Xã hội

Nhiều “rào cản” ngăn cải thiện thể chất người Việt

30/06/2016, 06:20

Tình hình mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng lan rộng và ở tất cả 6/6 vùng trên toàn quốc.

20160629_112725

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến

Bên lề Hội nghị tổng kết 5 năm về Dân số, kế hoạch hóa gia đình ngày 29/6, PV Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến về chất lượng dân số Việt Nam hiện nay.

Mặc dù nhiều đề án, dự án về việc nâng cao chất lượng dân số được thực hiện trong thời gian qua, trong đó có nội dung nâng cao tầm vóc người Việt, tuy nhiên mới đây, bản đồ hiển thị chiều cao người dân các nước trên thế giới cho kết quả Việt Nam vẫn đứng thứ 4 trong top 10 quốc gia có chiều cao thấp nhất. Con số này dường như đã phủ định những nỗ lực của chúng ta trong nhiều năm qua, thưa ông?

Phải nói rằng, trong nhiều thập kỷ qua, chất lượng dân số được nâng lên rất nhiều thể hiện cụ thể nhất là ở tuổi thọ của người dân tăng cao. Cách đây 40 năm, sau chiến tranh, bình quân tuổi thọ không cao nhưng đến giờ là 73-74 tuổi. Dù vậy, chiều cao người Việt Nam so với các người dân các nước trong khu vực vẫn ở dạng thấp. Liệu chúng ta có thể cải thiện hay không, tôi cho rằng hoàn toàn có thể làm được dựa vào các yếu tố dinh dưỡng, môi trường phát triển, rèn luyện thể thao phù hợp (dù cho bản chất gene của người Việt là thấp nhỏ).

Trong thời gian vừa qua, chúng ta đã, đang làm nhưng thật sự chưa đến nơi đến chốn. Bởi thực tế chưa đáp ứng được chế độ dinh dưỡng, nếp sống sinh hoạt. Ví như đến độ tuổi cần bổ sung các dinh dưỡng tăng trưởng chiều cao như canxi, magiê… cần luyện tập thể thao đúng cách thì dân ta không ít người lại nặng về bổ sung dinh dưỡng, luyện tập không phù hợp khiến chiều cao chưa tăng đã dẫn tới béo phì.

Cũng đã có những đề án, dự án cho việc phát triển chất lượng dân số tuy nhiên nguồn kinh phí đầu tư còn nhiều hạn chế do vậy chưa đạt được yêu cầu như mong muốn.

tre-em

Chiều cao của người Việt hiện thuộc top 10 các nước có chiều cao thấp trên thế giới

Mới đây, Ủy ban dân tộc cũng đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ xóa sổ một số tộc người tại miền núi, vùng sâu, vùng xa chỉ vì tình trạng hôn phối cận huyết. Ngành Y tế cần có can thiệp gì để giải quyết vấn đề này?

Chính tôi đã nhiều lần phát biểu về vấn đề này trước lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tuy nhiên việc tìm giải pháp còn nhiều khó khăn. Bởi thực tế, một số tộc người có thói quen sống co cụm, khoanh vùng, không giao lưu với bên ngoài, họ lấy nhau cận huyết thống khiến bệnh tật dễ phát sinh, nhất là các bệnh lý di truyền.

Nguy cơ mất dần nhiều tộc người vì nguyên nhân này cũng đang hiện hữu. Cũng chính vì vậy, để giải quyết việc này không chỉ riêng ngành Y tế mà cần sự vào cuộc của cả xã hội tuyên truyền để họ biết và hiểu được dòng tộc mình cần phải lấy vợ, lấy chồng với dòng tộc khác để đảm bảo chất lượng giống nòi.

Trước việc mất cân bằng giới tính khi sinh, cách đây 2 năm, Bộ Y tế đã từng có đề xuất ngân sách hỗ trợ 3 nghìn tỷ đồng, trong đó có một phần hỗ trợ các gia đình sinh hai con gái. Tới nay, đề xuất này thực hiện đến đâu, thưa ông?

Đấy chỉ là dự kiến đề xuất mà thôi. Trong tổng kết chương trình dân số kế hoạch hóa gia đình 5 năm vừa qua và sắp tới, chúng tôi xác định không thể lơ là trước tình hình mất cân bằng giới tính, tuy nhiên hiện nay vấn đề này không quá nghiêm trọng như cách đây 7 năm. Lúc đó tỷ lệ mất cân bằng giới tính tăng vọt, còn bây giờ đã chững lại. Nói như vậy không có nghĩa là bỏ đi giải pháp này mà cần đến những giải pháp đồng bộ hơn, bền vững hơn để giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh.

Chúng ta cần nhìn nhận một cách thấu đáo hơn. Việc chỉ tập trung can thiệp bằng kỹ thuật như không được phép siêu âm, chẩn đoán trước để sinh con trai vẫn chưa phải là giải pháp toàn vẹn, chưa thực sự bền vững và hiệu quả. Bởi nếu ai đó vẫn có suy nghĩ phải sinh con trai bằng mọi cách, có thể ở trong nước hoặc ra nước ngoài họ vẫn có thể can thiệp. Điều quan trọng nhất là tư tưởng, truyền thống, ứng xử của xã hội để mọi người hiểu: con trai hay con gái không có sự phân biệt. Thậm chí có một cô con gái khỏe mạnh, ngoan ngoãn, thành đạt, hiếu thảo thì còn hơn 10 cậu con trai “ăn tàn, phá hại”.

Cảm ơn ông!

Theo thống kê của Tổng cục Dân số và kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), tình hình mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng lan rộng và ở tất cả 6/6 vùng trên toàn quốc.

Nếu không can thiệp, đến năm 2050, dự kiến Việt Nam thiếu khoảng 2,3-4,3 triệu phụ nữ.Tỷ lệ tử vong của trẻ dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi lần lượt tương ứng là 14,9% và 22,4%; tỷ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi còn cao và có sự cách biệt giữa các vùng miền.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.