Vận tải

Nhiều tài xế miền Tây bỏ việc vì bị ngoáy mũi test Covid-19 liên tục

22/08/2021, 13:50

Phải ngoáy mũi lấy dịch test nhanh 3 ngày một lần, thậm chí có nơi chỉ 24h phải test trở lại khiến nhiều tài xế ở miền Tây bỏ việc.

Dù là chủ của một chành xe ở TP Cần Thơ, nhưng gần 2 tháng qua anh Nguyễn Văn Mến buộc phải tự mình ôm vô lăng chạy khắp các tỉnh, thành Đông, Tây Nam Bộ để chở hàng, giữ mối.

Theo anh Mến, lúc các tỉnh mới bắt đầu siết chặt ra vào địa phương, cơ sở của anh có 4 tài xế. Do phải vận chuyển hàng đi rất nhiều tỉnh, thành nên tài xế buộc phải ngoáy mũi test nhanh 3 ngày/lần, có nơi bắt buộc 24h phải test.

img

Phải ngoáy mũi test nhanh liên tục, nhiều tài xế không chịu nổi đành “treo” bằng, bỏ việc. Ảnh: Thiện Kim

“Giãn cách xã hội chưa bao lâu thì tất cả tài xế đều xin nghỉ việc, bởi nhiều người bị viêm mũi, chảy máu và nhức đầu. Một phần anh em họ cũng sợ lây nhiễm dịch ở các điểm test đông người. Bản thân tôi cũng phải ngoáy mũi cả chục lần, thốn lắm, sưng mũi nhưng cũng phải buộc ôm vô lăng để cầm cự kiếm từng đồng và giữ mối mang”, anh Mến chia sẻ.

Còn ở Vĩnh Long, anh Kim Long, tài xế chuyên lái xe tải phân phối gas cho các đại lý trong tỉnh cũng chỉ cầm cự được tới đợt giãn cách thứ 3 và buộc phải xin nghỉ việc. Anh nói: “Nói 3 ngày test 1 lần chứ thật ra cứ 2 ngày là phải test rồi, vì giấy hết hạn sẽ bị các chốt xử phạt. Cứ liên tục như vậy, qua 2 đợt giãn cách trong tỉnh, tôi đã ngoáy mũi test mấy chục lần khiến mũi bị viêm nặng”, anh Long nói.

Do tài xế chịu không nổi chuyện ngoáy mũi thường xuyên nên lần lượt xin nghỉ việc, chủ cơ sở gas Tân Ngọc Thu, thị xã Bình Minh, Vĩnh Long cũng buộc phải tăng thêm tiền công ngày làm việc lên gấp đôi nhưng cũng rất hiếm người chịu chạy.

img

Nhiều tài xế mong mỏi được tiêm vaccine. Ảnh: Thiện Kim

Anh Lê Ngọc Tuấn, tài xế chuyên chở hàng nông sản đi các tỉnh Đông Nam Bộ cho biết ở An Giang kết quả test nhanh chỉ có tác dụng trong 24h. “Chỉ cần một tua đi gom hàng nội tỉnh là đã mất cả ngày, khi ra khỏi tỉnh phải test lại lần 2, chuyển hàng đi và quay về buộc phải test thêm lần nữa mới được vào tỉnh. Có chỗ ngoáy nhẹ, chỗ ngoáy quá mạnh, chỗ tăm nhỏ, chỗ tăm to. Từ đầu dịch đến giờ tôi ngoáy cỡ 20 lần nên chịu hết nổi”, anh Tuấn cho biết.

Cũng theo anh Tuấn, nếu như ngay từ đầu mùa dịch tất cả anh em lái xe đều được tiêm vaccine như những người tuyến đầu chống dịch thì có lẽ các tỉnh, thành không phải chịu cảnh thiếu thốn từng củ khoai, hạt gạo như bây giờ.

“Nếu sớm được tiêm vaccine thì hàng hóa đã lưu thông xuôi chảy, lao động không phải trói chân ở nhà, giá cả sẽ bình ổn và chúng tôi không phải trùm mền hàng trăm chiếc xe”, anh Tuấn cho biết thêm.

Theo ông Nguyễn Ngọc Xuân, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô An Giang, kiêm Giám đốc HTX Vận tải thuỷ bộ Đoàn Kết cho biết, thực trạng tài xế “treo” bằng lái, bỏ việc đang diễn ra khá nhiều, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc lưu thông hàng hoá, nông sản đi các tỉnh.

img

Theo ông Nguyễn Ngọc Xuân, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô An Giang, tình trạng tài xế “treo” bằng có phần làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hoá, nông sản. Ảnh: Thiện Kim

“Đơn vị của tôi có hơn 500 xe tải chuyên vận chuyển hàng hoá, nông sản. Nhưng hiện chỉ còn 70 phương tiện còn hoạt động. Nguyên nhân là giới tài xế lo ngại chuyện test thường xuyên ảnh hưởng sức khoẻ, phần thì lo ngại nhiễm chéo ở các điểm test đông người.

Chủ xe thì lo chuyện chi phí bị đội lên cao vì phải chịu tiền test, xét nghiệm, rồi lỡ tài xế bị cách ly cũng phải lo tiền này nọ. Hiện HTX đã lập danh sách hơn 120 tài xế để tiêm vaccine, tạo sự yên tâm để họ làm việc, nhưng chưa được tiêm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây đứt gãy chuỗi cung ứng nông, thuỷ sản từ An Giang đi các tỉnh”, ông Xuân nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.