Thế giới giao thông

Nhiều quốc gia ưu tiên tiêm vaccine cho thuyền viên, bất kể quốc tịch

30/08/2021, 09:43

Nhiều quốc gia, tổ chức trên thế giới đã ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho lực lượng đặc biệt này.

Tham gia vận chuyển 80% khối lượng hàng hóa trên toàn cầu (từ thực phẩm đến vật tư, thiết bị y tế) nhưng do đặc thù công việc, đội ngũ thuyền viên gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành khắp nơi, nhiều quốc gia, tổ chức trên thế giới đã ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho lực lượng đặc biệt này.

img

Đến tháng 7/2021, mới có 35.000 - 40.000 thuyền viên (chiếm 2,5% tổng số thuyền viên trên toàn thế giới) được tiêm vaccine phòng Covid-19

Thuyền viên khổ sở vì quy định phòng dịch

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu, nhiều nước bắt buộc thuyền viên phải tiêm phòng đầy đủ mới được làm việc hoặc lên bờ. Thậm chí, theo Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), đã có rất nhiều trường hợp thuyền viên bị từ chối vào bờ để chăm sóc y tế, bất chấp bệnh tình khẩn cấp và không liên quan tới Covid-19.

Chẳng hạn như sự việc một thuyền viên người Nga (45 tuổi) đột quỵ trên tàu cách đây ít lâu. Trong hoàn cảnh ngàn cân treo sợi tóc, một cảng nước ngoài (IMO không nêu tên) vẫn từ chối cho phép người bệnh vào bờ. Phải đến khi các cơ quan của Liên Hợp Quốc can thiệp, cảng mới cho phép thực hiện cấp cứu y tế.

Cũng theo IMO, tháng 5/2020, Đại phó một tàu chở hàng gặp tình trạng nguy cấp, đau đớn vì sưng hết nướu, kéo đến phía trái mặt và cổ. Phía hãng tàu và đơn vị thuê phương tiện đề nghị cảng nơi tàu neo đậu đưa bác sĩ lên tàu thăm khám nhưng bị cơ quan hải quan sở tại từ chối vì quy định phòng dịch.

Vị Đại phó chỉ được thăm khám từ xa và nhận chỉ định phải phẫu thuật khẩn cấp, nguy cơ nhiễm trùng rất cao. Sức khỏe người này suy yếu từng ngày, không thể đi lại nhưng cơ quan quản lý cảng vẫn không chấp nhận vì quy định phòng dịch. Phải đến khi IMO can thiệp và vị Đại phó được xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, công tác cấp cứu mới được thực hiện.

Ngoài những thảm cảnh trên, vì rào cản về dịch bệnh, tiêm phòng mà tính đến tháng 7/2021, có tới 250.000 thuyền viên không thể vào bờ để đổi thuyền viên khác, dẫn tới cảnh người mong về, người ngóng việc.

Ông David W. Heindel, một lãnh đạo phụ trách về các vấn đề của thuyền viên thuộc Liên đoàn Vận tải quốc tế (ITF) cho biết: “Chúng tôi đang ở ngã ba đường. Cách duy nhất để được tiếp cận toàn cầu đó là tiêm phòng vaccine cho tất cả thuyền viên. Nếu không, sẽ không thể ngăn đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động vận tải biển”.

Bước đầu giải quyết tình trạng trên, từ tháng 5 năm nay, Văn phòng Vận tải biển Quốc tế (ICS) đã công bố Lộ trình tiêm phòng cho thuyền viên, để cùng với các tổ chức phi lợi nhuận khác trong ngành hàng hải thành lập các trung tâm tiêm phòng cho lực lượng này trên khắp thế giới.

Đối tượng trong chương trình là những thuyền viên cần rời tàu và trở về nhà, những thuyền viên đến từ các nước chưa có điều kiện tiêm phòng, từ các quốc gia không ưu tiên tiêm chủng với thuyền viên.

ICS khuyến nghị nên dùng các loại vaccine đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép. Trong đó, vì đặc thù công việc của thuyền viên nên những loại vaccine 1 liều là phù hợp nhất.

Đồng thời, các cơ quan địa phương, Trung ương, chủ tàu, thuyền viên và các tổ chức phi lợi nhuận có thể phối hợp thành lập một đội ngũ đa ngành để thiết lập, thực hiện lộ trình tiêm phòng cho thuyền viên.

Tiêm vaccine cho thuyền viên bất kể quốc tịch

img

Cảnh Đại phó của một tàu chở hàng mất gần 1 tuần mới được cấp cứu chỉ vì vướng quy định phòng dịch

Trước khi khung làm việc của ICS được công bố, có 16 bang của Mỹ đã thực hiện chương trình tiêm chủng cho các thuyền viên, bất kể quốc tịch. Và sau lộ trình của ICS, có thêm hàng loạt đất nước tham gia.

Tại châu Âu, Bỉ là quốc gia đầu tiên thực hiện chương trình tiêm chủng cho thuyền viên quốc tế, bất kể quốc tịch và loại tàu, sử dụng vaccine 1 liều Johnson & Johnson.

Từ giữa tháng 6, Hà Lan đã phối với với các chủ tàu cùng liên đoàn lao động tại địa phương tiêm phòng cho thuyền viên làm việc trên các tàu chở hàng mang cờ Hà Lan, neo đậu tại các cảng của nước này.

Theo kế hoạch ban đầu, sẽ có 49.000 thuyền viên được tiêm phòng miễn phí vaccine 1 liều Johnson & Johnson. Song đến đầu tháng 8 này, Hà Lan mở rộng chương trình cho toàn bộ thuyền viên trên tất cả các tàu ở khu vực cảng Rotterdam.

Tại châu Á, Singapore, trung tâm hàng hải số 1 thế giới, cũng có kế hoạch tiêm phòng cho toàn bộ thuyền viên làm việc trên tàu vận tải biển quốc tế.

Trước đó, quốc đảo này đã tiêm phòng cho các nhân viên tuyến đầu trong ngành hàng hải, cảng biển, kể cả thuyền viên nước ngoài làm việc ở các tàu vận hành trong cảng của Singapore như tàu lai dắt, tàu chở dầu.

Tuy nhiên, Singapore mới cấp phép sử dụng 2 loại vaccine Pfizer và Moderna (đều cần 2 mũi mới đủ liều), chưa cấp phép loại vaccine 1 liều như Johnson & Johnson. Do đó, nước này kêu gọi ngành vận tải biển tham gia sắp xếp việc tiêm phòng cho phù hợp.

Trong khi đó, Trung Quốc, đất nước có rất đông thuyền viên cũng đã triển khai tiêm phòng vaccine cho thuyền viên mang quốc tịch nước này từ tháng 5 năm nay.

Các thuyền viên người Trung Quốc sẽ được tiêm loại vaccine 1 liều nội địa CanSino Biologics. Chiến dịch được triển khai tại 11 cảng bao gồm nhiều cảng lớn như: Thiên Tân, Thượng Hải, Thâm Quyến, Quảng Châu, Ninh Ba…

Nhiều báo cáo chỉ ra, để các nước đang phát triển đạt được tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 toàn dân có lẽ phải chờ tới năm 2024. Ngoài ra, 90% người dân tại 67 quốc gia có thu nhập thấp ít có cơ hội tiêm phòng trong năm 2021. Trong khi, có khoảng 900.000 thuyền viên trên thế giới (chiếm hơn một nửa lực lượng thuyền viên toàn cầu) là từ nhóm các nước này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.