Thời sự

Nhiều quy định mới có hiệu lực từ 1/1/2015

26/12/2014, 15:42

Từ 1/1/2015, nhiều quy định mới trong các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng chính phủ bắt đầu có hiệu lực.

Tăng mức phạt xe chở quá tải

Xếp hàng quá tải sẽ bị phạt nặng
Xếp hàng quá tải sẽ bị phạt nặng.

Theo Nghị định 107/2014/NĐ-CP, người điều khiển xe ô tô tải, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vận chuyển hàng hóa chở hàng vượt trọng tải cho phép trên 100% sẽ bị phạt tiền từ 7 - 8 triệu đồng, cao hơn mức phạt hiện đang áp dụng (từ 5-7 triệu đồng). 

Ngoài bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ 3 tháng.

Khi xe chở quá tải 40-60% thì chủ xe (cá nhân) sẽ bị phạt 12-14 triệu đồng; tổ chức, doanh nghiệp sẽ bị phạt 24-28 triệu đồng. Mức phạt tăng tương ứng lên tới 32-36 triệu đồng với chủ xe khi chở quá tải trọng trên 100%. (Hiện tại, mức phạt cao nhất với cá nhân là 4 triệu đồng và tổ chức là 8 triệu đồng cho hành vi này). Đồng thời, bị điều chỉnh thùng xe, kiểm định lại mới được phép lưu thông.

Tăng lương tối thiểu vùng

Lương tối thiểu vùng sẽ tăng thêm từ 250.000 - 400.000 đồng/tháng
Lương tối thiểu vùng sẽ tăng thêm từ 250.000 - 400.000 đồng/tháng

Theo Nghị định 103/2014/NĐ-CP, lương tối thiểu vùng sẽ tăng thêm từ 250.000 - 400.000 đồng/tháng, cụ thể như sau: Vùng I: 3.100.000 đồng/tháng (tăng 400.000 đồng); Vùng II: 2.750.000 đồng/tháng (tăng 350.000 đồng); Vùng III: 2.400.000 đồng/tháng (tăng 300.000 đồng); Vùng IV: 2.150.000 đồng/tháng (tăng 250.000 đồng).

Nghị định cũng nêu rõ, mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người chưa qua đào tạo và phải cao hơn ít nhất 7% với người lao động đã qua học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề).

Người thân thích mới được mang thai hộ 

Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định nâng độ tuổi kết hôn của nữ thành đủ 18 tuổi thay vì vừa bước qua tuổi 18 như trước.

Luật cũng cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, tuy nhiên người mang thai hộ chỉ được mang thai hộ một lần và phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ; ở độ tuổi phù hợp, có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý và đã từng sinh con.

Luật mới bỏ quy định “cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính” nhưng quy định cụ thể “không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính-Khoản 2 Điều 8”. Như vậy những người đồng giới tính vẫn có thể kết hôn tuy nhiên sẽ không được pháp luật bảo vệ khi có tranh chấp xảy ra. 

Luật Hôn nhân và gia đình mới cũng bổ sung thêm các đối tượng được yêu cầu giải quyết ly hôn.Theo đó, thay vì chỉ vợ, chồng hoặc cả hai vợ chồng mới có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn như trước đây thì cha, mẹ, người thân thích khác cũng có thể yêu cầu giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ. Chồng không có quyền ly hôn khi vợ đang có thai, sinh con hoặc nuôi con dưới 12 tháng.

Hợp đồng mùa vụ cũng phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp

1
Người lao động làm việc theo mùa vụ từ 3 tháng trở lên buộc phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Với Luật Việc làm, so với quy định trước đây, đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ có thêm người lao động làm việc theo hợp đồng mùa vụ từ đủ 3 tháng trở lên. Mặt khác, cũng không còn quy định người sử dụng lao động có sử dụng từ 10 người lao động trở lên mới phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Tuy nhiên, người lao động giúp việc gia đình hoặc đang hưởng lương hưu thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Chậm nộp bảo hiểm y tế, lãi tăng gấp đôi

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế 2008, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 có nhiều quy định mới.

Như cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động thuộc diện phải đóng bảo hiểm y tế mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ thì buộc phải đóng đủ số tiền chưa đóng và nộp số tiền lãi bằng hai lần mức lãi suất liên ngân hàng (tăng gấp đôi so với trước đây).

Ngoài ra, người sử dụng lao động còn phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho người lao động trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng bảo hiểm y tế mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ bảo hiểm y tế.

Mai Anh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.