng cho hay: “Đang phối hợp với cơ quan điều tra, cung cấp hồ sơ tài liệu đúng, đủ, kịp thời theo yêu cầu để sớm có kết luận vụ việc”.

Phải siết chặt thanh toán bằng thẻ điện thoại

Chiều 19/3, trao đổi với PV Báo Giao thông, một chuyên gia am hiểu thanh toán ngân hàng lý giải đường đi của dòng tiền trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ qua nhiều khâu gồm: Trung gian thanh toán, cổng thanh toán, trung gian cung cấp dịch vụ. Vị này cho rằng, trung gian thanh toán sẽ tham gia ở giai đoạn đầu khi tiền được chuyển từ ngân hàng (khi người mua thẻ thực hiện lệnh) để đến một trung gian thực hiện chuyển tiền thật thành các loại “tiền ảo” trong tài khoản người chơi. Từ các khâu này, dòng tiền sẽ lòng vòng tại các trung gian cung cấp dịch vụ và cổng thanh toán. Vậy tiền thật đã đi đâu? Vị này cho biết, tiền thật tất nhiên là được chuyển lại cho nơi bán thẻ điện thoại, chính là các nhà cung cấp thẻ điện thoại. “Lỗ hổng lớn nhất, đó là thẻ cào điện thoại không những dùng để trả cước điện thoại, tin nhắn, mua dịch vụ mạng mà còn có thể được nạp vào ví điện tử để mua thẻ game. Do đó, nếu siết thì phải siết ngay khâu này”, vị chuyên gia phân tích.

Lỗ hổng thứ hai là sự chuyển dịch từ điểm thắng bạc tiền. Khi người chơi thắng, từ số điểm thắng bạc có thể đổi lại thành thẻ điện thoại hoặc các loại vật phẩm khác. Những vật phẩm này sẽ được bán lại cho một đơn vị trung gian (có thể là cổng thanh toán). Đơn vị trung gian này có thể đổi lại cho người thắng bằng tiền mặt hoặc chuyển vào ví điện tử (liên thông với tài khoản ngân hàng) thông qua việc phát hành hóa đơn đầu ra. “Thông thường là trả bằng tiền mặt vì sẽ không để lại dấu vết, còn rút tiền từ tài khoản có liên thông với ví điện tử sẽ để lại dấu vết ngay”, vị chuyên gia nói. Việc chuyển đổi ra tiền mặt cho người chơi của đơn vị trung gian nói trên cũng là lỗ hổng cần phải “lấp”. Mặt khác, một hệ lụy nguy hiểm nữa là việc chuyển tiền từ tài khoản game sang tài khoản ở nước ngoài cũng rất dễ dàng, khó có thể kiểm soát được.

Trước đó, cơ quan điều tra cũng nhận định: Các cổng trung gian thanh toán đóng vai trò quan trọng trong hoạt động tổ chức đánh bạc trực tuyến nhưng việc quản lý còn rất lỏng lẻo. Hiện nay, do thiếu hành lang pháp lý chặt chẽ nên hoạt động này không được Ngân hàng Nhà nước coi là hoạt động trung gian thanh toán để quản lý, trong khi Bộ Thông tin và Truyền thông cũng không quản lý hoạt động thanh toán bằng thẻ cào.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico, Việt Nam có khoảng 20 trung gian thanh toán. Trong đó phổ biến nhất là VNPT EPAY, Ngân Lượng, Home Direct… đều đã được cơ quan công an nêu trong đường dây đánh bạc online nghìn tỷ. “Các cổng thanh toán trung gian có thể quy từ thẻ điện thoại ra một loại “tiền” để có thể mua được cái này, mua được cái kia là một sơ hở chết người”, ông Đức nhận định. Ngoài ra, vị luật sư cũng cho rằng việc con bạc có thể rút ngược tiền ra ngoài mà không qua hệ thống ngân hàng cũng là một sơ hở nghiêm trọng. Liên quan tới vai trò quản lý của Ngân hàng Nhà nước khi cấp phép thanh toán trung gian cho các công ty, vị luật sư nhận định: “Theo cách liệt kê giao đầu việc, Ngân hàng Nhà nước chỉ quản lý những giao dịch bằng tiền. Tuy nhiên, với tư cách cấp phép cho các trung gian thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cũng phải có trách nhiệm theo dõi, giám sát hoạt động của các công ty này. Khi phát hiện bất cập cần phải chủ động đề xuất phương án ngăn chặn”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.