Góc nhìn

Nhiều nước khốn đốn khi Trung Quốc ngừng nhập rác thải

25/10/2018, 08:28

Nhật Bản, Malaysia, Liên minh châu Âu… đang phải “đau đầu” để giải quyết rác thải tái chế ứ đọng sau khi Trung Quốc...

27

Trong vòng 25 năm qua, Trung Quốc đã tiếp nhận 45% lượng rác thải nhựa trên toàn cầu

Nhật Bản, Malaysia, Liên minh châu Âu… đang phải “đau đầu” để giải quyết rác thải tái chế ứ đọng sau khi Trung Quốc ban hành lệnh cấm nhập khẩu đối với 24 loại rác thải rắn như vỏ chai nhựa, giấy các loại, thép tái chế và ấn phẩm tái chế.

Khi Trung Quốc từ chối làm “bãi rác toàn cầu”

Nhật Bản là nước xuất khẩu 1/2 trong số 1,5 triệu tấn rác thải nội địa mỗi năm. Quốc gia này hiện phải chứng kiến các bãi rác cao như núi đang vươn cao hơn mỗi ngày, buộc chính quyền các địa phương phải nhanh chóng tìm cách xử lí.

Một cuộc khảo sát được thực hiện gần đây đối với 102 địa phương ở Nhật Bản cho thấy, vấn đề đang trở nên cấp bách. Ít nhất 34 thành phố của xứ sở hoa anh đào thừa nhận rằng, họ không biết tìm điểm chứa rác tái chế mới ở đâu, trong khi chi phí xử lý rác thải trong nước ngày càng tăng. Còn tại nhiều nơi, rác tích trữ đã khiến cho chỉ số vệ sinh môi trường cho phép vượt quá tiêu chuẩn nhiều lần.

Các doanh nghiệp tái chế Nhật Bản cũng đang lâm vào cảnh quá tải. Hiện, 34,9% các công ty hoạt động trong lĩnh vực này của Nhật đã hạn chế hoặc cân nhắc giới hạn số lượng rác nhựa nhận vào.

Để đối phó với vấn đề môi trường nan giải, Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe cho biết sẽ vào cuộc nhằm gia tăng năng lực xử lí rác thải trong nước, ngăn chặn xả rác trái phép cũng như thúc đẩy việc sử dụng chất nhựa sinh học, thân thiện với môi trường để sau khi con người không sử dụng chúng có thể tự phân hủy được.

Vấn đề tương tự cũng xảy ra tại Anh, quốc gia xuất khẩu ra nước ngoài 2/3 lượng rác thải tái chế vào năm ngoái. Hiệp hội các chính quyền địa phương (LGA) của xứ sở sương mù đã thừa nhận rằng lệnh cấm nhập khẩu rác của Bắc Kinh đã khiến các thành phố Anh tốn thêm 500.000 bảng để xử lí rác mỗi năm.

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng từng là khách hàng lớn nhất của ngành công nghiệp tái chế của Mỹ. Theo Viện Nghiên cứu tái chế phế liệu của Mỹ (ISRI), trong năm 2016, xuất khẩu phế liệu của Hoa Kỳ sang Trung Quốc đạt 5,6 tỷ USD và cung cấp cho ngành công nghiệp 155.000 việc làm.

Một thực tế cho thấy, khi Trung Quốc từ chối làm “bãi rác toàn cầu”, nhiều cường quốc phát triển đã chuyển hướng dòng rác sang một nước thứ ba.

Nhiều công ty Trung Quốc cũng đã chuyển điểm hoạt động tái chế sang Malaysia, nhưng quốc gia Đông Nam Á này vẫn không thể thay thế Trung Quốc. Tuần vừa qua, Malaysia đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu rác trong 3 tháng. “Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để đảm bảo rằng đất nước sẽ không bị biến thành thùng rác thải nhựa của các nước phát triển”, Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ, Môi trường và Biến đổi khí hậu Malaysia, ông Yeo Bee Yin khẳng định trong cuộc họp báo mới đây.

Các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á hiện cũng đang hạn chế nhập khẩu rác thải nhựa, trong đó, Thái Lan dự định sẽ cấm nhập khẩu rác vào năm 2021.

Cách giải quyết của EU

Ủy ban châu Âu (EC) mới đây đã công bố đề xuất cấm hết các sản phẩm nhựa dùng một lần vào thị trường, trong đó, bao gồm 10 mặt hàng chiếm tới 70% lượng rác đang gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng. Động thái này được đưa ra khoảng 6 tháng sau khi Trung Quốc cấm hàng triệu tấn chất thải nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU).

Đề xuất mới cho biết, lệnh cấm được áp dụng cho các sản phẩm nhựa sử dụng một lần ở những nơi nào có giải pháp thay thế “sẵn có và với giá cả phải chăng”. Trong trường hợp không có sản phẩm thay thế, chính quyền khuyến cáo nên hạn chế sử dụng chúng thông qua chương trình cắt giảm nhu cầu tiêu thụ quốc gia.

Rào cản để các sản phẩm nhựa dùng một lần bày bán tại EU cũng sẽ tăng lên, như yêu cầu bình đựng đồ uống sử dụng một lần sẽ chỉ được phép bán trên thị trường nếu nắp đậy được gắn liền với thân chai.

EC cũng đề nghị các nước thành viên EU sẽ phải bắt đầu chủ động giảm việc sử dụng sản phẩm từ nhựa bằng cách: Thiết lập các mục tiêu quốc gia nhằm giảm sử dụng đồ nhựa, tạo điều kiện cho các sản phẩm thay thế có sẵn tại các điểm bán hàng, cũng như đảm bảo rằng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần không được cung cấp miễn phí.

Bên cạnh đó, các nhà sản xuất sản phẩm nhựa như hộp đựng thức ăn, vỏ chai nước, bao gói, túi bóng,… cũng sẽ phải tham gia chiến dịch nêu trên bằng cách chia sẻ chi phí quản lý và làm sạch chất thải. Các công ty này cũng sẽ được khuyến khích để phát triển các sản phẩm thay thế ít ô nhiễm hơn.

Ngoài ra, tới năm 2025, các quốc gia EU sẽ phải có trách nhiệm thu thập 90% các vỏ chai nhựa dùng một lần; đồng thời, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về tác động tiêu cực của việc xả rác và hướng dẫn xử lý chất thải đúng cách.

Dù những đề xuất nêu trên cần phải được Nghị viện và tất cả các quốc gia thành viên EU thông qua, một quá trình có thể mất từ 3-4 năm nhưng các nhà hoạch định của EC vẫn lạc quan rằng, các biện pháp mới sẽ tạo hiệu quả rõ rệt khi được thực hiện đầy đủ vào năm 2030.

Mỗi năm, EU có thể tiết kiệm cho người tiêu dùng khoảng 6,5 tỷ euro, tạo ra 30.000 việc làm và giảm được 22 tỷ euro thiệt hại về môi trường và chi phí dọn dẹp, một con số lớn hơn nhiều so với chi phí tăng thêm của các doanh nghiệp, ước tính khoảng 3 tỷ euro mỗi năm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.